Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị sự nghiệp công lập:

Mục tiêu là chất lượng giáo dục phải tốt hơn

- Thứ Hai, 06/05/2024, 17:27 - Chia sẻ

Qua làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ, các thành viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, báo cáo của tỉnh cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục như Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương đã đề ra.

Mục tiêu là chất lượng giáo dục phải tốt hơn -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Minh Trang

Khó khăn lớn nhất là thiếu biên chế giáo viên

Tính đến hết ngày 31.12.2023, tỉnh Phú Thọ có 1.004 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 134 đơn vị so với năm 2015; giảm 107 đơn vị so với năm 2017; giảm 14 đơn vị so với năm 2021. Từ năm 2015 đến nay, Phú Thọ đã thực hiện giải thể 17 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Tính đến năm 2023, tỉnh đã giảm 2.907 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đạt 9,44% so với số biên chế được tính làm căn cứ để thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh là 846, giảm 76 đơn vị so với năm 2015; số lượng đơn vị giáo dục nghề nghiệp là 18, giảm 5 đơn vị so với năm 2015. Để đáp ứng số lượng giáo viên giảng dạy phù hợp với quy mô trường lớp và số lượng học sinh, hiện nay toàn tỉnh Phú Thọ còn 1.382 giáo viên hợp đồng; giảm 1.204 giáo viên hợp đồng so với năm 2021.

Mục tiêu là chất lượng giáo dục phải tốt hơn -0
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Trang

Tuy nhiên, qua phản ánh của tỉnh Phú Thọ, Đoàn giám sát nhận thấy, tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2015 - 2021 chưa bảo đảm tỷ lệ 10% theo quy định. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu thiếu giáo viên ở bậc học mầm non và tiểu học. Chỉ tiêu biên chế năm 2023 giao cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập là 23.167 biên chế, trong khi đó định mức biên chế theo quy mô trường lớp và số lượng học sinh năm học 2023 - 2024 là 27.384 biên chế. Như vậy, số biên chế giao hiện tại thiếu so với định mức là 4.217 biên chế. Công tác tuyển dụng giáo viên cũng khó khăn do thiếu nguồn ứng tuyển.

Nhấn mạnh khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ là thiếu biên chế giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cũng cho biết, việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Trong đó, tỷ lệ giáo viên biên chế hiện nay rất thấp, đối với cấp trung học phổ thông công lập mới chỉ tuyển được khoảng 50%. Trong những năm học tới, số lượng học sinh đông hơn thì tỷ lệ này có thể còn giảm xuống dưới 50%. Tuy vậy, tỉnh Phú Thọ vẫn phải thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế viên chức 10% theo quy định, do đó, cũng không thể tăng được số lượng biên chế giáo viên. 

Mặt khác, việc huy động xã hội hóa giáo dục chủ yếu vận động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chưa hình thành và phát triển mô hình trường công lập, trường ngoài công lập thực hiện chương trình tiên tiến, chất lượng cao; hệ thống trường ngoài công lập chủ yếu tập trung ở vùng đô thị, tỷ lệ trường ngoài công lập so với mặt bằng chung cả nước còn thấp, nhất là ở bậc học mầm non. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ vẫn còn 6 huyện chưa có trường ngoài công lập.

Cân nhắc kỹ lưỡng khi xã hội hóa lĩnh vực giáo dục

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của tỉnh Phú Thọ trong lĩnh vực giáo dục, các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương đặt ra yêu cầu cho các địa phương là sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học, rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Do báo cáo của tỉnh Phú Thọ chưa có nội dung này nên các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh làm rõ hơn những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.

Mục tiêu là chất lượng giáo dục phải tốt hơn -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu. Ảnh: Minh Trang

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, tỉnh Phú Thọ mới chỉ ban hành Đề án sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó không sáp nhập đối với cấp mầm non và trung học phổ thông. Đại biểu đề nghị trong báo cáo của tỉnh cần làm rõ hơn nội dung này, chẳng hạn đối với bậc giáo dục phổ thông có triển khai sắp xếp không, nếu không sắp xếp thì nguyên nhân là do đâu, hiện còn những vướng mắc, khó khăn như thế nào? Bởi thực tế cho thấy, ở Phú Thọ có nhiều vùng điều kiện đi lại còn khó khăn thì đây có phải là yếu tố ảnh hưởng đến việc thu gọn các điểm trường hay không?

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho rằng, phải xác định việc sáp nhập hai trường thành một để phục vụ cho học sinh trên địa bàn của hai xã theo quy mô dân số thì đạt được mục tiêu gì, hay chỉ giảm được số lượng là một hiệu trưởng của một cơ sở? Bởi nếu sáp nhập như vậy, học sinh sẽ phải đi học xa hơn, tổng chi phí xã hội bao gồm cả chi phí bằng tiền bạc, thời gian, công sức và những yêu cầu thực tế khác sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt là đối với những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Mục tiêu là chất lượng giáo dục phải tốt hơn -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn phát biểu. Ảnh: Minh Trang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục vì tổng chi phí xã hội có thể sẽ tăng lên, mục tiêu cuối cùng là phải góp phần làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn chứ không chỉ là giảm theo các con số.

Từ những khó khăn trong thực tế, tỉnh Phú Thọ mong muốn, Bộ Nội vụ đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giữ ổn định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022 - 2026 của địa phương, đồng thời hằng năm giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn thiếu so với định mức quy định.

Ghi nhận các kiến nghị của tỉnh rất tâm huyết, sát thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trường Đoàn giám sát cho biết, các ý kiến giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin, đặc biệt là nhìn nhận được những khó khăn của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới quản lý, thu hút nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ lập danh mục cụ thể những văn bản có quy định chưa phù hợp; những Bộ, ngành còn chưa ban hành hoặc ban hành chậm thông tư hướng dẫn theo trách nhiệm được giao để làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan trong thời gian tới, từ đó có hướng xử lý, tháo gỡ theo thẩm quyền.

Minh Trang
#