Bản quyền - rào cản trong hoạt động xuất bản

Bài 1: Tràn lan vi phạm trên không gian thật và ảo

- Thứ Ba, 07/07/2020, 10:46 - Chia sẻ

Xây dựng thị trường lành mạnh, tôn trọng tác quyền là con đường tất yếu để phát triển ngành xuất bản trong nước, từ đó đẩy mạnh cung cấp thông tin, tri thức tới đông đảo độc giả. Tuy nhiên, tình trạng sách in lậu, sách không có bản quyền đang là rào cản lớn, đe dọa trực tiếp tới sự sống còn của ngành. Vấn nạn này đòi hỏi sự chung tay của đơn vị làm sách, nhà quản lý, cộng đồng, với các giải pháp từ pháp luật tới thực thi nghiêm túc.

 

Nhiều xuất bản phẩm được đầu tư, biên tập công phu, nhưng vừa được thị trường đón nhận đã bị in lậu, làm giả, bị chia sẻ tràn lan trên internet dưới dạng sách điện tử, sách nói... Điều này làm tổn hại tới các đơn vị làm sách, sở hữu bản quyền, tác giả và cả độc giả.

Phổ biến, công khai, nhiều hình thức

Giữa tháng 6 vừa qua, NXB Kim Đồng trở thành đơn vị xuất bản mới nhất lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sách giả, sách lậu. Bà Nguyễn Lê Việt Hà, đại diện NXB Kim Đồng cho biết: Thời gian vừa qua, NXB Kim Đồng nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về việc mua phải bộ sách "Kính Vạn Hoa" giả trên mạng xã hội. Khách hàng cho biết, họ thấy thông tin rao bán "Kính Vạn Hoa" với chiết khấu cao tới gần 70% giá bìa kèm nhiều ưu đãi như hỗ trợ phí vận chuyển toàn quốc và có quà tặng. Nhìn hình ảnh trên mạng thì thấy chất lượng mới, đẹp, nên khách hàng đặt mua. Đến khi nhận được sách mới biết mình bị lừa. Chúng tôi cũng đã đặt mua và khẳng định đó là sách giả, thông qua chất lượng in ấn, gia công và không có tem chống giả. Thực chất mức chiết khấu mà người bán sách giả rao trên mạng là mức chiết khấu không tưởng, cao hơn rất nhiều lần mức chiết khấu NXB cung cấp cho các đơn vị phát hành lớn”.

Đây không phải lần đầu tiên, sách của NXB Kim Đồng bị làm giả. Trước đây, sách Kim Đồng bị làm giả nhiều nhất thường là thể loại tranh truyện như "Doraemon", "Conan". Hiện nay, danh sách sách bị làm giả có thêm nhiều bộ sách nổi tiếng thuộc thể loại văn học, sách kỹ năng như "Kính Vạn Hoa", "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên", "Mẹ Đức dạy con kỷ luật"...

Vi phạm bản quyền là vấn nạn của ngành xuất bản
Ảnh: Thảo Nguyên

Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước cho biết: Không ít bạn đọc, kể cả đại diện các ban, ngành vẫn chưa nhận ra tác hại sâu xa từ việc in lậu và phát hành, tiêu thụ sách giả, thậm chí ngoài thái độ bàng quan vô cảm, còn bày tỏ quan điểm ủng hộ, vì sách giả có xấu một chút, đọc nhức mắt một chút, sai một chút, nhưng lại rẻ, có sao đâu? Các quốc gia phát triển đều rất tôn trọng bản quyền trí tuệ văn hóa và căm ghét sự giả dối, kiếm tiền bất chính, xem những hành vi đó là quốc nạn thực sự.

Sách của NXB Giáo dục cũng bị xâm phạm bản quyền với số lượng lớn. Theo thống kê của nhà xuất bản này, từ năm 2010 đến giữa năm 2019, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Không chỉ được bày bán công khai tại các vỉa hè, cửa hàng, nhà sách, theo Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước: “Nghiêm trọng hơn, sách giả được các trùm in lậu tiêu thụ công khai và trực tiếp trên không gian mạng với số lượng không thể thống kê được, thông qua các sàn thương mại điện tử có vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng, tiếp cận lừa đảo độc giả yêu sách, gây tổn hại cho hàng chục triệu bạn đọc cả nước bằng những cuốn sách giả in ấn kém chất lượng, sai sót, được giới thiệu bằng hình ảnh sách thật, khiến bạn đọc không thể nhận biết được”.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân hay đơn vị sử dụng mạng do chưa có hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ, đã đưa lên internet hàng trăm đầu sách đủ thể loại, từ sách trong nước đến sách dịch, cho phép người sử dụng đọc, tải xuống miễn phí hoặc chỉ phải trả khoản phí rất nhỏ. Một số tổ chức, cá nhân tự lấy sách in hiện có của các nhà xuất bản chuyển thành bản ebook mà không có hợp đồng bản quyền, các bản ebook này được tặng miễn phí khi mua điện thoại, máy tính bảng hoặc các thiết bị đọc, số lượng ebook khuyến mãi kèm theo có khi lên đến hàng nghìn tựa sách...

Đơn vị làm sách thất thu, mất uy tín

Để sản xuất một đầu sách, đơn vị xuất bản phải trải qua nhiều công đoạn như tìm kiếm, tổ chức bản thảo, mua bản quyền, dịch, biên tập, dàn trang, thiết kế, xin giấy phép, quảng bá... Quá trình này kéo dài nhiều tháng trời, với chi phí trung bình lên tới hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Nhưng ngay sau khi sách được đông đảo bạn đọc đánh giá tốt, các trùm in lậu lập tức đưa ra thị trường, với giá thấp hơn nhiều lần sách thật, thậm chí có nhiều nơi tăng giá ghi trên bìa rồi quảng cáo hạ giá 60 - 70% để đánh vào tâm lý người mua. Nhiều độc giả bỏ tiền mua nhưng không biết đó là sách giả, chê trách đơn vị xuất bản làm ra những cuốn sách bìa xộc xệch, chất lượng giấy và mực in kém, hình ảnh lem nhem, nhiều sai sót...

Đáng lo hơn, sách hoặc một phần nội dung được sao chép đưa lên mạng chỉ sau khi sách thật ra mắt được vài ngày, với tốc độ lan truyền chóng mặt. Nhiều đơn vị chịu cảnh vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trắng trợn, nhưng không bắt được thủ phạm cụ thể, báo cáo vi phạm tới cơ quan quản lý cũng không xuể...

Những vi phạm này khiến các đơn vị làm sách mất uy tín, thất thu vì độc giả mua sách giấy giảm. Mặt khác, nhiều đơn vị xuất bản không dám mạnh tay đầu tư phát triển sách điện tử, sách nói trước tình trạng vi phạm tràn lan.

Sách giả - sách lậu đang giết chết sách thật. Sách lậu đang làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của các tác giả chân chính - những người đã bằng tài năng, kiến thức, kinh nghiệm sống của mình cống hiến trọn đời cho niềm đam mê đọc sách của nhân loại nhưng không được hưởng nhuận bút. Sách lậu gặm nhấm, mài mòn sức lực từng biên tập viên, từng họa sĩ minh họa, chế bản, trình bày, người phụ trách in ấn...” - bà Nguyễn Lê Việt Hà, NXB Kim Đồng, bày tỏ. Sách lậu còn gây tổn hại đến quyền lợi của bạn đọc - những người bằng tình yêu với sách xứng đáng được tôn trọng bằng chất lượng in ấn và yên tâm rằng giá trị bản sách họ cầm trên tay đã có nhuận bút dành cho những người làm ra chúng!

Anh Minh - Thảo Nguyên