Giấc mơ nào cho Sa Pa?

Bài 2: “Vượt tầm kiểm soát”

- Thứ Bảy, 07/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Đã gần 6h chiều vẫn chưa có phòng chuyên môn nào của UBND thị trấn Sa Pa tắt điện, khóa cửa. “Chuyện thường ngày ấy mà”, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa Trần Đức Việt nói. Không chỉ phục vụ 11 nghìn dân đang sinh sống trên diện tích 23,65km2 (gấp 4 phường cả về dân số, diện tích) và gần 3 triệu lượt du khách mỗi năm, 25 biên chế của ủy ban còn phải xoay xở với một Sa Pa đã và đang phát triển “vượt tầm kiểm soát” như thừa nhận của người đứng đầu thị trấn.

>> Bài 1: Vẫn có một Sa Pa lặng lẽ

Hành trình đến Sa Pa một thời có chút gì giống như trở về quá khứ với chuyến tàu đêm từ ga Hàng Cỏ, với phiên chợ cuối tuần rực rỡ váy áo của người Mông, người Dao, với những buổi chiều ngồi ở chân nhà thờ có thể nhìn rõ mây đi lên đi xuống trên những đỉnh đồi đỉnh núi xa xa, với những đêm mùa đông thị trấn tịch mịch trong giá lạnh...

Nhưng rồi tất cả đã vĩnh viễn mất đi kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thông tuyến giữa năm 2014 và cáp treo lên đỉnh Fansipan cùng một ngôi chùa giữa vườn quốc gia được xây dựng. Thị trấn bé nhỏ náo động trong một cơn sốt mới. Những công trường xây dựng phủ khắp mảnh đất vốn đã chật chội này. Hàng loạt khách sạn mọc lên bên sườn núi sườn đồi. Nhiều nhà vội vã cơi nới, cải hoán nơi mình ở thành homestay, nhà hàng. Tất cả chạy đua để kịp đón lượng khách du lịch tăng tới gần 25% mỗi năm và ước sẽ vượt 3 triệu lượt trong năm nay. Riêng hạ tầng cơ sở thì không đua nổi. Sa Pa loáng một cái không khác gì Hà Nội thu nhỏ. Những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, đường tắc từ cửa ngõ cho đến trung tâm thị trấn. Đỉnh điểm là chuyện thiếu nước sinh hoạt trước kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4 vừa rồi. Và thị trấn bắt đầu có những đứa trẻ người Mông ban ngày ôm nhau ngủ trên các đỉnh đồi, buổi đêm lang thang lẻn vào quán xá lấy trộm ít đồ lặt vặt…  

“Sa Pa đã phát triển vượt tầm kiểm soát, kéo theo đó là sự quá tải của đô thị Sa Pa trên nhiều phương diện”, Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đức Việt thừa nhận. Chuyện này không khó hiểu, cũng không đáng ngạc nhiên, nếu biết rằng dù Sa Pa từ lâu đã thật sự là một điểm du lịch cấp quốc gia nhưng quản lý thị trấn vẫn là một bộ máy chính quyền cấp xã. Có thể so sánh với Hội An để dễ hình dung hơn. Hội An được quản lý bởi chính quyền cấp huyện, được bảo vệ bởi những quy định về bảo tồn một di sản UNESCO, trong khi Sa Pa có vị thế quan trọng không kém Hội An, vị thế của một đầu tàu cho phát triển du lịch ở vùng Việt Bắc, nhưng lại chưa được quan tâm theo cách như vậy.

Thị trấn 75 năm tuổi nằm trên sườn núi Lô Suây Tông này có diện tích và quy mô dân số gấp hơn 4 lần quy định của một phường. Mỗi năm, 11 nghìn dân đón 2,7 triệu lượt khách du lịch (số liệu năm 2018). Trên diện tích 23,65km2 có tới hơn 500 cơ sở lưu trú với khoảng 9.000 phòng và gần 300 nhà hàng lớn nhỏ - nhưng chừng đó dường như chưa đủ nên các công trình xây dựng, các cơ sở lưu trú, dịch vụ, giải trí mọc lên không ngừng. “Vậy mà thị trấn chỉ được bố trí 25 biên chế cán bộ, công chức và 1 đồn công an, tương đương với bộ máy của 1 phường. Dù được tăng cường thêm 5 cán bộ biệt phái nhưng nói thực là chúng tôi không thể đảm nhận và giải quyết hết các công việc diễn ra hiện nay, nhất là việc quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường rất phức tạp, gian nan”, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa Trần Đức Việt cho biết.

Khi mô hình chính quyền và năng lực quản lý của bộ máy không theo kịp sự phát triển quá nhanh, hậu quả dễ thấy nhất là thị trấn có hàng trăm công trình vi phạm xây dựng, đất đai chưa kịp xử lý. Nếu ai đó nói chính quyền “thả lỏng” cho xây dựng và không theo nguyên tắc nào về quy hoạch đô thị, dù trước đây, đơn vị tư vấn quy hoạch của Pháp đã giúp họ một bản quy hoạch Sa Pa rất tốt theo hướng phát triển bền vững - thì chưa hẳn đã thỏa đáng và cũng mới chỉ là một chiều. Ở chiều ngược lại, làm cách nào 2 biên chế địa chính - xây dựng của thị trấn có thể quản nổi đại công trường này? “Ngày nào chúng tôi cũng phải tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép hoặc lấn chiếm hành lang vỉa hè, làm không xuể”, Lê Thanh Hải, 1 trong 2 biên chế phụ trách mảng địa chính - xây dựng của thị trấn Sa Pa tiếp lời, sau khi gọi điện thoại nhờ cô giáo đưa giúp con lớn về nhà vì vợ đang ở cữ. “Tôi hầu như không có ngày nghỉ, cũng không phải vì lãnh đạo bắt mà việc của mình chẳng đừng được”. Năm ngoái, quá mệt mỏi vì công việc, Hải viết đơn xin nghỉ nhưng anh em động viên “ráng ở lại chờ ngày Sa Pa lên thị xã, lúc đó thị trấn được tách thành 6 phường thì việc chắc cũng giảm chừng đó lần”, Hải kể.

Không phải lãnh đạo tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa không nhìn thấy trước cơ sự này. Từ năm 2008, tỉnh đã xây dựng và trình Đề án thành lập thị xã Sa Pa, bởi dự báo được rằng khi đường cao tốc kết nối Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sa Pa sẽ tăng trưởng mạnh và quá tải. Nhưng thời điểm đó, cả nước triển khai chủ trương thí điểm bỏ chính quyền HĐND cấp huyện nên Đề án thành lập thị xã Sa Pa bị dừng lại.

Sau 11 năm, Sa Pa vẫn chưa được công nhận là thị xã! Và giống như Hải, nhiều người khác cũng mòn mỏi chờ ngày Sa Pa có thể thoát khỏi cái thế đứng trước ngã ba đường. Một bên là sự quá tải, bất cập không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn về mô hình chính quyền đã và đang để lại những hệ quả không nhỏ. Một bên là mục tiêu xây dựng khu vực thị trấn Sa Pa mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, là trung tâm du lịch chính của Lào Cai, là động lực quan trọng đưa Lào Cai trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2030.  “Sa Pa trở thành thị xã sẽ là tiền đề cho việc quy hoạch đô thị du lịch đồng bộ khi đô thị Sa Pa được mở rộng hơn, quy mô hơn và có nhiều cơ hội phát triển về kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Khi có định hướng và quy hoạch tốt, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư hướng tới Sa Pa vì rất nhiều tài nguyên du lịch chưa khai phá hết”, ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch quốc tế Hải Sơn, người thường xuyên đưa khách du lịch trong nước và quốc tế đến Sa Pa, nói với giọng đầy hào hứng. Còn nếu không có mô hình chính quyền phù hợp, Sa Pa sẽ thành hình ra sao với tốc độ xây dựng và đô thị hóa như hiện nay, với một tương lai đầy tham vọng - khi đường cao tốc từ Lào Cai lên Sa Pa và sân bay 6.000 tỷ đồng trên đất Cam Cọn hoàn thành?

Hà Lan