Lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam

Bài 1: Sóng đôi không đăng đối

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:37 - Chia sẻ
Đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sáng tác mỹ thuật đặt ra không ít vấn đề cần đúc kết, lý giải và đánh giá. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, công tác lý luận, phê bình vẫn chưa cất lên tiếng nói xứng tầm, đóng góp cho hướng đi và sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Mỏng và yếu

Thời điểm 10 năm sau Đổi mới (1986), mỹ thuật Việt Nam đã trỗi dậy, thay đổi mạnh mẽ. Sự đa dạng và phong phú phong cách tạo hình, đặc biệt là khuynh hướng bày tỏ cái tôi thông qua nghệ thuật đã khiến công chúng, và ngay trong giới mỹ thuật cũng “chóng mặt”, do bao năm quá quen với tranh đề tài, tranh hiện thực xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, cuốn sách “Họa sĩ trẻ Việt Nam”, của hai tác giả Phan Cẩm Thượng và Lương Xuân Đoàn ra đời (NXB Mỹ thuật, năm 1997), không chỉ gói ghém diện mạo hội họa Việt Nam đương thời, mà còn đưa ra suy ngẫm, kiến giải về sáng tạo của các họa sĩ đang sung sức, góp phần tạo đà cho nền mỹ thuật đổi mới.

Đến giờ, ví dụ trên vẫn thường được dẫn chứng cho mối quan hệ biện chứng về vai trò của lý luận, nghiên cứu phê bình mỹ thuật. Từ thời điểm mỹ thuật hiện đại hình thành, sự ra đời của Viện Mỹ thuật (1962), Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1966), gắn với lãnh đạo đầu tiên là họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung, đã đặt nền móng xây dựng nền lý luận, phê bình mỹ thuật. Một số sinh viên khoa lịch sử, ngữ văn đã bước đầu nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam như Trần Lâm Biền, Nguyễn Bích, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Đỗ Bảo... Ấn tượng là sự xuất hiện của Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng... Họ cho thấy kiến thức sâu rộng, khả năng tư duy đa diện, thúc đẩy quá trình sáng tạo từ tư duy lý luận đến nhận thức, đánh giá tác phẩm.

Với nhiều công trình của các nhà nghiên cứu tên tuổi, lý luận, phê bình mỹ thuật thế kỷ XX được cho đã hoàn thành sứ mệnh của mình

Đấy là thế hệ mà cho đến lúc này vẫn chưa có ai kế tục”. Nhận định như vậy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn chỉ ra, lý luận, phê bình ngoài giá trị văn hóa, còn góp phần làm giàu tri thức khoa học mỹ thuật, đáp ứng trực tiếp yêu cầu của sáng tác và là cầu nối giữa tác phẩm và người xem. “Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống nghệ thuật ngày càng phong phú, ngành mỹ thuật lại tỏ ra rất thiếu tiếng nói của lý luận, phê bình”. Hiện lý luận, phê bình đi theo hai hướng chính: Một số ít nghiên cứu mỹ thuật cổ; số còn lại (cũng không nhiều) viết báo, đưa tin về hoạt động mỹ thuật. Ngoài ra, còn có bài viết giới thiệu nghệ sĩ/triển lãm, chủ yếu mang tính “mở đường” thưởng ngoạn tác phẩm. Ở mảng này, lối viết mới dừng ở mức mô tả, thông tin giới thiệu, mà thiếu tính nghiên cứu lý luận, kiến giải. Nhìn chung, đó chính là thực trạng mỏng về đội ngũ và yếu về phương pháp luận, lý thuyết, khiến lý luận, phê bình chưa phát huy được vai trò tích cực, bỏ sót nhiều mảng quan trọng của đời sống mỹ thuật.

PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, dẫn chứng từ nghiên cứu, lý luận và phê bình đồ họa. Nhiều nước trên thế giới, lịch sử, lý luận, học thuật và kỹ thuật gắn với thể loại đồ họa tạo hình, gắn với tác giả, tác phẩm rất đáng kể, cả về số lượng và chiều sâu khoa học. Còn ở nước ta, bài viết về đồ họa luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong công trình nghiên cứu mỹ thuật cũng như tạp chí chuyên ngành. “Thực hành mà thiếu lý thuyết, thiếu nghiên cứu thì chỉ như làm thợ, hoàn toàn trái ngược với yêu cầu phát triển nghệ thuật ngày nay. Cho nên, muốn nghệ thuật phát triển đúng nghĩa thì không thể thờ ơ với công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình”.

Thách thức đương đại

Phó Chủ tịch Hội đồng Phê bình Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến thừa nhận, trong thời gian dài, các nhà phê bình có giọng điệu giống nhau, trên những tác phẩm na ná nhau, không ai muốn đi quá đường biên an toàn đã định sẵn, văn phong dấu ấn cá nhân nhạt nhòa, làm chậm bước đi của phê bình mỹ thuật. Có nhiều người làm công tác phê bình, khi trao đổi bên lề rất thẳng thắn, rất hay, nhưng khi chính thức trên trang viết ý kiến của mình thì e ngại. “Từ nhiều năm, đặc điểm này như dòng hướng chung trong thẩm định phê bình mỹ thuật”, bà Nguyễn Hải Yến nói.

Trong khi lý luận, phê bình đóng khung trong “đường biên an toàn”, thì cánh cửa mỹ thuật Việt Nam đã rộng mở ra thế giới. Nhiều loại hình, quan điểm thẩm mỹ của các nước trong khu vực và thế giới đã ảnh hưởng đến đời sống mỹ thuật Việt Nam. Khoảng chục năm trở lại đây, thực hành đương đại bùng nổ, đẩy mỹ thuật đến chiều kích khác, nhiều khi không còn chú trọng tiêu chí “đẹp” mà thể hiện cách nhìn, quan niệm về con người, về thế giới. Cảm nhận về nghệ thuật cũng đa dạng, tính chất của mỹ thuật khác hẳn giai đoạn trước. Các khái niệm, thuật ngữ mỹ thuật vốn có trở nên không còn phù hợp. Tất cả tác động đến ngành lý luận, phê bình mỹ thuật. Thế nhưng, bức tranh hoạt động lý luận, phê bình vẫn khá “tĩnh”. Ngoài đánh giá, nhận định của nghệ sĩ dành cho nhau, rất hiếm công trình nghiên cứu, đúc kết, lý giải từ giới nghiên cứu.

Song hành với đời sống nghệ thuật, phê bình có con mắt sâu sẽ cổ vũ cho xu hướng mới, hoặc tiên đoán sự phát triển của nền nghệ thuật. Ở Việt Nam, nhu cầu của nghệ sĩ đối với lý luận, phê bình đã thay đổi, có điều, phê bình, lý luận mỹ thuật dường như vẫn chưa hội đủ yếu tố để đáp ứng thay đổi đó. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn trăn trở: “Tiếng nói phê bình không thể chỉ đơn phương, mà còn là tiếng nói có tính phát hiện, khẳng định, khích lệ khuynh hướng sáng tác mới. Nhưng lâu nay ở ta gần như đó là những khoảng trống. Thật buồn thay, chúng ta thấy bản thân nghệ sĩ, người sáng tạo vẫn cứ âm thầm tự tìm khuynh hướng sáng tác tốt nhất cho mình”.

Hải Đường