Những ngọn hải đăng đỏ

Bài 1: Người vác tù và cho chi bộ

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 01:20 - Chia sẻ
“Tôi không khoác trên mình chiếc áo Đảng viên, nhưng trong tâm hồn, trong tư tưởng tôi lúc nào cũng gắng làm việc như một người Đảng viên tốt. Ngày nào tôi còn sức lực thì tôi còn cống hiến”. Đó là những lời gan ruột của ông Phùng Huy Đan (sinh năm 1939, Khu dân cư số 5, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội). Ở tuổi 81, ông vẫn cần mẫn, đồng hành với cấp ủy, chính quyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trở thành tấm gương sáng để các thế hệ noi theo.

Đảng tại tâm

 Khi bắt đầu lên ý tưởng cho loạt bài này, một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến tôi luôn trăn trở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(1).. Chính câu nói của Bác đã thôi thúc tôi tìm đến những người vì những lý do đặc biệt chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng luôn có Đảng ở trong tâm, được dân quý, dân yêu và họ là những ngọn hải đăng đỏ giữa cộng đồng.

Tôi tìm đến ngõ 266, đường Lê Duẩn, hỏi ông Phùng Huy Đan. “Giờ này tìm ông Đan phải ra nhà sinh hoạt cộng đồng, nếu không thì đi vòng quanh khu dân cư kiểu gì cũng gặp”; “Ông Đan ấy à, 81 tuổi nhưng làm việc còn hơn thanh niên”; “Ôi, ông Đan thì phủ sóng rộng khắp, ở đây ai cũng yêu quý ông ấy”… Hàng loạt những câu trả lời khiến tôi thêm tò mò.

Trong chiếc áo sơ mi đã sờn, ông Đan niềm nở đón chúng tôi tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư số 5, khi ông vừa cùng các bác trong cấp ủy Chi bộ bàn bạc, thống nhất một số công việc của địa phương. Tôi lấy làm thắc mắc, tại sao ông Đan lại có mặt trong cuộc họp Chi ủy khu dân cư?. Có vẻ hiểu được suy nghĩ của tôi, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 5 Đặng Quý Bằng tươi cười giải thích: “Bác Đan là người rất tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm với địa phương nên cấp ủy Đảng rất tin tưởng khi giao nhiệm vụ cho bác. Bác ấy là chỗ dựa vững chắc cho Chi bộ chúng tôi đấy”.

Sau lời giải thích đó, ông Bằng tiếp: “Dự án cải tạo công viên hồ Ba Mẫu vốn được mệnh danh là Dự án “nghẽn xuyên thế kỷ của thành phố Hà Nội, kéo dài suốt 20 năm do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Phường Trung Phụng cũng phải giải tỏa 20 hộ dân. Với uy tín của mình, bác Đan đã đồng hành với cấp ủy, chính quyền phường và khu dân cư đến từng gia đình để động viên người dân chấp thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội. Có những hộ khó đến mức chúng tôi phải nghĩ đến phương án cưỡng chế, nhưng khi bác Đan cùng với lãnh đạo phường đến gặp và động viên thì họ lại đồng thuận để di dời”.

Buổi trò chuyện càng trở nên sôi nổi hơn khi một số người dân đã đến góp mặt. Biết chúng tôi hỏi về ông Đan, ai cũng hào hứng kể chuyện. Bà Nguyễn Thị Thạnh (tổ 23) nói: “Ôi! Nói về công của bác Đan thì đây này, cái nhà sinh hoạt cộng đồng bác cháu mình đang ngồi, không có bác Đan thì ở đâu ra được”. Nói rồi bà kể tường tận, trước đây, nơi này vốn là nhà vệ sinh công cộng, rất ô nhiễm môi trường và một thời gian là tụ điểm của tệ nạn xã hội. Sau nhiều ý kiến, tâm tư của người dân, năm 2004, khi ứng cử vào đại biểu HĐND phường Trung Phụng, ông Đan đã hứa trước cử tri là sẽ kiến nghị lên quận và thành phố để giải tỏa cho bằng được các nhà vệ sinh công cộng để chuyển đổi thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Kiên trì suốt nhiều năm, đến năm 2018, thành phố đã chấp thuận đầu tư cho phường Trung Phụng 7 nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang. Người dân rất phấn khởi và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, ngày càng yêu quý bác Đan hơn.


Ông Phùng Huy Đan (góc phải)  trong một cuộc trò chuyện tại nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư số 5, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội
 Ảnh: Khánh Duy

Khi câu chuyện của bà Thạnh còn chưa dứt, một giọng nói hào sảng vang lên cắt ngang sự tập trung của chúng tôi: “Nói về cụ Đan phải nói thế này cho ngắn gọn. Dù năm nay đã 81 tuổi nhưng cụ vẫn tham gia hoạt động nhiều lĩnh vực, kể cả ở phường và ở khu dân cư. Cụ tham gia công tác mặt trận nên mọi vui buồn, tâm tư, nguyện vọng của dân cụ nắm hết. Cụ là thanh tra nhân dân nên ở đâu có khó khăn, ở đâu bế tắc, ở đâu xung đột, mâu thuẫn cụ lại đến nhẹ nhàng giải quyết. Cụ quan tâm, chăm lo các gia đình nghèo, thương binh, các cháu thiếu nhi, kể cả công tác vệ sinh môi trường cũng sắn tay vào làm. Nhờ sự góp sức lớn của cụ mà mọi công việc trên dưới được trôi chảy”. Ông Nguyễn Quyết Thắng (Tổ trưởng Tổ dân phố 23) nói liền một mạch không nghỉ.

Trong câu chuyện của những người có mặt, chúng tôi còn được biết, ông Đan giống như một “con mắt” sáng, giúp Chi bộ Khu dân cư số 5, phường Trung Phụng tìm thấy những người ưu tú để bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng, làm lớn mạnh tổ chức cơ sở Đảng một cách toàn diện. Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 5 Đặng Quý Bằng xúc động chia sẻ: “Miễn là có Đảng ở trong tâm, thì dù là Đảng viên, hay là quần chúng suy nghĩ và hành động đều sẽ vì nước, vì dân. Đó cũng là mục đích cuối cùng mà Đảng hướng đến”.

Tâm hướng Đảng

 Với những cống hiến của mình, ông Phùng Huy Đan đã vinh dự được nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, ông Đan tâm niệm “Điều hạnh phúc nhất đối với tôi là được dân tin tưởng, yêu quý. Được lòng dân thì bất cứ khó khăn nào tôi cũng không từ nan”.

Nghe hết các câu chuyện về ông Đan, tôi cứ có một băn khoăn trong suy nghĩ, mà không biết nên hỏi hay thôi. Phải đến khi chỉ còn lại hai bác cháu, tôi mới mạnh dạn nói ra điều đó. “Cháu thấy thật lạ, một quần chúng ưu tú như bác mà lại không phải Đảng viên”. Bác chỉ dành cho tôi một cái cười xòa, im lặng một lúc rồi bắt đầu kể câu chuyện đời mình.

“Từ khi còn theo học trường Đại học Sư phạm, tôi đã là Bí thư Chi đoàn. Lúc còn đi học và cả khi ra trường, tôi vẫn luôn có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng để có thể cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Và rồi sau bao nhiêu nỗ lực, tôi được tham gia học lớp cảm tình Đảng lúc 22 tuổi, thật vinh dự và tự hào. Càng hiểu biết hơn về Đảng, tôi càng mong ngóng đến ngày được trở thành Đảng viên, để có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chung của cả dân tộc, mà Đảng đã soi đường chỉ lối. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi kết thúc lớp cảm tình Đảng, tôi đã không thể trở thành Đảng viên vì gia đình trước đây là địa chủ”. Nói rồi ông nhấp một ngụm trà, như thể bắt đầu cho một câu chuyện khác.

“Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi bỏ dở bục giảng để lên đường nhập ngũ vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Thực hiện tốt nghĩa vụ người lính bảo vệ tổ quốc, đến năm 1974 tôi xuất ngũ trở về với gia đình. Lúc bấy giờ, tôi giữ chức Trưởng phòng Vật tư - Vận tải của Công ty xây dựng Hà Tây. Năm 1988, tôi về hưu và thành lập công ty riêng lấy tên là Công ty TNHH Huy Hùng chuyên sản xuất chất phụ gia cho bê tông nhựa asphalt. Bên cạnh làm ăn kinh tế, tôi bắt đầu tham gia các công việc ở phường, ở khu dân cư. Ban đầu, từ Tổ trưởng Tổ dân phố, tôi được cấp trên và người dân tín nhiệm giới thiệu tham gia công tác mặt trận. Và rồi lại trúng cử đại biểu HĐND phường Trung Phụng. Từ đó đến nay, đã hơn 20 năm, tôi vẫn luôn yêu và gắn bó với công việc của mình”.

Giọng kể của ông cứ đều đặn, chậm rãi mà rắn chắc. Ở tuổi này, khi mái tóc đã pha sương điểm bạc, trên gương mặt là những đồi mồi, nếp nhăn. Duy chỉ có đôi mắt của ông dường như lúc nào cũng ánh lên niềm tin yêu đối với Đảng, khát khao cháy bỏng được cống hiến cho đất nước. Không thể trở thành Đảng viên nhưng ông hiểu rất rõ về Đảng, luôn tâm niệm những điều tốt đẹp mà Đảng mang lại cho nhân dân. Bởi thế, ông giáo dục, động viên con cháu đều phải phấn đấu vào Đảng. Đến nay, cả con trai, con dâu của ông Đan đều là những Đảng viên ưu tú của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; các cháu nội ngoại đều tham gia hoạt động đoàn thể, công tác xã hội. Có lẽ, đó là niềm an ủi và hy vọng rất lớn lao đối với ông.

Trời nhá nhem tối, cũng là lúc bác cháu chúng tôi tạm gác lại câu chuyện. Ra về, tôi cứ xúc động mãi về một câu nói của ông: “Tôi không khoác trên mình chiếc áo Đảng viên, nhưng trong tâm hồn tôi, trong tư tưởng tôi lúc nào cũng gắng làm việc như một người Đảng viên tốt. Ngày nào tôi còn sức lực thì tôi còn cống hiến”. 
_______________

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 552, NXB Chính trị Quốc gia H.2011

ĐÀO CẢNH