5 năm thực hiện Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

- Thứ Tư, 15/07/2020, 22:59 - Chia sẻ
Sáng 15.7, tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên toàn quốc, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện chỉ thị 40

Tham dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.

Kể từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành vào tháng 11.2014, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đến nay, 100% cấp ủy, đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội, chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương đề ra trong Chỉ thị 40 và đạt những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. 

Cơ bản đồng tình với các nhận định cho rằng, các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Chỉ thị 40 của Ban Bí thư vẫn còn nguyên giá trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến cùng với kết quả để đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, hiện nay, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, phải tập trung sức làm tốt hơn công tác tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, cả trước mắt và lâu dài; cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa chủ trương, quan điểm nêu trong chỉ thị.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hàng năm, hàng tháng hoặc hàng quý của mình. Thực hiện thật tốt Chỉ thị 40 là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; quan tâm công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Đồng thời, cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội hoàn thành ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn vốn được giao, được ủy thác, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tích cực góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo TTXVN