Bắc Ninh:

Covid - 19 không ngăn được dòng đầu tư

- Thứ Ba, 11/08/2020, 11:34 - Chia sẻ
Covid -19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nước ta, trong đó các ngành công nghiêp, nông lâm thủy sản. Nhiều doanh nghiệp phá sản trong 6 tháng đầu năm qua, Bắc Ninh cũng không ngoại lệ. Mặc dù, hoạt động kinh tế giảm so với cùng kỳ năm trước, song Bắc Ninh vẫn là một trong những tỉnh có tỉ lệ giảm thấp hơn so với cả nước. Tỉnh vẫn thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều dự án có kinh phí cao vẫn đăng ký đầu tư, hơn 1.000 doanh nghiệp mới được thành lập, góp phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước trong tình hình kinh tế khó khăn.

Sản xuất nông nghiệp - công nghiệp giảm nhẹ

Bắc Ninh đã hội nhập sâu rộng nên đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển, tổng sản phẩm kinh tế của tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 (giá SS năm 2010) ước 53.183 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2,8%; dịch vụ giảm 4,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 3%. Cơ cấu kinh tế: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 74,3%; dịch vụ chiếm 22,4%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 3,3%.

Về nông nghiệp, cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ diện tích cây trồng chất lượng cao và mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, năng suất lúa vụ xuân ước 65,3 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha với vụ xuân năm 2019. Giá trị trồng trọt trên 1 ha canh tác (theo giá hiện hành) ước 67,9 triệu đồng, tăng 9%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước 4.343 tỷ đồng (giá SS 2010), đạt 49,9% kế hoạch năm.

Còn trong sản xuất công nghiệp, đại dịch covid làm rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, các hoạt động xuất khẩu chững lại, khối kinh tế tư nhân tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng giảm 3,9% so cùng kỳ; trong đó quý I tăng 3,7% và quý II giảm 12,7%.

Việc cách ly toàn xã hội trong 15 ngày đầu tháng 4 đã tác động đến kết quả thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 28.665 tỷ đồng, giảm 15,6%, đạt 41,8% kế hoạch năm, Xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14.885,5 triệu USD, tăng 6,7%; nhập khẩu ước đạt 12.887,3 triệu USD, tăng 5,1%. Vận chuyển hàng hóa ước 13.888 nghìn tấn; vận tải hành khách ước 7.094 nghìn khách. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 2.695 tỷ đồng, giảm 21,6%.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp vẫn được đẩy mạnh

Mặc dù Covid 19 có diễn biến phức tạp nhưng hoạt động ngoại giao kinh tế, xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng. Tính chung 7 tháng đầu năm (từ ngày 21.12.2019 đến ngày 20.7.2020), toàn tỉnh đã cấp mới cho 26 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2280,7 tỷ đồng và cấp điều chỉnh cho 67 dự án, trong đó có 20 dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng 1.295,3 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 20.7.2020, đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.349 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh 160.316,7 tỷ đồng đối với đầu tư trong nước.

Cùng với đó, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả khả quan. Tính từ ngày 21.6.2020 đến ngày 20.7.2020, đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký 42,9 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 7 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 18 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 25 lượt với giá trị là 10 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm toàn tỉnh đã cấp mới 73 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 152,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 29 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 159,6 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 149 lượt với giá trị là 40 triệu USD; thu hồi 3 dự án với tổng vốn đầu tư 1,2 triệu USD. Lũy kế đến hết ngày 20.4.2020, đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.566 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 19.200,8 triệu USD.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp vẫn được đẩy mạnh. Trong 7 tháng đầu năm qua có 1.352 doanh nghiệp và 397 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký 11.258 tỷ đồng. Lũy kế đến hết ngày 20.7.2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 17.928 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 279.334,8 tỷ đồng (trong đó có 1.503 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn điều lệ đăng ký là 77.482,8 tỷ đồng) và 3.486 đơn vị trực thuộc.

Hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng được duy trì, thông suốt, cơ bản ổn định, đảm bảo khả năng thanh khoản. Thực hiện các biện pháp điều chỉnh giảm lãi suất, chính sách cộng lãi suất huy động khi khách hàng gửi tiết kiệm qua kênh online, triển khai các chương trình hỗ trợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch do Covid-19 góp phần cung ứng vốn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước 16.411,8 tỷ đồng đây là một con số cần rất nhiều cố gắng giữa dịch bệnh hoành hành.

Hoạt động đầu tư và quản lý xây dựng vẫn được tăng cường quy hoạch xây dựng; phát triển và nâng cấp các đô thị theo tiêu chí xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 33.703 tỷ đồng, tăng 3,9%; trong đó, vốn nhà nước tăng 23,2%; vốn ngoài nhà nước giảm 13,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 13,8%. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện tốt chủ đề năm 2020 “Bắc Ninh Đoàn kết - Đổi mới - Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án bảo vệ môi trường” đồng thời vẫn đạt được mục tiêu đã đề ra của tỉnh Bắc Ninh.

Dù Covid - 19 trở lại có làm thay đổi nhiều kế hoạch, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ, cùng với thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, chúng ta tin tưởng rằng lãnh đạo và nhân dân Bắc Ninh sẽ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh bằng các biện pháp ứng phó linh hoạt. Qua đó, góp phần sớm ổn định, phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, kinh tế cả nước nói chung trong giai đoạn hậu Covid - 19.

Hoàng Nga