Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

Bài 2: Lách qua “cửa hẹp”

- Thứ Năm, 14/11/2019, 08:16 - Chia sẻ
Việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản của Việt Nam từ tiểu ngạch sang chính ngạch khiến doanh nghiệp cũng như các hộ nông dân vẫn còn lúng túng. Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng như hiện đã có 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đặc biệt, mới đây, việc doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu sữa tươi chính ngạch vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký tháng 4.2019 giữa Bộ NN - PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nông sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng lách qua “cửa hẹp”.

>> Bài 1: Cơ hội lớn để “chuyển mình”

“Bước ngoặt của nền nông nghiệp”

Theo Cục Thú y, Bộ NN - PTNT, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước, với trị giá gần 10 tỷ USD. Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45% tính đến năm 2025. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam.

Ngày 16.10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Thông báo số 156/2019 về “Các yêu cầu đối với công tác kiểm nghiệm kiểm dịch sản phẩm sữa nhập khẩu từ Việt Nam”, trong đó nêu rõ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành của Trung Quốc và căn cứ Nghị định thư ký tháng 4.2019 giữa Bộ NN - PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời sau một thời gian xét duyệt hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sữa Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức cấp mã giao dịch đầu tiên cho Công ty CP Sữa TH (TH Milk Joint Stock Company - thuộc Tập đoàn TH), cho phép TH xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa sang Trung Quốc theo Nghị định thư.

Như vậy, chỉ 6 tháng sau khi Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết, mở đường cho dòng sữa Việt xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân, Việt Nam đã có công ty đầu tiên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt của Trung Quốc.


TH là tập đoàn tiên phong xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc theo Nghị định thư ký tháng 4.2019
Nguồn: Báo Lao động Nghệ An

Nhìn nhận về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá “đây là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của nền nông nghiệp Việt Nam” nói chung và ngành sữa nói riêng trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc. Bởi sữa là ngành hàng xuất khẩu có những điều kiện khắt khe nhất. Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa tươi từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới; chứng tỏ tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi rất đúng hướng, với những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà còn đối với nhiều thị trường tiềm năng khác như Nhật, Canada, Mỹ…

Nhìn vào nội dung chính của Nghị định thư như đàn bò cung cấp sữa nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các điều kiện gồm không bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh (lở mồm long móng, nhiệt thán, lao bò...), không ăn thức ăn có bổ sung chất cấm; bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; đóng gói bằng bao bì mới theo tiêu chuẩn quốc tế..., PGS. TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho rằng, việc sữa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc lần này là một mốc son trong nỗ lực đàm phán của Chính phủ cũng như doanh nghiệp.

Ông Thắng chỉ rõ, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn với khoảng 1,4 tỷ dân. Song thực tế, sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng sữa chưa thực sự tạo dựng được niềm tin trong dân chúng. Trong khi đó, năng lực sản xuất sữa sạch của Việt Nam đang tăng lên, với nhiều thương hiệu đã vươn ra tầm thế giới. Do vậy, việc sữa tươi của Việt Nam thâm nhập được vào thị trường này thêm một lần khẳng định uy tín của ngành sữa nước ta. “Vấn đề là chúng ta sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội này ra sao?”, ông Thắng nói.

Đồng hành với nông dân

Đại diện Tập đoàn TH xác nhận, để có được thành công này là cả một quá trình xây dựng chiến lược bài bản phát triển thị trường Trung Quốc và phát triển đàn bò sữa, sản xuất, chế biến sữa chuẩn bị cho thị trường quốc tế. Hiện, tập đoàn sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á với quy mô đàn bò 45.000 con; phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn bò đạt 400.000 con. Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại Nghệ An hiện đã đạt công suất 350.000 tấn/năm (tổng công suất chế biến dự kiến là 500.000 tấn/năm). Với mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản trị, khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch là “bảo chứng” cho sản phẩm của doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng các quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Trung Quốc.

Hiện, tập đoàn đang nhân rộng trang trại chăn nuôi thông qua các dự án triển khai tại nhiều địa phương để bảo đảm cự ly phân phối, vận chuyển. Tuy nhiên, trong cả nước có nhiều vùng chăn nuôi bò sữa có tiềm năng đang được tổ chức sản xuất ở quy mô nông hộ. Từ góc nhìn chiến lược về phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế,  trong đó có Trung Quốc, lãnh đạo tập đoàn đã chủ trương đưa cả nông dân đồng hành, giúp họ tạo ra một ly sữa đồng nhất thông qua hỗ trợ về công nghệ, quản trị, thú y, giống và thức ăn.

Bên cạnh đó, từ năm 2015, doanh nghiệp này đã chủ động tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại Việt - Trung, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dưới 80% sữa (chủ yếu là sữa chua) sang thị trường Trung Quốc và đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch từ năm 2017.

Rõ ràng, từ kinh nghiệm của doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu chính ngạch sữa tươi vào Trung Quốc cho thấy, việc xây dựng một chiến lược bài bản, trong đó phải đồng hành với nông dân là một trong những điều kiện tiên quyết giúp nông sản Việt Nam lách qua “cửa hẹp” để thâm nhập được vào thị trường vốn rất tiềm năng song cũng khắt khe này.

Đan Thanh