Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

​​​​​​​Cân nhắc, bảo đảm tính khả thi

- Thứ Hai, 17/08/2020, 09:46 - Chia sẻ
Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng và gia đình người có công, đồng thời, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội. Nhấn mạnh điều này, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục làm rõ các đối tượng được hưởng chính sách và phải rà soát, tính toán đầy đủ, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Pháp lệnh.

Lượng hóa đối tượng thụ hưởng

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 29.8.1994. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã qua 6 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh). Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Điểm lại những kết quả, tác động xã hội từ chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định, tác động lớn nhất không phải là giải quyết vấn đề vật chất, tinh thần của người có công mà chính là việc truyền đi thông điệp về giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống hết sức đặc biệt. “Nếu không có nghị quyết chuyên đề, không có pháp lệnh sửa đổi đó thì hệ thống chính trị của chúng ta chưa hẳn vào cuộc mạnh mẽ như 7 - 8 năm nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá.

Đánh giá Pháp lệnh đã đi vào cuộc sống, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, khi đi tiếp xúc cử tri, bà con có nhiều bức xúc liên quan tới việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhưng khi được giải thích thì bà con rất nhất trí. Vì vậy, việc sửa đổi Pháp lệnh lần này là dịp để tổng kết tất cả các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Đặt vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh, Tờ trình dự án Pháp lệnh sửa đổi và Báo cáo thẩm tra cần nêu rõ bức tranh tổng thể về chính sách người có công, trong đó, các đối tượng được hưởng chính sách tổng số là bao nhiêu, các đối tượng như thế nào và việc chúng ta chi ra hàng năm là bao nhiêu.

“Trước đây, tôi làm lãnh đạo ở Quảng Nam, đối tượng này lúc nào cũng phải nằm lòng, phải thuộc hết vì nó đi vào con số rồi. Ví dụ, 65.000 liệt sĩ của Quảng Nam, 35.000 ngoài Bắc vào. Nơi đây là đông nhất với 14% dân số là người có công, bao nhiêu chục nghìn thương binh, bao nhiêu người bị tù đày. Quảng Nam 1 năm phải chi 1.200 tỷ đồng cho chính sách ưu đãi người có công. Khi ta giải thích với bà con cử tri về việc này thì chúng ta thấy đây hoàn toàn là chính sách lớn và chúng ta đã giải quyết rất tốt, tạo lòng tin trong nhân dân và thể hiện sự quan tâm, sự đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết thêm.

Cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc giữ nguyên 12 đối tượng được hưởng chính sách trong Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, có hai điểm khác so với quy định hiện hành là: tại Điểm i, Khoản 1, Điều 3, dự thảo Pháp lệnh sửa đổi quy định "người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” trong Pháp lệnh hiện hành thành “người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học” nhưng chưa lý giải được sự thay đổi này. Điểm k, Khoản 1, Điều 3, dự thảo Pháp lệnh mở rộng đối tượng người bảo vệ Tổ quốc bị địch bắt tù đày và tại Điều 32 quy định điều kiện, tiêu chuẩn, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc bị địch bắt tù đày đã mở rộng thêm đối tượng là người làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, phải giải thích, đánh giá rõ những thay đổi này. Ví dụ, phơi nhiễm và nhiễm khác nhau thế nào và nếu thêm chữ phơi như trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi thì sẽ tăng thêm bao nhiêu đối tượng cũng cần được làm rõ.

Giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn

Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những mục tiêu sửa đổi Pháp lệnh lần này là nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này vừa qua. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng tồn đọng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận thấy, về cơ bản, chính sách đối với người có công với cách mạng đã làm tốt, tất cả các đối tượng đã được giải quyết chính sách cơ bản. Song bên cạnh đó, chính sách hiện hành ồn đọng hai vấn đề: Các trường hợp chưa được làm rõ thì bây giờ cần tiếp tục làm rõ và những bất hợp lý trong chính sách ưu đãi như chính sách lúc cao, lúc thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống bình quân cho người có công cần tiếp tục điều chỉnh.

Đối với các trường hợp đối tượng chưa được hưởng chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thời kỳ đầu sau giải phóng miền Nam thì việc kê khai có thể chưa chính xác và nhiều gia đình cách mạng khiêm tốn nên cũng không ghi hết. Sau này chính sách đưa ra, người có công từ huân chương trở lên mới được trợ cấp hàng tháng còn huy chương thì không được nên cũng gây tâm tư cho bà con. Bây giờ nếu kê khai lại để giải quyết việc này thì rất khó nên cũng phải vận động để bà con thông cảm. Bên cạnh đó, vẫn còn những đối tượng còn sót do thiếu hồ sơ. Ví dụ, một số đối tượng dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở miền núi tham gia cách mạng dù không có quyết định, nhưng họ cũng có 5 - 7 năm phục vụ cách mạng, đi dân công, thậm chí tham gia lực lượng vũ trang, khi trở về không có quyết định về và sau này chưa được hưởng đãi ngộ của Nhà nước. 

Nêu lên thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, vừa rồi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giải quyết một loạt trường hợp như vậy và khi Chủ tịch Quốc hội đi Quảng Nam bà con cũng rất mừng vì giải quyết rất nhiều trường hợp tồn đọng bao nhiêu năm nay. Có những trường hợp tính đến nay đã hơn 100 tuổi rồi. Việc này góp phần tạo niềm tin trong nhân dân, tiếp tục không để sót một trường hợp. Từ thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, phải cố gắng và tiếp tục giải quyết bao giờ hết hồ sơ tồn đọng thì thôi, trừ trường hợp không làm được.

“Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn. Do đó, nếu chúng ta sửa đổi thì công tác tuyên truyền và việc giải quyết những tồn đọng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công cũng phải lấy là một trong những điều chỉnh, bổ sung thêm để xử lý vấn đề và tạo kết quả có tác động xã hội lớn hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với những chính sách an sinh xã hội, Nhà nước có đến đâu, trong điều kiện, khả năng của mình thì chúng ta mở ra đến đó để bảo đảm tính khả thi, thực hiện được ngay thì chính sách có ý nghĩa kịp thời và đúng đắn. “Nếu chúng ta đưa ra chính sách rất tốt, rất hay nhưng điều kiện không có để thực hiện thì nhiều khi sẽ tác động ngược". Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tính khả thi của dự thảo Pháp lệnh sửa đổi này cần tính toán thật đầy đủ. Ví dụ, trong báo cáo đánh giá tác động hay tổng kết, chúng ta thấy với tất cả chính sách dự kiến thế này thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi ra mấy chục nghìn tỷ đồng thì rất dễ cho việc xác định đối tượng và mức chính sách hỗ trợ như thế nào. 

Nhật An