Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động giám sát của Quốc hội

- Thứ Ba, 07/05/2024, 07:30 - Chia sẻ

TS. Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Cùng với sự đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã cung cấp kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, đồng thời thường xuyên tham gia các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Tích cực tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội

Hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hoạt động giám sát của Quốc hội luôn được chú trọng và không ngừng được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giám sát của Quốc hội đã đóng góp tích cực vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra mục tiêu “Đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Thực hiện mục tiêu đề ra, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chú trọng thực hiện toàn diện các hoạt động giám sát của Quốc hội.

KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật. Theo quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, KTNN là cơ quan cung cấp thông tin thường xuyên về kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội; đồng thời tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội khi có yêu cầu.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Cụ thể là, hàng năm, KTNN xây dựng báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quyết toán ngân sách của cả nước. KTNN cũng đã tham gia nhiều ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, làm cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Ảnh: Văn Lộc
Kiểm toán công nghệ thông tin. Ảnh: Văn Lộc

KTNN cũng tích cực tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. KTNN đã cử Lãnh đạo tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề. Kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN cơ bản bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội đã được KTNN tổ chức thực hiện thành các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành hoặc lồng ghép trong các cuộc kiểm toán. Ví dụ, KTNN đã tổ chức kiểm toán chuyên đề toàn ngành để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ 2 cuộc giám sát tối cao năm 2023 của Quốc hội , đó là: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Kết quả kiểm toán đã bổ sung cung cấp nhiều thông tin, số liệu phục vụ cho các Đoàn giám sát.

Thông qua đánh giá việc tuân thủ pháp luật và chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, thay thế hàng nghìn văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. Nhiều kết luận, kiến nghị của KTNN được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sử dụng khi thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

Các kết luận, kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật đã góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước. Đây cũng là nguồn thông tin quan trọng cho các cơ quan của Quốc hội khi tổ chức các phiên giải trình và đại biểu Quốc hội chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, năm 2023, toàn ngành KTNN lần đầu tiên tổ chức rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 chưa thực hiện để phục vụ phiên giải trình: “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”. Qua kết quả rà soát của KTNN và việc tổ chức phiên giải trình, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh và hoàn thành nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó nhiều kiến nghị tồn tại kéo dài nhiều năm về sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, xử lý tài chính, xử lý khác đã được tập trung xử lý và thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn.

Ngoài ra, các thông tin kết luận, kiến nghị, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được công khai minh bạch cũng tạo điều kiện cho nhân dân, cử tri tham gia thực hiện vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của chính quyền các cấp.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như phát huy được vai trò của KTNN trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, trong thời gian tới, KTNN cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

KTNN cần tiếp tục bám sát yêu cầu giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hàng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán hàng năm khoa học, hiệu quả; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; bố trí kế hoạch kiểm toán hợp lý để kịp thời và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu kiểm toán phục vụ các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng.

KTNN cũng cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán, quyết toán ngân sách, tài sản công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng các báo cáo kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán.

#