Thái Nguyên: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

- Thứ Ba, 30/04/2024, 08:32 - Chia sẻ

Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trở thành 1 trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Thái Nguyên chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, công nghệ cao, thông qua phát triển các khu công nghiệp (KCN) với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, phát triển công nghiệp theo định hướng và tạo động lực thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, quy hoạch của tỉnh có dư địa trên 6.000ha đất phục vụ phát triển công nghiệp gồm: 4.245ha đất phát triển KCN, 2.067ha đất phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, mở rộng 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển 41 cụm công nghiệp.

CCN Điềm Thụy có mức vốn đầu tư trên 526 tỷ đồng
CCN Điềm Thụy có mức vốn đầu tư trên 526 tỷ đồng

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, ngay sau khi Quy hoạch được thông qua, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, có việc công bố quy hoạch, ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.

Trong năm 2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV đã thông qua các Nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung, phân khu, chi tiết tỷ lệ 1/2.000 các KCN như KCN Đô thị Dịch vụ Phú Bình, KCN Đô thị Dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2; KCN Yên Bình 3 và Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên Lê Kim Phúc cho biết, Ban Quản lý sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu quy hoạch công nghiệp theo đúng quy hoạch chung của tỉnh, theo nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm đưa các KCN triển khai, tạo ra quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào các KCN để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Việc cụ thể hóa Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các KCN là cơ sở để các ngành chức năng và địa phương có quy hoạch KCN hoạch định chính sách, xác định nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thu hút nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên, nhằm phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế; tỉnh Thái Nguyên đã và đang ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự chủ động đổi mới, sáng tạo.

Cùng với định hướng đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ triển khai các dự án phát triển hạ tầng KCN, gắn với chuẩn bị kỹ các điều kiện sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư dịch vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Đối với các KCN hiện có 5/8 KCN đi vào hoạt động ổn định, thu hút 302 dự án đăng ký đầu tư. Trong đó, có 167 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10,8 tỷ USD; 135 dự án DDI tổng vốn đăng ký trên 17,3 nghìn tỷ đồng, nhiều KCN đã có tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích.

Năm 2023, là năm khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát lan rộng trên toàn thế giới, sự bất ổn chính trị xảy ra ở nhiều khu vực; song, Thái Nguyên vẫn được chọn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thái Nguyên đã có 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới đạt 320% so với kế hoạch năm, với tổng vốn đăng ký đạt trên 225 triệu USD và trên 1.000 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, dư địa phát triển và ưu thế của tỉnh Thái Nguyên trong thu hút các nhà đầu tư vào các KCN.

Ông Ahn Hui Sun, Phó Giám đốc Công ty CP Aluminium Hàn Việt chia sẻ: chúng tôi quyết định đầu tư vào KCN Điềm Thụy Thái Nguyên. Trước nhất, công ty có những doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp các sản phẩm phôi nhôm phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn Samsung. Tại đây, ngoài lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận tiện, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ về chính sách đầu tư thủ tục đăng ký đầu tư thuận lợi và nhanh gọn.

Theo các chuyên gia, dư địa đất công nghiệp của Thái Nguyên xếp vào Top đầu các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đây là lợi thế để các nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai, triển khai các dự án đầu tư. Việc tích cực và quyết liệt triển khai nhiệm vụ quy hoạch tỉnh thể hiện đón đầu cơ hội đầu tư tạo ra động lực bứt phá. Hiện có thêm gần 2.000ha đất phát triển công nghiệp tại các khu, CCN trên địa bàn. Với kỳ vọng, Thái Nguyên có thể nâng giá trị sản xuất công nghiệp lên mức trên 2 triệu tỷ đồng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh.

Phan Phương
#