Xuất khẩu lao động Việt Nam có những kết quả đáng ghi nhận.

- Thứ Ba, 07/05/2024, 11:45 - Chia sẻ

Xuất khẩu lao động đang góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu lao động Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận.

35.933 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc

Nhưng năm gần đây, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xem là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.933 lao động (11.483 lao động nữ) đạt 28,74% kế hoạch năm 2024. Trong đó thị trường Nhật Bản là 23.364 lao động (8.248 lao động nữ), Đài Loan là 9.781 lao động (3.011 lao động nữ), Hàn Quốc 707 lao động (không có lao động nữ),...

Xuất khẩu lao động được xem là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế (Nguồn: ITN)

Cả nước hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2010 đến nay đã đưa trên 1,4 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Bình quân mỗi năm có khoảng 120.000 - 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức... Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Cùng với đó tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có và sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cơ hội mới cho người lao động

Là tỉnh đứng đầu cả nước về việc đưa người đi lao động nước ngoài, năm 2023 Nghệ An đã đưa 25.157 lao động đi làm việc nước ngoài (đạt 173,50% kế hoạch năm, tăng 102,43% so với năm 2022); trong đó, lao động thuộc 11 huyện miền núi 9.858 người (chiếm 39,19% toàn tỉnh), tập trung vào các thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu. Bên cạnh đó, năm 2023 một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết việc làm năm 2024 cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về phối hợp tuyển lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Đến nay, tỉnh Nghệ An là một trong trong những tỉnh đứng đầu có nhiều lao động đang làm việc ở nước ngoài (khoảng trên 85.000 người). Số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 600 đến 650 triệu USD đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ hội phát triển kinh tế -0
Người lao động được Công ty cổ phần TRAENCO hỗ trợ đào tạo nghề 

Phó giám đốc điều hành Công ty cổ phần TRAENCO chi nhánh miền trung Ông Hoàng Văn Phi cho biết, năm 2023 chi nhánh miền trung đã hỗ trợ đưa hơn 500 lao động đi làm việc ở Đài Loan, Nhật Bản. Đây là những nước có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. “Vận dụng cơ sở vật chất hiện đại của Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An cùng với đội ngũ cán bộ dày dặn kinh nghiệm, từng sinh sống, làm việc tại nước ngoài sẽ hỗ trợ tư vấn, định hướng, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đào tạo ngôn ngữ, kỹ năng, tay nghề, thái độ làm việc… để giúp người lao động dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc của nước sở tại. Nếu người lao động chịu khó học tập và làm việc, xuất khẩu lao động là con đường để có việc làm và thu nhập tốt, đồng thời rèn luyện cho người lao động kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại.” ông Phi chia sẻ.

Cơ hội phát triển kinh tế -0
Bên cạnh việc được hỗ trợ đào tạo nghề, người lao động còn được đào tạo về kĩ năng, thái độ làm việc

Là một người sang Nhật Bản làm việc theo hình thức xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Văn Trường chia sẻ “Tôi sang Nhật làm việc được gần 1 năm, môi trường làm việc bên này rất khác so với Việt Nam, họ yêu cầu tính kỷ luật cao. May mắn trước khi sang đây, tôi đã được đào tạo tiếng, tay nghề cũng như tác phong, ý thức lao động, cũng như được sự giúp đỡ của các anh sang trước nên cũng không quá bỡ. Các bạn sắp tới có ý định đi xuất khẩu lao động nên tìm những cơ sở uy tín để tránh tình trạng không thích nghi được, chán nản, bỏ trốn ra ngoài tìm việc làm khác, vi phạm pháp luật của nước bạn”.

Trưởng phòng Lao Động - Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) Trần Phi Hùng cho biết, những năm gần đây, việc tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động đã mở ra cơ hội mới cho người dân Nghệ An và không khó để thấy những ngôi nhà cao tầng, khang trang hơn tại các vùng quê. “Để có thể tiếp cận được những thị trường lao động khó tính, thời gian tới cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng khai thác và phát triển thị trường truyền thống (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), khai thác một số thị trường mới có nhiều tiềm năng (Hunggary, Ba Lan, Rumania, Croattia). Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn lao động trước khi xuất cảnh. Trong đó, chú trọng đến các yếu tố về kỹ năng tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật....” ông Hùng nhấn mạnh.  

Thái Yến - Nguyễn Ngân
#