Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Ơ Đu

Bài 1: Bài học từ một đề án

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:54 - Chia sẻ
Kết thúc giai đoạn 1, “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025” đã định hình trên bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương với 67 chuồng bò được xây mới, 280 con bê giống được cấp cho 77 hộ gia đình để phát triển mô hình nuôi bò nhốt sinh sản. Các hộ gia đình được phân đất khai hoang trồng cỏ chăn nuôi bò với tổng diện tích khoảng 8ha. 67 chuồng bò được quyết toán, trong đó 10 chuồng ghép đôi có giá trị 236 triệu đồng/1 chuồng là một trong số những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều ngày qua.

Theo Quốc lộ 7, dọc theo Thủy điện Khe Bố, con đường bê tông khá bằng phẳng dẫn chúng tôi đến Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Thật bất ngờ khi trước mắt chúng tôi là một bản làng với nhiều mái nhà kiên cố, có điện, cửa hàng tạp hóa, nhà văn hóa… Tiếp cận cuộc sống của bà con, chúng tôi được mắt thấy, tai nghe những gì đang diễn ra nơi bản vùng cao tỉnh Nghệ An này.

 Anh Lo Mằn, cư dân xóm 3, bản Văng Môn được nhận loại chuồng ghép đôi cùng chuồng bò của gia đình bố mẹ và được cấp 4 con bò. Anh kể, trước đây, người trong bản có thói quen nhốt trâu bò dưới sàn và thường thả rông, khi mùa rét đến, trâu bò chết trong rừng cũng không biết. Hoặc là nhốt trâu bò dưới sàn nên đầy mùi xú uế, bẩn thỉu. Dịch gia súc rồi lây bệnh tật sang người xảy ra liên miên, nhiều nhà không dám chăn nuôi tiếp, nên cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng người Ơ Đu.

Đối với anh, từ ngày Nhà nước cấp bò nuôi nhốt, anh chú tâm vào công việc hơn. Thời gian rong chơi, nhậu nhẹt với bạn bè cũng bỏ tự bao giờ, kể cả việc vào rừng tìm gỗ về bán, bởi theo anh vắng một ngày là sợ bò chết đói, nếu không chăm tốt bò sẽ bị gầy. "Ruộng không có, rẫy giờ họ không cho làm nữa, cũng vất vả. Họ đã cấp bò rồi thì phải kiếm cỏ cho bò. Đi ra rồi thì không có ai trông bò cho, sợ bò chết rồi Nhà nước lại phàn nàn, thắc mắc là cấp bò cho mà không nuôi", anh Lo Mằn chia sẻ.

Khi về bản tái định cư cách đây 14 năm, mỗi hộ được cấp một ngôi nhà sàn xây kiên cố, đường rải bê tông

Hộ anh Lo Văn Kháy, và hộ chị Lương Thị Xuyến, mỗi hộ cũng được Nhà nước xây cho một cái chuồng bò kiên cố kèm hỗ trợ 4 con bò. Mấy ngày hạn nắng, cỏ trồng héo khô phải sang bản khác hoặc hái cỏ ven suối về cho bò ăn. Tuần vừa qua có vài trận mưa, mọi người đều tranh thủ đi xới đất, bón phân cho cỏ, mệt nhưng vui. "Cái chuồng bò này rất tốt, vấn đề chúng tôi lo thời gian tới là giống cỏ và sự phát triển của chúng khi mà thực tế vừa qua miền Trung xảy ra hạn hán kéo dài. Đây là lần đầu tiên tôi được cấp bò, xin cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm đến bà con dân tộc Ơ Đu", anh Kháy cho biết.

Với chị Xuyến, chưa một lần được nuôi bò và có cái chuồng bò đẹp như thế này. “Chuồng bò mà mình tự làm thì làm đơn giản thôi, còn chuồng bò nhà nước cấp thì không chê cái chi nữa".

Đó là 3 trong số 77 hộ dân bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, được Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025, cấp 280 con bò giống lai và mỗi hộ được xây một chuồng nhốt bò kiên cố, tổng trị giá hạng mục là hơn 12 tỷ đồng. Căn cứ số lao động trong gia đình mà có hộ được cấp từ 2 hay 3 hoặc 4 con. Già bản Lo Văn Cường cho biết: Đến nay sau 2 - 3 tháng nhận bò về, chỉ có 1 con chết do quá trình vận chuyển (đã được cấp bổ sung), còn lại đều dần thích nghi với khí hậu, thức ăn, phát triển khá tốt. Bò được gắn chíp theo dõi và được cán bộ thú y thăm khám đều.

Người dân Ơ Đu trồng cỏ cho bò ăn

Tiếc thay, trong quá trình triển khai đề án, chỉ vì một số cá nhân, doanh nghiệp sai phạm dẫn đến những bức xúc dư luận trong thời gian qua. Thực tế cuối năm 2019, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra các sai phạm trong quá trình thực hiện Đề án. Vụ việc đã được khởi tố, một số cán bộ trong Ban Quản lý Dự án và các doanh nghiệp liên quan đang bị tạm giữ để điều tra. Đó được xem là một dấu chấm đen trong quá trình thực hiện đề án nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những khuất tất trong quá trình thực hiện đề án sẽ được làm rõ; cá nhân mắc sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, thực tế dư luận đang bị cuốn vào tiêu cực mà quên mất những nhiệm vụ cần thiết phải làm để cho một đề án không bị đổ vỡ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây. Bởi nếu nhìn vào mục tiêu từ đề án thì đến nay một nghề mới, một hướng phát triển kinh tế mới, đem lại sinh kế ổn định cho đồng bào Ơ Đu, bản Văng Môn đã được hình thành, mặc dù trước mắt còn không ít khó khăn.

Những gì diễn ra trong quá trình thực hiện đề án là một bài học đắt giá cho các cá nhân, tập thể cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước. Song chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát hơn, khách quan không nên cuốn theo dư luận một chiều.

Tháng 8.2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 3829/QĐ-UBND xây dựng “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025” có tổng kinh phí 120 tỷ đồng, với mục đích xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần bền vững cho người Ơ Đu. Đề án bao gồm nhiều giai đoạn và các hạng mục khác nhau song có thể liệt kê ra những hạng mục chính như: xây dựng chuồng bò kiên cố, cung cấp bò giống, cung cấp giống cỏ, máy cày, khai hoang tạo diện tích trồng cỏ và tương lai triển khai xây dựng 1 đập thủy lợi chứa nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho đồng bào… Rõ ràng đây là một Đề án được nghiên cứu kỹ lưỡng, khá hoàn chỉnh, đồng bộ có nhiều ưu điểm và được đồng bào hồ hởi đón nhận.

 

Quốc Khánh - Hồng Hà