Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2018)

4 dấu mốc quan trọng

- Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:47 - Chia sẻ
Lịch sử 30 năm hình thành và phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân có thể khái quát qua 4 dấu mốc quan trọng, gắn với quá trình đổi mới hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, ngày càng thực chất và hiệu quả.

Với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ 6 và theo yêu cầu của nhiều đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, ngày 5.10.1988, Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân chính thức được thành lập, trở thành cơ quan ngôn luận của hệ thống cơ quan dân cử cả nước và phát hành rộng rãi để phục vụ đông đảo bạn đọc. Trong thư gửi Ban Biên tập Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công mong muốn “Tạp chí phải là nơi để các đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp gửi gắm những tình cảm và suy nghĩ của mình, trao đổi về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động ở các ngành và các địa phương; là nơi để các nhà hoạt động xã hội, các chuyên gia nghiên cứu có thể đóng góp sáng kiến với Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và hệ thống cơ quan dân cử; là nơi để nhân dân có thể phản ánh những nguyện vọng, thắc mắc và ý kiến xây dựng của mình”.

Bắt tay vào làm số đầu tiên, tòa soạn chỉ… có 2 người, đặt bài cộng tác viên từ Trung ương đến địa phương. Ban đầu tạp chí ra 2 tháng 1 kỳ, gặp không ít khó khăn, song cũng dần ổn định, đến lúc ra tháng 3 kỳ. Đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng, 1.1.2002, tuần báo Người Đại biểu Nhân dân ra mắt bạn đọc. Là tiếng nói của Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, Báo Người Đại biểu Nhân dân được kỳ vọng “góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, ý kiến cử tri, đưa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống” (trích thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngày 1.1.2002).

Mặc dù chưa mở rộng đối tượng ra cử tri, nhưng với 329.000 đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, tuần báo vẫn có dư địa lớn để phát triển. Nguyên Tổng Biên tập Hồ Anh Tài vẫn nhớ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu khi ấy băn khoăn, rằng ra báo thì được thôi, nhưng liệu nó có đứng được không, ông trả lời ngay: - Đứng được! Và thực tế đã chứng minh điều đó.


Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng ký duyệt măng - sét Báo Đại biểu Nhân dân

Ngày 1.1.2006, Người Đại biểu Nhân dân thành nhật báo, từ khổ A3 chuyển sang khổ lớn như hiện nay. Mục tiêu của tờ báo là phấn đấu cho một xã hội dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo nguyên Tổng Biên tập Hồ Anh Tài, từ quy định hoạt động chính yếu của cơ quan dân cử là ở nghị trường, nên phương pháp thể hiện của Báo Người Đại biểu Nhân dân (sau này là Báo Đại biểu Nhân dân) chủ yếu phản ánh sự bàn luận, cọ xát của đại biểu Quốc hội tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp của Quốc hội, cũng như các hoạt động của Hội đồng Nhân dân (phương pháp salon hóa). Thực tế của tờ báo là thực tế ở Quốc hội, ở diễn đàn Hội đồng Nhân dân. Tỷ lệ các bài viết trên báo là 50 - 50. Theo đó, 50% bài viết về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; 50% bài viết còn lại bổ sung thông tin, kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa - văn nghệ… phục vụ đại biểu trong quá trình đưa ra các quyết sách.

Chọn cách làm phù hợp, bám sát hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, tập hợp được đội ngũ cùng nhìn về một hướng, toàn tâm toàn ý với tờ báo, Người Đại biểu Nhân dân ngày càng khẳng định vị trí của mình. “Có giai đoạn tờ báo xuất hiện khả năng định hướng thông tin về các dự án luật, pháp lệnh và những vấn đề quan trọng của đất nước. Có đại biểu Quốc hội ghi lại những vấn đề đề cập trên Báo Người Đại biểu Nhân dân để phát biểu trên hội trường” - nguyên Tổng Biên tập Hồ Anh Tài nói.

Ngày 16.10.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký duyệt măng - sét Báo Đại biểu Nhân dân. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 816 về việc nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân. Việc đổi tên được lý giải: Người Đại biểu Nhân dân là một cá thể, còn Đại biểu Nhân dân là một tổ chức, nơi tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng lập pháp… Măng - sét sử dụng hình Quốc huy thay cho hai lá cờ. Tôn chỉ, mục đích được nâng lên một mức cao hơn. Theo nguyên Tổng Biên tập Hồ Anh Tài, việc Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trao cho cán bộ, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân và cử tri là “trao việc lớn phục vụ Quốc hội và các cơ quan dân cử, phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới”.

4 ngày sau đó, 20.10.2009, Báo Đại biểu Nhân dân ra số đầu tiên. “Cuộc sống có mơ ước và có đỉnh cao, không phải đạt được mơ ước và đỉnh cao thì dừng lại. Sống xứng đáng với mơ ước, làm việc xứng đáng với đỉnh cao là lời hứa của tôi, của hơn 50 phóng viên, biên tập viên, cán bộ, đồng thời của hơn 600 cộng tác viên Báo Đại biểu Nhân dân với Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, và bạn đọc - lời hứa được bắt đầu từ số báo hôm nay, số báo ngày mai và các số báo sau này với tên gọi Đại biểu Nhân dân - Đĩnh đạc và chính danh” - phát biểu của Tổng Biên tập Hồ Anh Tài tại Lễ Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo Đại biểu Nhân dân, tháng 11.2009.

Truyền thống của Báo Đại biểu Nhân dân là “bền bỉ và quyết liệt phấn đấu, tạo dựng và đạt được ước mơ về chỗ đứng trong hàng ngũ báo chí cách mạng Việt Nam”. Niềm tin của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và cử tri càng lớn bao nhiêu thì Báo Đại biểu Nhân dân phải trưởng thành bấy nhiêu. Truyền thống ấy vẫn đang được lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Đại biểu Nhân dân gìn giữ và phát huy, để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng.

Nguyên Anh