Nước sinh hoạt tại Hà Nội có mùi lạ

Ai phải chịu trách nhiệm?

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:56 - Chia sẻ
Xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), sau đó dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco) khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là thông tin Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 14.10. Chiều cùng ngày, Viwasupco đưa ra kết quả kiểm tra chất lượng nước từ ngày 10 - 14.10, các chỉ số đều ở giới hạn an toàn và nước được xác định là “không có mùi vị lạ”.

“Đóng tiền nước sạch nhưng phải dùng nước bẩn”

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang cung cấp 300.000m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. Nhiều ngày qua, hàng nghìn hộ dân sử dụng nước sạch của công ty nước sạch sông Đà đang lo lắng vì nước sinh hoạt bỗng nhiên bốc mùi lạ.

Đó là bức xúc của chị Trần Bảo Châu (Tòa nhà Hồ Gươm Plaza, quận Hà Đông, Hà Nội) về việc nguồn nước sinh hoạt nơi gia đình chị sinh sống bị nhiễm bẩn. Theo chị Châu, từ ngày 10.10, nước có mùi rất hắc, nồng nặc như mùi clo, đến hôm qua (14.10) tình hình cũng không khả quan hơn. “Nấu canh mà toàn ngửi thấy mùi lạ, mấy bữa nay chẳng ăn được món nào ổn cả. Chúng tôi có gọi điện và phản ánh lên nhà máy nước nhưng không có phản hồi gì.”

Cũng nằm trong khu vực nước bị ô nhiễm, chị Hà Thị Minh Giang (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết “hai ngày nay, nhà tôi phải sử dụng nước từ máy lọc nước để rửa mặt, đánh răng và ăn uống. Tôi quan sát khi cho nước vào chậu màu trắng, để vài giờ sau thì thấy vẫn có mùi nồng nặc như mùi nhựa cháy, quan sát kỹ thì thấy có váng như váng dầu hỏa trên bề mặt, ở dưới đáy thì thấy có vẩn đục kết dài thành sợi. Ngửi mùi này lâu thì thấy khó chịu, nhức đầu.

Chị Giang cho biết người dân ở đây đoán già đoán non, thấp thỏm không yên, đến khi bên cơ quan chức năng có kết quả thì có lẽ rủi ro cho mình và gia đình đang sinh sống tại khu vực nước ô nhiễm không thể lường trước được. “Nếu xảy ra ngộ độc hàng loạt vì nguồn nước này thì ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm”, chị Giang nói. 

Là lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng tiêu dùng tại quận Hoàng Mai, chị Đỗ Thị Ngọc Vân cho biết buổi trưa toàn bộ nhân viên sẽ ăn trưa tại công ty. Mấy hôm nay khi biết nước máy có mùi lạ, chị Vân phải mua nước đóng bình về cho nhân viên sử dụng. “Mùi nước khét, hôi, khi rửa tay cảm giác rất nhờn dính. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì không biết mọi người sẽ ăn uống, sinh hoạt ra sao”.

Cùng tình trạng với những hộ dân trên, chị Ngô Thu Hương (Tòa nhà Gemek, huyện Hoài Đức) cho biết đã sang ngày thứ 4, nước vẫn còn hơi đục, thậm chí khi tiếp xúc với nước lâu chị còn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tập thể dân cư khu vực chị Hương sinh sống rất hoang mang và lo lắng, đặc biệt là những nhà có trẻ con, mọi sinh hoạt đều sử dụng thông qua máy lọc nước; trong khi chính quyền và đơn vị cung cấp nước vẫn “bặt vô âm tín”, cũng không có lấy “một lời khuyến cáo hoặc bố trí nước sạch cho người dân”, chị Hương nói thêm.


Người dân tự túc nguồn nước bằng cách mua nước đóng bình, đóng chai Nguồn: ITN

Viwasupco khẳng định nước không có mùi vị lạ

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình, ngày 9 - 10.10, Viwasupco phát hiện ra dầu loang trên kênh dẫn nước nên huy động người vớt dầu. Tại cuộc họp báo sáng 14.10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, “doanh nghiệp biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm”. Tổng cục Môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan công an truy tìm xe đổ trộm dầu, từ đó có biện pháp răn đe, xử lý hành động “đổ dầu vô trách nhiệm” này.

Về phía đơn vị cung cấp nước, ngày 14.10, 5 ngày sau khi phát hiện nước đầu nguồn cung cấp cho Hà Nội nổi váng, Viwasupco mới báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội. Doanh nghiệp đã đóng van cấp nước vào bể chứa trung gian và xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy, đồng thời huy động toàn bộ công nhân đi kiểm tra, thông báo với chính quyền địa phương để điều tra. Để xử lý váng dầu, Viwasupco đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước, thuê người vớt, thu gom toàn bộ váng trên bề mặt; bổ sung than hoạt tính để tăng cường xử lý, tăng lượng clo lên mức 0,8mg/l (mức trước đây là 0,3 - 0,5mg/l). 

Cuối giờ chiều 14.10, trên trang web của mình, Viwasupco đưa ra kết quả kiểm tra chất lượng nước từ ngày 10 đến ngày 14.10 tại bể pha clo và vành đai 3 Hà Nội, theo đó, các chỉ số đều ở giới hạn an toàn và nước được xác định là “không có mùi vị lạ”. “Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi clo, vì nước sau xử lý theo số liệu của Phòng hóa nghiệm công ty vẫn bảo đảm theo chất lượng của Bộ Y tế”, báo cáo của Viwasupco gửi Sở Xây dựng Hà Nội nêu.

“TP Hà Nội phải có khuyến cáo để người dân yên tâm. Bên cạnh đó phải có phương án “tạo nguồn nước dự trữ”, không thể để tình trạng này diễn ra quá lâu. Tôi cho rằng, việc để cả triệu người dân dùng nước sinh hoạt không bảo đảm là có trách nhiệm của lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nói.

Thảo Anh