6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 574.237 tỷ đồng

- Thứ Tư, 08/07/2020, 11:20 - Chia sẻ
Kết quả thu 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng Cục thuế tổ chức sáng 8.7.

Thực hiện dự toán thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp nhất so với một số năm gần đây

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục thuế Phi Vân Tuấn cho biết, năm 2020, Tổng cục Thuế thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh Dịch bệnh Covid-19 lan nhanh ra toàn cầu, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Trong nước, GDP bình quân 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất trong 10 năm qua. Hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế đều chịu tác động xấu của dịch bệnh.

Toàn cảnh hội nghị 

Trước tình hình đó, thực hiện đầy đủ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Tài chính, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế và đạt được kết quả sau: kết quả thu 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thu từ dầu thô ước đạt 21.338 tỷ đồng, bằng 60,6% so với dự toán, bằng 72,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nội địa ước đạt 552.899 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận chênh lệch, xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN ước đạt 424.769 tỷ đồng, bằng 41,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Về tổng thể, tỷ lệ thực hiện dự toán thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng năm 2020 đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây (năm 2019 đạt 51,1% dự toán, năm 2018 đạt 49,6%, năm 2017 đạt 48,2%). Trong đó, tiến độ thu khá tập trung tại một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng theo quy định các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020.

Ông Tuấn cũng cho biết, thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi, cụ thể thu tháng 1 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số, chênh lệch thu chi NHNN (gọi chung là thu nội địa từ thuế, phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4% (trong đó số thu từ thuế phí tăng 12,6%); tháng 3 tăng 11,7% (trong đó số thu từ thuế, phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,3%); tháng 6 thu chỉ bằng 84,3% (trong đó thu từ thuế phí chỉ bằng 83,3% cùng kỳ).

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp

Để nâng cao hiệu quả công tác thuế 6 tháng cuối năm, ngành thuế xác định, rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Cùng với đó, ngành thuế xác định tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý kê khai thuế đối với người nộp thuế, đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế. Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng.

Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ, chi tiêu nội ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, đảm bảo kỷ cương tài chính nội ngành. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan chức năng.

Hà An