Áo dài nam - di sản bị bỏ quên

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:21 - Chia sẻ
Suốt chiều dài lịch sử, áo dài nữ được cách tân, phát triển không ngừng, mang lại sức sống mới cho trang phục, phù hợp với bối cảnh xã hội và thẩm mỹ đương thời. Nhưng áo dài nam lại chịu số phận khác, bị lãng quên, nhìn nhận với con mắt không mấy thiện cảm - gắn với chế độ phong kiến, cổ hủ...

Bối rối chọn lễ phục nam

“Khi làm Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại của Hội Xuất bản Việt Nam, tôi hay được cử đi dự các cuộc họp thường niên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương. Lần đó, ông Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á có sáng kiến là đề nghị đại diện các nước mặc quốc phục tại phiên họp cuối của cuộc họp thường niên và đó sẽ trở thành một tập tục tốt đẹp cần duy trì sau này. Nhận được giấy mời có ghi kèm đề nghị trên, tôi hết sức bối rối, bởi lẽ không biết Việt Nam mình thì sẽ mặc gì? Nếu tôi là nữ thì có lẽ mọi chuyện sẽ xử lý ổn thỏa, vì áo dài từ lâu đã trở thành một biểu trưng rõ nét, không lẫn lộn, không có gì phải bàn cãi cho trang phục dân tộc Việt Nam (của phái nữ). Còn phái nam thì sao?” - TS. Trần Đoàn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia "Áo dài Việt Nam: nhận diện tập quán, giá trị và bản sắc", diễn ra mới đây. 

Nghĩ rằng, nếu mặc bộ áo dài kiểu anh hai Quan họ thì chắc trông sẽ kỳ dị, không tự tin, nên TS. Trần Đoàn Lâm đành “liều” mua một chiếc áo nâu sồng ngắn vạt, coi như là trang phục thường nhật của nông dân Việt Nam. Xử lý được tạm thời tình huống khó khăn, nhưng từ đó ông vẫn canh cánh câu hỏi về trang phục truyền thống cho nam giới Việt. Đó cũng là băn khoăn của nhiều người hay được mời tham dự các lễ tân ngoại giao của đối tác nước ngoài có quy định, khuyến khích mặc trang phục truyền thống.

Trong hơn 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam mở cửa, kinh tế phát triển, giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là Việt Nam gia nhập các tổ chức của khu vực và thế giới, thì vấn đề nghi lễ ngoại giao đã được các ngành coi trọng. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt, người từng tham gia Ban tổ chức đề án Lễ phục Nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức: Đối với lễ phục Nhà nước, ngay từ thập niên 1990, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch đã quan tâm để tìm ra bộ lễ phục phù hợp để sử dụng. Nhiều đề án, cuộc thi tìm kiếm Quốc phục, lễ phục nhà nước đã được triển khai, nhưng đến nay chúng ta vẫn loay hoay với việc tìm bộ lễ phục để thống nhất mặc trong các nghi lễ trang trọng của quốc gia. Không dừng lại chỉ là bộ lễ phục của quốc gia, nếu trang phục đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa, phù hợp với bối cảnh xã hội và khí hậu, thì bộ lễ phục nhà nước sẽ trở thành bộ trang phục định hướng mọi người sử dụng.

Khi chưa có quy định chính thức về Quốc phục, lễ phục, áo dài nữ thường được lựa chọn trong các nghi lễ ngoại giao và được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Trong khi đó, trang phục dành cho nam vẫn gây nhiều tranh cãi, lúng túng khi lựa chọn.

Kế thừa di sản và cách tân áo dài nam phù hợp với đời sống đương đại  

Nguồn: ITN 

Nghiên cứu cách tân áo dài ngũ thân

Rất đáng mừng là những năm gần đây, áo dài nam đã được quan tâm và xuất hiện nhiều từ đời sống thường nhật tới các sự kiện, nghi lễ ngoại giao. Nhiều nam giới, nhất là thanh niên ở cả 3 miền, mặc áo dài trong các lễ trọng, từ ngày cưới đến dịp đầu xuân năm mới, trình diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa… 

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình: Tiền thân áo dài ngày nay được gọi là áo ngũ thân tay chẽn được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm, như áo nữ cổ thấp hơn, ống tay hẹp hơn, vạt áo nam dài hơn áo nữ... Nhưng đầu những năm 1930, áo dài nữ đã được cách tân, tạo bước ngoặt mới; thì trang phục nam lại chịu sự ảnh hưởng của phong trào Âu hóa trong giới trí thức, nên dần thay đổi. Áo dài nam mờ nhạt trong đời sống, chỉ còn đọng lại trong trang phục của người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, trang phục biểu diễn trên sân khấu gắn với những nhân vật phản diện thời phong kiến như quan lại, địa chủ, cường hào... Hiện nay, áo dài nam đã được sử dụng nhiều hơn, nhưng ít người biết đến lịch sử áo, hình thức, đặc điểm thẩm mỹ của áo dài ngũ thân. Hình ảnh về áo dài ngũ thân nguyên bản đã bị áo dài sân khấu chiếm lĩnh, đi kèm là sự tùy tiện, đơn giản, giá thành rẻ, thiếu tìm hiểu của người may và mặc.

Những năm gần đây, một số nhóm và cá nhân đã cố gắng khai thác truyền thống, tìm tòi trong di sản văn hóa của dân tộc để tôn vinh những giá trị trường tồn của áo dài ngũ thân nam. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm phục dựng áo dài nam truyền thống một cách khoa học, có kế thừa, có thích ứng. TS. Trần Đoàn Lâm kỳ vọng sự “tái nhận thức” với áo dài nam: “Đừng để đánh mất một di sản, đừng để nó bị chôn vùi trong quên lãng của quá khứ, cũng như để nó hóa thạch ở bảo tàng. Ngược lại, chúng ta phải khai thác nó, làm cho nó rực rỡ hơn phục vụ đời sống đương đại. Làm như vậy là để thể hiện sự kính trọng, trân quý với di sản của tổ tiên và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc”.

Cần tiếp tục nghiên cứu về áo dài ngũ thân nam, có thể thử nghiệm, cách tân, cải tiến, nâng cao, nhưng giữ được tối đa đặc điểm tổng thể của chính nó, những đặc điểm đã được xác quyết qua thời gian - như là một biểu hiện của bản sắc văn hóa Việt Nam; khiến trang phục tiện lợi hơn, có công năng hữu ích hơn, phù hợp hơn với thị hiếu, thẩm mỹ, lối sinh hoạt của người đương thời; bảo đảm tính mỹ thuật...

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình góp ý thêm: Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét sử dụng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ làm lễ phục nhà nước. Trong quá trình xây dựng quy định sử dụng áo dài ngũ thân làm lễ phục nhà nước, cần khẳng định giá trị và biểu tượng văn hóa của trang phục này... Một trong những cái đích cho cả áo dài nữ và áo dài nam nên là đề nghị UNESCO ghi danh, khi đó tầm quan trọng của chúng sẽ được nâng lên rất nhiều.

Ngọc Phương