Ai là tổ nghề thêu Quất Động?

- Chủ Nhật, 31/10/2010, 00:00 - Chia sẻ
Theo truyền tụng trong dân gian, Trần Quốc Khái là Tổ nghề thêu, nhưng lại cũng có truyền tụng rằng Tổ nghề thêu là Lê Công Hành. Còn theo các thư tịch cổ thì nghề thêu của nước ta đã có từ đầu công nguyên, trước cả Lê Công Hành và Trần Quốc Khái hàng ngàn năm.

Xưa kia, Quất Động là 1 trong 9 xã thuộc tổng Bình Lăng, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Ngày nay, làng Quất Động thuộc Thường Tín, Hà Nội. Đây là một làng nghề cổ truyền, nổi tiếng với nghề thêu. Theo truyền tụng trong dân gian ở vùng Thườâng Tín, Trần Quốc Khái là Tổ nghề thêu. (Có lẽ dân gian thêm chữ “Quốc” làm tên đệm cho Trần Khái chăng?). Một số thư tịch cổ cho biết, Trần Khái sinh năm Bính Ngọ 1606 tại quê hương Quất Động, thi đỗ Tiến sỹ khoa Đinh Sửu 1637, niên hiệu Dương Hòa thứ ba đời Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Tả thị lang, tước Thọ Phúc hầu; từng đi sứ sang nhà Minh; sau khi mất được tặng Thượng thư, tước Quận công. Theo truyền tụng, Trần Quốc Khái có công nên được mang quốc tính và đổi tên là Lê Công Hành. Trong thời gian đi sứ Trần Khái đã học được cách thêu nổi và cách làm lọng. Ông đã truyền dạy nghề thêu và nghề làm lọng cho dân làng Quất Động và một số làng lân cận. Ông mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu 1661, dân các làng đã lập đền thờ ông là Tổ nghề thêu.

Tuy nhiên, các thư tịch cổ ghi về Trần Khái, không có nói về ông được mang quốc tính và có tên là Lê Công Hành. Các vị cố lão ở địa phương cho biết, ông Tổ nghề thêu tên là Bùi Công Hành, từng theo Lê Thái Tổ kháng chiến chống giặc Minh. Do có công lớn, ông được mang quốc tính là Lê Công Hành. Đến đời Lê Thái Tông, ông đi sứ nhà Minh và đã học được cách làm lọng, cách thêu nổi. Sau đó, ông truyền dạy cho dân Quất Động và một số làng xã lân cận. Khi ông qua đời, dân các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai dựng chung một đền thờ ông ở xã Quất Động, gọi là đền Ngũ Xã. Ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành được các triều Lê và Nguyễn phong 9 đạo sắc phong, đạo sắc sớm nhất còn giữ được là của vua Lê Thần Tông phong năm Đinh Sửu 1637. Sau này, nhân dân Quất Động cũng lập bài vị Lê Công Hành, đưa về thờ ở đình làng cùng các vị Cao Sơn Đại vương và Minh Lang Nhạc Bộ Đại vương. Như vậy, Trần Khái và Lê Công Hành là hai vị danh nhân khác nhau!

Theo các thư tịch cổ thì nghề thêu của nước ta đã có từ đầu công nguyên. Thời đó, người Việt ta đã dệt được vải cát bá loại mịn, còn biết dệt khăn bông, thêu chữ nhỏ và các thứ hoa rất khéo, đẹp gọi là bạch diệp (Sách Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971). Vào năm 1156, trong số các cống phẩm mà triều đình nhà Lý đưa sang nhà Tống (Trung Quốc), có 850 tấm đoạn màu vàng thẫm, thêu rồng cuốn. Vậy thì, có thể nói, nghề thêu ở nước ta có trước cả Lê Công Hành và Trần Khái hàng ngàn năm. Lê Công Hành, và có thể cả Trần Khái, chỉ là cận Tổ nghề thêu ở Quất Động, các Ngài có công đưa thêm kỹ thuật thêu tân tiến về cải tiến nghề thêu cổ truyền ở các làng trong vùng Thường Tín xưa.

Thợ thêu Quất Động từ xưa đã đem nghề đi mở mang ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Những nơi đông thợ thêu sinh sống, họ thường xây đình, đền để thờ Tổ sư nghề. Họ đem nghề lên Thăng Long thời 36 phố phường, hành nghề nhiều ở phố Hàng Thêu, Hàng Lọng. Và người làng thêu Quất Động đã lập dựng đình Tú Thị để thờ Tổ sư Lê Công Hành, hiện còn tại số 2 Yên Thái, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vào thời nhà Nguyễn, triều đình đã triệu nhiều thợ thêu Quất Động vào Kinh đô Huế làm việc. Ngoài việc phục vụ cung đình, thợ thêu Quất Động đã mở mang nghề thêu tại Huế, họ lập nên phường thêu ở phố Cẩm Tú, và cũng dựng nhà thờ Tổ nghề Lê Công Hành. Ở một số tỉnh, thành phố khác, như Nam Định, Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi có nghề thêu, người ta cũng lập đền thờ Tổ sư Lê Công Hành...

TÂN AN