HĐND tỉnh Bình Thuận giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính

Bài 1: Cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế

- Thứ Tư, 19/08/2020, 17:30 - Chia sẻ
Điểm đáng chú ý trong cách thức tổ chức đợt giám sát chuyên đề về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của HĐND tỉnh Bình Thuận là việc thành lập Tổ công tác giúp việc để thực hiện các công việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động giám sát. Kết quả khảo sát của Tổ công tác là cơ sở để Đoàn giám sát nắm được tình hình thực tế, kết hợp với việc xem xét báo cáo và kết quả làm việc trực tiếp để đánh giá, kết luận chính xác, khách quan về công tác cải cách TTHC đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát.

Tập trung vào những vấn đề trọng tâm

Theo đánh giá, những năm qua, công tác cải cách TTHC của tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước, cũng như quá trình thu hút đầu tư của địa phương. Đáng lưu ý là trong 2 năm 2017, 2018, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh, nhất là chỉ số cải cách TTHC liên tục có sự giảm sút so với trước.

Một cuộc giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bình Thuận.
Ảnh: Văn Nhiên

Vì vậy, HĐND tỉnh đã quyết định chọn chuyên đề công tác cải cách TTHC đưa vào chương trình giám sát năm 2019, nhằm kịp thời đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và tìm ra nguyên nhân, giải pháp thúc đẩy công tác cải cách TTHC, góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp.

Tổ chức Đoàn giám sát, ngoài các thành phần theo luật định, còn mời thêm lãnh đạo một số cơ quan có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát cải cách TTHC ở địa phương, giúp cho Đoàn có điều kiện trao đổi, đánh giá sâu hơn về lĩnh vực này; đồng thời, cung cấp đầy đủ các thông tin phục vụ công tác giám sát.

HĐND tỉnh giới hạn phạm vi giám sát kết quả thực hiện cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên 4 nhóm vấn đề: Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách TTHC; việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong cải cách TTHC; kết quả thực hiện cải cách TTHC, trọng tâm là kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ trực tiếp công tác tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC. Với phạm vi và nội dung giám sát như vậy, Đoàn có điều kiện tập trung đi sâu vào những vấn đề trọng tâm; có đủ thông tin, dữ liệu để phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, kết quả thực hiện sát với thời điểm giám sát (vào cuối quý III.2019).

Do công tác cải cách TTHC liên quan đến tất cả các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nên đối tượng giám sát khá toàn diện, bao gồm: UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và các cơ quan thuộc ngành dọc đóng tại địa phương. Trong đó, việc lựa chọn các cơ quan, đơn vị, địa phương để giám sát trực tiếp căn cứ vào các tiêu chí: Các lĩnh vực có nhiều hồ sơ TTHC, như: Đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, thuế, tư pháp - hộ tịch, lao động, thương binh và xã hội. Cơ quan, đơn vị có số lượng hồ sơ TTHC phát sinh nhiều trong giai đoạn giám sát. Cơ quan, đơn vị có nhiều phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân trong giải quyết TTHC.

Thành lập Tổ công tác giúp việc

Kế hoạch giám sát chi tiết xác định rõ lộ trình các bước, công việc và phân công nhiệm cụ thể của thành viên Đoàn giám sát, các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai công tác giám sát. Đề cương báo cáo phục vụ giám sát được xây dựng riêng cho từng cấp hành chính, từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác cải cách TTHC; trong đó lưu ý rõ những nhiệm vụ đặc thù của từng cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Tổ công tác giúp việc Đoàn giám sát thực hiện các công việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động giám sát. Tổ công tác có nhiệm vụ: Nghiên cứu trước các báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi về Đoàn giám sát để nhận xét, đối chiếu với đề cương giám sát và tham mưu Đoàn giám sát yêu cầu đối tượng được giám sát có báo cáo bổ sung hoặc làm rõ thêm những vấn đề Đoàn quan tâm; tiến hành khảo sát thực tế tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa của UBND cấp huyện, cấp xã; xem xét ngẫu nhiên một số hồ sơ TTHC tại các cơ quan, địa phương được giám sát trực tiếp, lập biên bản ghi nhận kết quả khảo sát; tham mưu dự thảo kết luận của Đoàn giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát trực tiếp.

Qua khảo sát của Tổ công tác cho thấy, nội dung báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đúng với thực tế, như: Số liệu kết quả tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nhất là hồ sơ trễ hẹn; việc niêm yết, công khai TTHC, công tác lưu trữ, ghi chép sổ sách... còn nhiều thiếu sót. Tổ đã yêu cầu các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung báo cáo và cập nhật chính xác, đầy đủ các số liệu trước khi Đoàn giám sát làm việc).

Kết quả khảo sát của Tổ công tác có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để Đoàn giám sát nắm được tình hình thực tế, kết hợp với việc xem xét báo cáo và kết quả làm việc trực tiếp để đánh giá, kết luận chính xác, khách quan về công tác cải cách TTHC đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát.

KHÁNH NGỌC