Hà Nội

Tuyên truyền người dân sử dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính

- Thứ Tư, 08/05/2024, 08:42 - Chia sẻ

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP là nội dung quan trọng, sẽ thay thế toàn bộ giấy tờ truyền thống. Đồng thời, cung cấp các tiện ích cho công dân số, chính quyền số, xã hội số, mang lại lợi ích lớn, tiết kiệm tiền bạc, thời gian và nhân lực.

Việc chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất VNeID, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, về kỹ thuật, Hệ thống của thành phố hiện đã kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia và Hệ thống Định danh và Xác thực điện tử của Bộ Công an để hỗ trợ công dân đăng nhập bằng tài khoản VNeID, tài khoản cổng DVC Quốc gia để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Việc sử dụng tài khoản VNeID sẽ giảm thiểu được các tài khoản ảo, tài khoản rác, nâng cao công tác bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu của Hệ thống. Hệ thống của thành phố sẵn sàng và không có vướng mắc về mặt kỹ thuật khi triển khai.

TP. Hà Nội thí điểm sử dụng mô hình triển khai cấp lý lịch tư pháp qua VNeID bước đầu đã có nhiều kết quả tích cực. Ảnh: ITN
TP. Hà Nội thí điểm sử dụng mô hình triển khai cấp lý lịch tư pháp qua VNeID bước đầu đã có nhiều kết quả tích cực. Nguồn: ITN

TP. Hà Nội đã sẵn sàng và thường xuyên thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân chưa có tài khoản, tạo tài khoản và sử dụng tài khoản VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính; các lợi ích công dân được hưởng khi sử dụng tài khoản VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính.

Về hướng dẫn, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thành phố Hà Nội đã giao Công an thành phố chủ trì cùng với lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường việc thực hiện hướng dẫn, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân; có các biện pháp, hình thức, cách thức phù hợp bảo đảm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% người dân có tài khoản định danh điện tử và đặc biệt là tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để có thể khai thác các tiện ích đem lại.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, thành phố đề nghị Bộ Công an tăng cường hỗ trợ người dùng, bảo đảm người dân có thể sử dụng ứng dụng một cách dễ dàng và hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả kênh thông tin liên lạc để người dân có thể liên hệ và nhận hỗ trợ từ nhân viên hỗ trợ khi gặp vấn đề trong quá trình sử dụng.

Tiếp tục tổ chức các buổi đào tạo về việc sử dụng tài khoản VNeID, nhất là các tiện ích mới dành cho cán bộ và nhân viên của các cơ quan, ban ngành địa phương, điều này giúp bảo đảm họ có đủ kiến thức và kỹ năng để hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong việc sử dụng tài khoản VNeID.

Xây dựng hệ thống phản hồi từ người dân về chất lượng và trải nghiệm khi sử dụng ứng dụng VNeID. Hệ thống này giúp ghi nhận ý kiến đóng góp và phản hồi của người dân để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời, thống nhất quy định về danh tính điện tử và danh tính số.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, một ví dụ điển hình trong sử dụng VNeID là triển khai cấp lý lịch tư pháp. TP. Hà Nội thí điểm sử dụng mô hình này từ ngày 22.4 đến nay đã cho thấy hiệu quả tích cực.

“Một ngày có khoảng 1.000 người dân đến bộ phận một cửa tại Sở Tư pháp. Người dân rất vất vả, có khi phải xếp hàng 2, 3 ngày mới làm xong thủ tục. Khi triển khai thí điểm nội dung này, người dân rất phấn khởi vì không phải đến các đơn vị, giảm thời gian làm thủ tục. Cơ quan nhà nước cũng giảm nhân lực, nguồn lực để triển khai việc này” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ.

Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thông tư về phí thực hiện để tạo thuận lợi cho người dân tham gia nhiều. Đề nghị khởi tạo dữ liệu từ gốc và chia sẻ lên nguồn dữ liệu chung. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai nhanh việc phi địa giới hành chính; đề nghị có nghiên cứu phân cấp ủy quyền cho quận huyện để tạo thuận lợi cho người dân làm thủ tục trực tiếp mà không phải lên làm tập trung tại Sở Tư pháp.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Văn phòng Chính phủ, các doanh nghiệp lớn… TP. Hà Nội giao cho các sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ để thực hiện tái cấu trúc, xây dựng quy trình nhiệm vụ, làm cơ sở để thiết kế hệ thống giải quyết thủ tục hành chính.

Kết quả, hệ thống được vận hành tại 100% các cơ quan nhà nước thành phố (trên 20 sở, ban, ngành; 30 UBND cấp huyện, 579 UBND cấp xã với 11.874 tài khoản người dùng). Triển khai tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính với 1.825 thủ tục hành chính; xác định 1.191 thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện cung cấp trên Hệ thống của thành phố.

Kết nối với hơn 20 hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, quốc gia. Đặc biệt, đã kết nối với VNPost thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo hệ thống Bưu điện công ích.

Hệ thống đã cơ bản đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai thí điểm một số ứng dụng phục vụ nhu cầu người dùng trên Hệ thống: thanh toán phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính không dùng tiền mặt tại Bộ phận Một cửa với các thủ tục hành chính thực hiện trực tiếp; kết nối Hệ thống quản lý văn bản của thành phố.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đang chủ động kết nối toàn bộ với cơ sở dữ liệu hệ thống nội bộ, đặc biệt kết nối với hệ thống doanh nghiệp, hệ thống quản lý văn bản để phục vụ phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp.

Văn Anh
#