Vụ 547 người bị ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Phát hiện vi khuẩn Salmonella, E.Coli trong thực phẩm

- Thứ Ba, 07/05/2024, 19:26 - Chia sẻ

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin, các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì Băng đa phần bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Trong đó, có một số mẫu nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến 16 giờ 30 ngày 07.5.2024, ngày thứ 7 sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh, trong ngày không ghi nhận trường hợp mới nhập viện. Tổng số trường hợp nhập viện lũy kế đến hiện tại là 547 trường hợp.

Hiện tại, có 466 trường hợp đã xuất viện tiếp tục theo dõi tại nhà, còn 81 trường hợp theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến cai máy thở trong 1-2 ngày tới; các trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định.

Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận: 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli, 09/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận: 04/08 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.

Qua phân tích các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận nguyên nhân ra vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh thông tin, mẫu bệnh phẩm của người bệnh P.H.M. (14 tuổi) cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella.

ngo-doc-banh-mi-1714711002702.jpg -0
Nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, điều trị sau khi ăn bánh mì

Vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau củ quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng.

Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, ói mửa,... các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần.

Vi khuẩn E.Coli thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, các loại trái cây,… với thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày.

So với E.coli, ngộ độc Salmonella nặng hơn. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, dẫn đến tử vong.

Để phòng ngừa ngộ độc Salmonella, người dân cần lưu ý ăn chín, uống chín, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống; rửa sạch rau củ quả trước khi ăn; bảo quản thực phẩm đúng cách.

a70ef54e8f052e5b7714-17147356625-1714757237812.jpg -0
Niêm phong, tạm giữ một số phụ gia của tiệm bánh mì cô Băng

Theo UBND TP. Long Khánh, qua làm việc với chủ cơ sở bán bánh mì và kiểm tra, bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận vi phạm của chủ cơ sở này. Tuy nhiên, cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh để chứng minh hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm của tiệm bánh mì.

Cũng theo UBND TP. Long Khánh, đây là vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ quy định pháp luật, UBND thành phố thông tin và chuyển hồ sơ xác minh bước đầu về cơ sở kinh doanh bánh mì Băng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Long Khánh để điều tra, xử lý.

Xuân Quý
#