Âm nhạc sứ giả của tình yêu, sự tôn trọng và đối thoại

- Thứ Hai, 09/02/2015, 14:31 - Chia sẻ
Âm nhạc và các nghệ sĩ sẽ đưa thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn. Các nghệ sĩ khắp thế giới đến với nhau và biểu diễn cùng nhau, đó là sự hài hòa mà âm nhạc có thể tạo ra. Từ sự hài hòa trong âm nhạc có thể dẫn đến sự hài hòa giữa con người với con người.

Tôi là nghệ sĩ jazz, từng biểu diễn nhiều ở châu Âu, Mỹ, nhưng tôi cũng có thời gian dài sống ở châu Phi. Âm nhạc của tôi là sự pha trộn giữa jazz với các thể loại âm nhạc khác, đặc biệt là âm nhạc châu Phi. Từ năm 1987, tôi kết hợp với nghệ sĩ balafon Bờ Biển Ngà Aly Keita, tạo nên sự pha trộn giữa nhạc châu Âu và nhạc châu Phi. Chúng tôi ngẫu hứng cùng nhau. Balafon được coi là piano của châu Phi; saxophone là nhạc cụ của Bỉ, của châu Âu; còn đàn t’rưng được coi là một phần tâm hồn của Việt Nam. Balafon và t’rưng có thể cùng họ, đều được làm từ tre, chơi bằng gậy, nhưng âm thanh của chúng hoàn toàn khác biệt, rất độc đáo. Balafon chơi theo phương nằm ngang còn đàn t’rưng chơi theo chiều dọc. Việc chúng tôi được mời tham gia Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2014 tại Việt Nam như muốn cho mọi người thấy khả năng kết hợp giữa jazz với các loại nhạc khác, trong đó có âm nhạc truyền thống Việt Nam. Kết hợp với nghệ sĩ đàn t’rưng Hoa Đăng, chúng tôi cũng muốn tạo ra điều gì đó mới mẻ, giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, hay cụ thể hơn, giữa Bỉ, Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Tôi đã chơi với nhiều nghệ sĩ ở châu Âu, Mỹ, châu Phi, nhưng châu Á hay Việt Nam thì tôi không biết nhiều. Trước đây, tôi chưa biết gì về đàn t’rưng, nhưng chỉ vài tiếng sau khi đặt chân đến Việt Nam, chúng tôi đã có thể chơi một đoạn nhạc cùng nhau mà chẳng cần tập luyện gì. Và chỉ sau 3 buổi tập, chúng tôi đã cùng chơi được 6 bản nhạc, có cả bản nhạc của Việt Nam (Bèo dạt mây trôi - PV). Đó là sự kết hợp giữa châu Phi, Việt Nam và jazz.

Tập luyện cùng nghệ sĩ Hoa Đăng, được nghe sinh viên khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tập luyện, tôi nhận thấy nhạc cụ truyền thống Việt Nam khá phong phú, đa dạng, có thể tạo ra những âm thanh độc đáo. Tuy nhiên, nhạc cụ chỉ là một khía cạnh. Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu, chẳng cần nói gì mà vẫn có thể hòa tấu. Đó là điều kỳ diệu. Theo tôi, nhạc cụ truyền thống của Việt Nam hoàn toàn có thể chơi cùng các nhạc cụ khác. Vấn đề ở đây không phải là sự kết hợp giữa nhạc cụ này với nhạc cụ khác, mà phải chọn được đúng người và đúng cách để kết hợp, giống như chúng tôi đã chơi cùng nghệ sĩ Hoa Đăng một cách dễ dàng. Sẽ rất thú vị nếu các nhạc sĩ Mỹ, châu Âu, châu Phi... đến Việt Nam, biểu diễn cùng các nghệ sĩ Việt Nam, viết nhạc cho nhạc cụ dân tộc của Việt Nam; hoặc các nghệ sĩ Việt Nam như Hoa Đăng nên đi lưu diễn ở các nước nhiều hơn, để thế giới thấy được vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi nghĩ nhạc cụ truyền thống của Việt Nam không chỉ chơi nhạc Việt Nam mà có thể chơi nhạc hiện đại từ khắp nơi.


Nhạc truyền thống quan trọng bởi nó là nguồn gốc, bản sắc của một nền văn hóa. Với Việt Nam, tôi được biết nhạc truyền thống còn là lịch sử và tâm hồn của người Việt Nam. Vì thế, muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, có thể nghe nhạc truyền thống Việt Nam. Sự kết hợp giữa các nhạc cụ hay giữa các nghệ sĩ đến từ những nền văn hóa khác nhau, xa hơn, tôi nghĩ đây là vấn đề đối thoại. Ngày nay, đối thoại rất quan trọng, nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu nguồn gốc, bản sắc, bạn có thể gặp ai đó của một nền văn hóa nào đó để đối thoại về văn hóa. Như cách Aly và Hoa Đăng đã làm, đó là sự đối thoại giữa châu Phi và châu Á, giữa balafon và t’rưng. Thật thú vị!

Internet, du lịch khiến cho thế giới trở nên nhỏ bé hơn. Vì thế, thay vì đánh nhau, âm nhạc sẽ tạo ra sự khác biệt. Âm nhạc là sứ giả của tình yêu, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và đối thoại với nhau. Tôi nghĩ các chính trị gia nên theo âm nhạc, không đối đầu mà đối thoại. Âm nhạc và các nghệ sĩ sẽ đưa thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn. Các nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới đến với nhau và biểu diễn cùng nhau, đó là sự hài hòa mà âm nhạc có thể tạo ra. Từ sự hài hòa trong âm nhạc có thể dẫn đến sự hài hòa giữa con người với con người. Đó là điều quan trọng với thế giới hiện nay.

 “Pierre Vaiana là nghệ sĩ saxophone nổi tiếng thế giới. Điều khiến chúng tôi thấy thú vị ở Pierre Vaiana, đó chính là sự cởi mở của anh với thế giới. Pierre chu du khắp nơi, nhưng điểm dừng chân hấp dẫn anh chính là châu Phi, cội nguồn của nhạc jazz, nơi nốt nhạc thay cho lời nói. Pierre Vaiana ươm mầm ở những nơi anh đi qua, thành lập các ban nhạc ở những nơi đã từng đặt chân; giúp các nghệ sĩ địa phương tiếp cận ý nghĩa mới trong âm nhạc của họ. Anh đã xây dựng và tạo ra sự đa dạng, làm nổi bật các loại hình âm nhạc. Đôi khi, sự đồng điệu với các nghệ sĩ địa phương trở nên rất bền lâu. Đó chính là trường hợp với nghệ sĩ Bờ Biển Ngà Aly Keita, ảo thuật gia của cây đàn balafon. Tới Việt Nam tham gia Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2014, Pierre Vaiana, Aly Keita đã gặp gỡ nghệ sĩ đàn t’rưng Hoa Đăng, và ngay lập tức những nốt nhạc đã bật ra, hòa quyện với nhau, xoắn xuýt không rời. Nhu cầu lắng nghe, nhu cầu rộng mở trái tim mình, đó cũng chính là định hướng của châu Âu, của Wallonie-Bruxelles… Một cây đàn balafon, một cây đàn t’rưng và một chiếc kèn saxophone đã làm nên một buổi tối ngập tràn những âm thanh réo rắt.

Có thể nói, Liên hoan âm nhạc châu Âu chính là cơ hội mở rộng sự giao thoa với đất nước Việt Nam. Các nghệ sĩ Việt Nam hiện diện trong chương trình của Liên hoan với tư cách khách mời hoặc đảm nhận cả chương trình. Từ việc chỉ quảng bá nghệ sĩ châu Âu chuyển sang hợp tác với nghệ sĩ Việt Nam, đó là lẽ tự nhiên, và từ giờ trở đi, điều đó sẽ thường xuyên được thực hiện”.

Christian Bourgoignie
Trưởng đại diện Phái đoàn
Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam

 

 “Việc kết hợp nhạc cụ truyền thống Việt Nam với nhạc cụ nước ngoài nói chung và nhạc cụ phương Tây nói riêng không quá xa lạ. Trước đây, tôi đã chơi t’rưng với dàn nhạc giao hưởng (tác phẩm Rhapsodie No.2 cho t’rưng và dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) và nhiều lần kết hợp biểu diễn với nghệ sĩ các nước trong các chương trình giao lưu âm nhạc trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhạc cụ dân tộc Việt Nam chơi nhạc jazz thì rất hiếm. Biểu diễn cùng 2 nghệ sĩ nổi tiếng Pierre Vaiana và Aly Keita tại Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2014 là lần đầu tiên tôi thử sức với jazz. Điều đặc biệt, jazz lần này chỉ có 3 nghệ sĩ, không nhạc cụ điện tử, không trống, không bass (làm nền, giữ nhịp) như jazz mọi người thường nghe, nên quả là một thử thách với tôi. Tuy nhiên, tôi vốn cũng say mê nhiều thể loại âm nhạc, từ nhạc bác học mẫu mực như giao hưởng cho đến âm nhạc đầy ngẫu hứng như nhạc jazz... nên không gặp khó khăn gì.

Trước đây trong những lần đi xem jazz, tôi từng nghĩ đến việc các nghệ sĩ jazz kết hợp với các nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đặc biệt với t’rưng  - nhạc cụ có âm thanh độc đáo, đủ các nốt thăng giáng, thuận lợi cho nghệ sĩ trong diễn tấu âm nhạc nước ngoài. Có thể nói, thông qua Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2014, đông đảo khán giả trong và ngoài nước, đặc biệt là các nghệ sĩ nước ngoài đã biết đến nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam cùng với trình độ diễn tấu của nghệ sĩ Việt Nam. Sự đồng điệu trong tâm hồn và nghệ thuật biểu diễn sẽ là động lực để các nghệ sĩ không cùng quốc tịch tiếp tục cùng nhau làm việc, sáng tạo và “cháy” hết mình để đưa âm nhạc đến với người nghe. Cống hiến bé nhỏ của mỗi nghệ sĩ sẽ góp phần vào sự phát triển âm nhạc thế giới. Nhờ đó, ngày càng nhiều khán giả thế giới sẽ biết đến và yêu mến nhạc cụ dân tộc cũng như văn hóa Việt Nam”.

NSƯT Hoa Đăng
Phó trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống,
Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Pierre Vaiana
Nghệ sĩ saxophone Bỉ