Hệ thống tiểu ban thuộc ủy ban nghị viện trên thế giới

Sản phẩm của quá trình chuyên môn hóa

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:34 - Chia sẻ
Khi hệ thống ủy ban (UB) đã trở nên thực sự lớn mạnh ở các Nghị viện trên thế giới, đến mức như Tổng thống thứ 28 của Mỹ Woodrow Wilson đã nói “Nghị viện phiên toàn thể là phiên trình diễn, Nghị viện trong UB là Nghị viện làm việc” thì một số vấn đề mới lại xuất hiện làm tiền đề cho việc ra đời các tiểu ban (TB) thuộc UB.

Đầu tiên là nhu cầu tiếp tục phân công, phân nhiệm theo hướng chuyên môn hóa trong hoạt động của các UB để giải quyết được nhiều việc hơn với chất lượng tốt hơn. Cụ thể, vào khóa 66 (1919 - 1921) của Hạ viện Mỹ, trước tình hình mất cân đối ngân sách nhà nước và không thể kiểm soát hoạt động chi tiêu của Chính phủ, Hạ viện đã ban hành Luật Ngân sách năm 1921 với nhiều cải cách, trong đó có việc tổ chức lại UB Ngân sách Hạ viện bằng cách lần đầu tiên thành lập các TB trực thuộc để xem xét dự án luật phân bổ ngân sách dựa trên tổ chức hành chính của ngành hành pháp. Theo đó, Ban Tài chính và Văn phòng Tổng kiểm toán thuộc UB này đã được thành lập để chuyên đảm nhiệm nhóm công việc tương ứng là phân bổ ngân sách và xem xét các báo cáo ngân sách từ phía Chính phủ gửi sang. Đến năm 1922, Thượng viện Mỹ cũng đã thành lập các TB thuộc UB của mình một cách tương ứng với Hạ viện. Có thể nói, đây là những TB đầu tiên thuộc UB.

Tiếp đến là nhu cầu bảo đảm tính khách quan, minh bạch và dân chủ trong hoạt động của Nghị viện. Việc phân công, phân quyền thông qua thành lập các TB sẽ hạn chế sự “tập trung quyền lực” và xác lập được “chủ quyền” của TB để giảm thiểu sự tác động, can thiệp từ bên ngoài; tạo cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các TB và thiết lập cơ chế kiểm soát hai lần ở cấp TB và cấp UB. Công cuộc cải cách lớn của Hạ viện Mỹ được thực hiện vào những năm 1970 đã được thực hiện theo hướng này. Theo đó, để giảm quyền lực của thành viên cao cấp - một số ít các thành viên là các Chủ tịch UB có thể cản trở các dự luật mà họ không thích, các TB đã được thành lập nhiều hơn ở các UB và được tăng thêm quyền lực. Từ đó, tầm quan trọng của các TB đối với hoạt động của Nghị viện đã dần được thừa nhận và khẳng định đến mức “Nghị viện cận đại đã chuyển thành một nhà nước của “chính phủ TB”. Tức là, nếu ví Nghị viện như một Nhà nước thu nhỏ thì ở đó, TB là cơ quan hành pháp - Chính phủ.

Cho đến nay, TB đã trở thành một thuật ngữ pháp lý Nghị viện phổ biến được hiểu là nhóm người được chọn từ UB để nghiên cứu và báo cáo về một chủ đề cụ thể; là sự chia nhỏ của một UB đã được thiết lập vì mục đích phân chia công việc của UB; hay là bộ phận chia nhỏ của UB để chuyên môn hóa theo phạm vi thẩm quyền cụ thể, tạo ra sự phân công công việc của UB và những kiến nghị của TB phải được toàn thể UB phê chuẩn trước khi trình Thượng viện. Đồng thời, TB cũng đã trở thành một bộ phận cố định trong cơ cấu UB, một phương thức hoạt động chủ yếu, quan trọng và hiệu quả của hệ thống UB ở khá nhiều Nghị viện mạnh và lâu đời trên thế giới như ở Mỹ, Canada, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Anh, Pháp, Đức…

Ths. Đỗ Tiến Dũng - Viện Nghiên cứu lập pháp