Những ngọn hải đăng đỏ

Bài 2: Cái “đài Đảng” chạy bằng cơm của ông Xinh

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:09 - Chia sẻ
“Đảng viên thì phải gương mẫu, không được uống rượu say, không được đánh nhau, làm những điều tốt để đồng bào noi theo”. Đó là lời căn dặn của ông Ngô Văn Xinh - người uy tín xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đối với Đảng viên trẻ Đào A Chu.

>> Bài 1: Người vác tù và cho chi bộ

Cầu nối ý Đảng - lòng dân

Tôi tìm đến gia đình ông Xinh trong một buổi chiều thu tháng 10. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ, từ thành phố Thái Nguyên tôi mới có mặt ở xóm Đồng Dong. Lúc đó đã là 3h chiều. Thấy vị khách lạ, bà Sầm Thị Chợ (vợ ông Xinh) có vẻ đã biết về cuộc hẹn của tôi nên niềm nở: “Cháu vào nhà ngồi uống nước đã, đợi chú Xinh vẫn còn đi công việc chưa về”. Trong nếp nhà sàn đơn sơ, vừa trò chuyện với tôi, bà Chợ tiếp tục tách những hạt ngô nếp nương mới thu hoạch. Chốc chốc, bà lại phải quay sang trông chừng 5 đứa cháu đang nô đùa bên cạnh.

Khi mặt trời đã về sau lưng núi, nhá nhem tối, tôi mới nghe tiếng xe máy. Cùng với ông Xinh là các anh lãnh đạo xã Phương Giao, lãnh đạo xóm Đồng Dong. Như thể đã để khách chờ đợi lâu, ông Xinh phân trần: “Mấy anh em vừa đi chấm điểm hộ nghèo. Phải tranh thủ kẻo bà con người ta đi làm nương không gặp được”. Vừa dứt lời thì Bí thư Chi bộ xóm Đồng Dong Hoàng Xuân Đích tươi cười nói: “Phải có bác Xinh đi cùng để còn phiên dịch nữa đấy nhà báo ạ. Bà con người Mông ít người biết tiếng Kinh lắm”. Nói rồi tất cả mọi người cùng nhìn nhau cười vang, xua tan bầu không khí tĩnh mịch của một bản làng xa xôi bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên.


Ông Ngô Văn Xinh (ngồi giữa) trò chuyện tại nhà ở xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
Ảnh: Đào Cảnh

Trò chuyện với ông Xinh, tôi mới thấy ông là người không giỏi nói về những việc mình đã làm, thậm chí, còn có chút ngại ngùng, e thẹn. Thấy ông Xinh bối rối, ông Đích liền lên tiếng: “Bác Xinh là người giúp Chi bộ chúng tôi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai chính sách, pháp luật Nhà nước đến bà con người Mông ở cụm Lân Sùng. Bác tham mưu cho Chi bộ để làm sao chính sách đến gần với người dân nhất. Bác tập hợp bà con dân bản tham gia mọi phong trào của địa phương. Việc to, việc nhỏ gì ở địa phương đều cần có sự giúp sức của bác Xinh thì công việc mới trôi chảy được”.

Vừa nói, ông Đích vừa chỉ tay về phía con đường xóm rồi kể: “Kể cả con đường bê tông này, nhờ có bác Xinh nên bà con mới đồng thuận hiến đất để làm đấy. Tôi nhớ ngày đấy có 2 hộ không đồng tình, thuyết phục thế nào cũng không nghe. Sau đó thì chúng tôi mời bác Xinh cùng với Chủ tịch xã, Trưởng xóm, 4 lần đến tận nhà khuyên thì 2 hộ đó mới đồng tình hiến đất. Giờ có con đường đẹp, hộ nào cũng phấn khởi”. Đến đây, tôi quay sang hỏi ông Xinh “Ngày đó, bác nói thế nào mà người ta lại đồng ý ạ?”. Ông Xinh đáp ngắn gọn: “Có gì đâu, tôi bảo con đường này Đảng, Nhà nước quan tâm làm cho dân. Thời mình đi bộ mãi rồi, giờ làm được đường thì con cháu mới phát triển kinh tế, ai ốm đau mới đến bệnh viện nhanh được”.

Những câu nói của ông Xinh nghe có vẻ giản dị nhưng phải là người nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì mới có thể vận động để người dân làm theo. Bởi thế, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Giao Tô Văn Khải mới nói: “Các văn bản, thông báo của cấp trên gửi xuống, bác Xinh lại ngồi phiên dịch thành tiếng Mông, làm sao cho dễ hiểu nhất để đưa đến bà con dân bản. Không chỉ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bác Xinh còn là người công an viên rất trách nhiệm, giữ bình yên trong nhân dân. Từ mâu thuẫn nhỏ hay vấn đề lớn, bác đều đến khuyên bảo êm xuôi. Nhiều năm rồi, xóm Đồng Dong không có trường hợp khiếu kiện hay gây rối an ninh trật tự”.

Vẻ như vừa nhớ ra một chuyện gì đó rất thú vị, Bí thư Chi bộ xóm đập hai bàn tay vào nhau rồi cất giọng: “Dân bản ở đây hay nói đùa ông Xinh có cái “đài Đảng” chạy bằng cơm trong người nên nói chính sách lọt tai lắm, nghe lời ông giờ người ta bỏ rượu nhiều rồi nhé. Nếu có uống say là đi ngủ chứ không phóng xe, gây rối nữa. Vùng này đường đèo, lại chưa có đèn đường, rất nguy hiểm nên cái công này của ông Xinh là cứu được nhiều người lắm”.

Với những đóng góp của mình, ông Ngô Văn Xinh đã được UBND tỉnh Thái Nguyên, huyện Võ Nhai tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng; giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương; gương mẫu chấp hành và hỗ trợ triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ươm hạt giống cho Đảng

Với những nỗ lực của ông Xinh, các đồng chí trong Chi bộ xóm Đồng Dong đã có ý muốn bồi dưỡng, giới thiệu ông vào Đảng. Tuy nhiên, bản thân ông Xinh lại từ chối vì những lý do thật đặc biệt. Nói về chuyện này, ông cho biết, trong tâm tưởng của ông luôn tâm niệm, người Đảng viên phải là người đạo đức trong sáng; gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiên phong trong mọi công việc của địa phương. Còn ông thì… “Năm 1998 khi lên định cư tại xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, tôi đã sinh nhiều con rồi. Đảng viên thì phải làm gương cho người khác chứ. Với lại, giờ tuổi tôi cũng đã cao nên muốn Chi bộ tập trung bồi dưỡng, xây dựng cho lớp trẻ phấn đấu” - ông Xinh vừa nói vừa vỗ vai anh Đào A Chu - một Đảng viên trẻ mà Chi bộ xóm Đồng Dong vừa kết nạp được.

Anh Đào A Chu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đồng Dong. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi mới học hết lớp 11, anh phải gác việc học tập lại để về giúp bố mẹ làm ăn kinh tế. Vốn là người năng nổ, hoạt bát, Chu tham gia rất nhiệt tình công việc ở địa phương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và được xóm làng tin yêu. Nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của một thanh niên trẻ “hiếm có” trong xóm, ông Xinh đã thường xuyên bảo ban, định hướng để Chu phấn đấu trở thành một Đảng viên. Nhờ lời giới thiệu của ông Xinh, cộng với những nhận xét khách quan của bà con dân bản, Chi bộ xóm Đồng Dong đã quyết định đưa Chu tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và sau đó kết nạp Đảng viên vào ngày 23.2.2019. Hiện tại, Chu đang là Phó Bí thư Chi đoàn và tham gia phụ trách công tác dân quân của xóm Đồng Dong.

Trò chuyện với tôi, anh Chu chia sẻ: “Bác Xinh là người mà bà con dân bản luôn tin yêu. Trước khi vào Đảng và cả bây giờ mình vẫn được bác Xinh giúp đỡ rất nhiều. Có những điều trong các nghị quyết, chính sách chưa hiểu thì vẫn thường hay hỏi bác. Thậm chí, trong công việc mình cũng trao đổi để tham khảo cách làm từ bác, làm sao để dân bản tin tưởng, quý mến”.

Tôi hỏi vui với anh Chu rằng “Vào Đảng rồi có thấy điều gì khác với bình thường không anh?”. Anh Chu khảng khái nói: “Khác nhiều chứ! Từ lời nói đến hành động của mình lúc nào cũng phải chuẩn chỉnh. Vì nếu mình làm việc sai trái thì bà con họ nói Đảng viên mà thế à. Khi đó thì mình nói người ta không nghe nữa”. Chia sẻ với tôi và các bác, các chú lãnh đạo xã, lãnh đạo xóm, anh Chu nói rằng rất muốn người dân ở Đồng Dong sớm thay đổi nhận thức trong làm ăn kinh tế cũng như loại bỏ được các hủ tục để có cuộc sống văn minh hơn. Anh chia sẻ: “Ở Đồng Dong bây giờ người dân đã bắt đầu biết làm mô hình kinh tế mới. Các hủ tục ma chay, cưới xin quá đà cũng không còn nữa. Thế nhưng việc tảo hôn thì vẫn còn tồn tại. Mà đây là điều pháp luật không cho phép. Bản thân các bạn tảo hôn tuổi còn quá trẻ sẽ chưa đủ chín chắn để làm cha mẹ, rồi mâu thuẫn vợ chồng. Do đó, mình rất muốn là sẽ sớm dẹp bỏ được vấn đề này”.

Nghe anh Chu nói vậy, đôi mắt ông Xinh ánh lên niềm tin vào thế hệ trẻ, tin tưởng đồng bào Mông ở Đồng Dong trong tương lai sẽ ngày càng phát triển tốt hơn. Ông Xinh vỗ vai anh Chu rồi cười và bảo: “Đảng viên thì phải gương mẫu, không được uống rượu say, không được đánh nhau, làm những điều tốt để đồng bào noi theo”. Nói rồi tất cả mọi người lại cùng nhìn nhau cười vang.

Lúc này đã là 8h tối, bà Sầm Thị Chợ cũng đã chuẩn bị xong bữa cơm tối với những món ăn dân dã để đãi khách đường xa. Tối đó, tôi nghỉ lại nhà ông Xinh - bà Chợ. Vừa xong bữa cơm tối thì điện thoại ông Xinh lại reo. Ông Xinh quay sang nói với vợ: “Có hộ lợn bị dịch tả châu Phi chết, tôi phải đi giúp họ ngay, kẻo họ không biết cách chôn lại lây thêm thì khổ”. Nói rồi ông lại tất tưởi đi ngay. Tôi quay sang hỏi bà Chợ: “Bác trai cứ đi suốt như thế, một mình bác tất bật từ sáng đến tối lo việc nhà có vất vả không ạ”. Nhưng câu trả lời của bà Chợ khiến tôi một lần nữa thật sự khâm phục: “Không! Lúc nào tôi cũng ủng hộ ông ấy đi làm việc chứ. Có lúc ông ấy nản vì nói mãi mà người ta không hiểu, tôi còn động viên ông làm thì một mình ông vất vả thôi, nhưng ông không làm thì Đảng không đến được với dân, nhiều người sẽ khổ. Thế là ông ấy lại đi”.

ĐÀO CẢNH