Đánh thức tiềm năng đường thủy nội địa:

Bài 1: Thiên nhiên đã ban tặng nhiều ưu đãi

- Thứ Năm, 01/12/2016, 11:15 - Chia sẻ
Việt Nam có mạng lưới sông ngòi tự nhiên dày đặc, phân bố dọc theo chiều dài đất nước, rất thuận lợi và là tiềm năng lớn cho phát triển vận tải thủy nội địa. Cụ thể cả nước có hơn 3.500 sông, kênh. Trong đó hơn 3.000 sông, kênh nội tỉnh và hơn 400 sông, kênh liên tỉnh, đa phần các sông chảy ra biển thông qua 124 cửa sông, với tổng chiều dài hơn 80.500 km, có khoảng 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải đường thủy. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia trên thế giới có hệ thống sông, kênh, rạch, đầm, phá, hồ, vụng, vịnh tự nhiên dầy đặc, thuận tiện phát triển vận tải thủy nội địa…

Chào đón ưu đãi thiên nhiên…
 
Để phát huy hiệu quả hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch mà thiên nhiên đã ưu đãi cho giao thông đường thủy nội địa, hiện nay công tác xây dựng hệ thống hạ tầng đường thuỷ nội địa như luồng tuyến, cảng, bến... được bảo trì, duy tu thường xuyên  19.230,9 km sông, kênh. Trong đó 6.650,2 km là tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia, 12.579 km là tuyến đường thuỷ nội địa địa phương, chiếm khoảng 45% tổng số luồng tuyến có khả năng khai thác vận tải thủy.  
 


Ảnh minh họa (Nguồn ITN)

Hàng năm, vận tải thủy nội địa đảm nhiệm vận chuyển khoảng 18% về hàng hóa, 6,8% về hành khách trong tổng lượng vận tải của toàn ngành; tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8 đến 12%/năm. Vận tải thủy nội địa có nhiều ưu việt, như: Giá cước vận tải thấp, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa tham gia xếp hạng về năng lực vận tải thủy nội địa và mức độ hiện đại của cơ sở hạ tầng cùng với các nước khác trên thế giới và trong  khu vực ASEAN.

Trong tổng số 290 sông, kênh là đường thủy nội địa quốc gia, có 45 tuyến chính. Trong đó, tuyến sông quốc gia ở khu vực phía Bắc có 17 tuyến chính với chiều dài 2715,4 km được thông qua 3 hành lang đường thuỷ, 8 tuyến vận tải thủy kết nối và tuyến vận tải sông pha biển. Ở khu vực phía Nam có hơn 25.000km, chiếm khoảng 60% tổng chiều dài đường thuỷ nội địa của cả nước; 101 đoạn sông kênh với tổng chiều dài 3.103,4km liên tỉnh và quốc tế. Trong đó, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 18 tuyến chính. Khu vực miền Trung, gồm 19 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Vùng duyên hải miền Trung có trên 800 sông, suối, với tổng chiều dài gần 10.000 km, chiếm 9,1% tổng chiều dài sông, suối của cả nước và có 10 sông chính với chiều dài 831,4km các tuyến sông chủ yếu là sông nội tỉnh.

Với hệ thống sông, ngòi trên, hiện nay luồng chạy tàu ở khu vực phía Bắc có độ sâu từ 2,5 m đến 3,0m cho phép tàu trọng tải 400-800 tấn hoạt động, các tuyến kết nối các sông có độ sâu 1,8 - 2,5m, cho phép tàu có trọng tải 100 - 200 tấn hoạt động. Khu vực phía Nam đa số độ sâu chạy tàu đạt từ 2m đến 8m. Riêng sông Tiền, sông Hậu đạt từ 5m đến 8m, cho phép tàu trọng tải đến 5.000 tấn có thể hoạt động. Đặc biệt, tuyến sông Đồng Nai đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai có độ sâu 4 - 5,0m đảm bảo cho tàu 2.000 tấn. Khu vực miền Trung luồng chạy tàu đạt trung bình từ 1,0 đến 1,5m, dòng chảy có độ dốc lớn, phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa miền Trung có trọng tải đến 500 tấn có thể hoạt động ở các cửa sông và có thể kết nối với tuyến vận tải ven biển.
 
Đối với đường thủy nội địa ở địa phương hiện nay mới có 27 tỉnh, thành phố có tổ chức quản lý. Trong đó, phía Bắc có 5 tỉnh, thành phố, miền Trung có 7 tỉnh, thành phố và miền Nam có 15 tỉnh, thành phố.
 
Đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng
 
Để phát huy lợi thế giao thông vận tải thủy nội địa, chúng ta đã đặt ra mục tiêu lấy giao thông đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa, từ đó giúp giảm tải cho đường bộ, chống quá khổ quá tải cho đường bộ, tăng cường năng lực an ninh, quốc phòng toàn dân, mở đường cho kinh tế du lịch sông nước phát triển, góp phần bảo vệ tài nguyên cát và môi trường nước, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước kết nối vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, từng bước hình thành hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh cho một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển đường thủy nội địa.
 
Mục tiêu là vậy nhưng thực tế lại cho thấy, loại hình vận tải đường thủy nội địa vẫn  chưa  phát huy được do cơ sở hạ tầng luồng tuyến đường thuỷ nội địa chủ yếu là lợi dụng điều kiện tự nhiên, hạn chế lớn nhất là luồng tuyến không đồng cấp trên các tuyến vận tải chính: Bán kính cong, khoang thông thuyền của các cầu vượt sông, cống thủy lợi còn nhiều hạn chế, có nơi còn cản trở lớn cho hoạt động của phương tiện thủy.
 
Thêm vào đó, hoạt động vận tải thủy nội địa đã được xã hội hóa, tuy nhiên quy mô tổ chức điều hành còn manh mún, chưa tập trung do lực lượng phương tiện chủ yếu tư nhân và hộ gia đình nắm giữ, phương tiện thủy chở container, thiết bị xếp dỡ container tại các cảng thủy nội địa có nguồn vốn lớn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Khu vực phía Bắc không có cảng thủy nội địa xếp dỡ container do đó lượng hàng này chủ yếu là vận chuyển bằng đường bộ đến các khu công nghiệp và khu chế xuất. Người dân sống tại một số khu vực khó khăn chưa được đào tạo cơ bản kiến thức an toàn giao thông đường thủy, dẫn đến nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.  

Đến năm 2013, trong phạm vi cả nước có 8.038 cảng, bến thủy nội địa. Trong đó, có 164 cảng thủy nội địa, với 155 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách, có 15 cảng tiếp nhận tàu nước ngoài, 131 cảng thuộc các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 33 cảng thuộc tuyến đường thủy nội địa địa phương. Có 5.591 bến thủy nội địa bốc xếp hàng hóa, số bến được cấp phép hoạt động là 4.548 bến, chiếm 85%. 2.283 bến khách ngang sông, trong đó 1.898 bến được cấp giấy phép hoạt động, đạt tỷ lệ 83 %.

Văn Thăng