Xung quanh việc điều chuyển luồng tuyến xe khách tại Hà Nội

Bài 1: Có vội vàng?

- Thứ Bảy, 04/03/2017, 07:45 - Chia sẻ
Từ gần một năm nay, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã lên kế hoạch sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách về bến phù hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhà xe đã lên tiếng phản đối, thậm chí từ chối chở khách, trong đó có các tuyến Thái Bình - Hà Nội, Nam Định - Hà Nội.

Doanh nghiệp kêu khó

Sau hơn hai tháng điều chuyển luồng tuyến vận tải liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình về bến Nước Ngầm, ngày 28.2, khoảng 70 xe khách chủ yếu hoạt động trên các tuyến từ Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định và ngược lại, đồng loạt từ chối chở khách và đỗ hàng dài trên quốc lộ 1 để phản ứng kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải TP Hà Nội. Theo các nhà xe, việc điều chuyển luồng tuyến khiến lượng khách bị giảm đột ngột. Bên cạnh đó, chi phí tại bến Nước Ngầm cao gấp năm, sáu lần so với Mỹ Đình, trong khi, thời gian đỗ xe chỉ 9 phút nên không kịp đón khách. Hầu hết các nhà xe của hai tuyến Hà Nội đi Nam Định, Thái Bình đều than thua lỗ bởi thu không đủ bù chi.  Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh La Nguyễn Sơn La (tuyến Thái Bình - Nước Ngầm) cho biết, sau 2 tháng chuyển về bến xe Nước Ngầm, với 6 xe chạy hàng ngày, doanh nghiệp này đã thua lỗ gần 200 triệu đồng. Nếu các cơ quan chức năng của Hà Nội không có giải pháp tháo gỡ thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản.

Bến xe Nước Ngầm vắng khách Ảnh: Phạm Duy

Trước đây tuyến về Thái Bình, tại Mỹ Đình, tiền bến bãi cho xe 30 chỗ là 80 nghìn đồng/lần xuất bến, khi chuyển về bến Nước Ngầm số tiền phải nộp là 160 nghìn đồng. Còn xe 16 chỗ đi Nam Định từ 40 nghìn đồng/lần xuất bến nay phải nộp 80 nghìn đồng. Lý giải điều này, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập, đơn vị được xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội cho biết, việc thu cao gấp đôi so với các bến xe do nhà nước quản lý đã được UBND TP cho phép. Đến nay, đơn vị này mới thu 85% theo quy định. Sau khi các nhà xe ký hợp đồng với bến xe, chắc chắn các khoản thu sẽ cao hơn, vì họ phải thuê điểm đỗ qua đêm, điểm bán vé, chi phí bảo vệ...

Đúng lộ trình

 Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến của hơn 20 nghìn lượt xe khách với 553 lốt, trong đó riêng tuyến Hà Nội - Thái Bình có 146 lốt, Hà Nội- Nam Định có 162 lốt từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Đây là phương án được đánh giá không tạo nên sự xáo trộn quá lớn, khắc phục được sự quá tải có thể xảy ra và ùn tắc giao thông trên trục đường Giải Phóng - Kim Đồng - Pháp Vân. 

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện

Báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải TP Hà Nội cho thấy, kế hoạch điều chuyển luồng tuyến được đơn vị này triển khai từ đầu năm 2016 và đã thông báo đến các doanh nghiệp, nhà xe, các bến xe cũng như Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành phố có liên quan. Ngày 2.1, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến theo lộ trình của các bến xe gồm: Mỹ Đình, Nước Ngầm và Giáp Bát với 691 lốt, 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày) thì lại bị các doanh nghiệp, nhà xe phản đối và cho rằng việc điều chuyển là vội vàng, không đúng lộ trình, không hỏi ý kiến các doanh nghiệp...

 Ngày 28.2 vừa qua một số doanh nghiệp, nhà xe chạy các tuyến Nam Định, Thái Bình đi Hà Nội đã tụ tập phản đối trong khi các doanh nghiệp, nhà xe khác cũng bị điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến lại chấp hành tốt kế hoạch của sở. Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải cùng các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã tổ chức cuộc đối thoại với doanh nghiệp vận tải nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp nhất.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, việc sắp xếp điều chuyển luồng tuyến xe chạy cùng tỉnh về cùng một bến là hợp lý, vừa nhằm giảm ùn tắc giao thông các tuyến nội đô, không gây sự xáo trộn lớn, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, nhà xe. Và điều tất nhiên, quyền lợi lớn nhất thuộc về khách hàng là được chọn doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ tốt, an toàn và giá cả phù hợp. 

Phạm Duy - Thái Yến