Thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên:

Bài 2: Còn tình trạng "nợ" văn bản hướng dẫn

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 05:30 - Chia sẻ
Thực tiễn triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy, việc ban hành các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước nhìn chung còn chậm; còn tình trạng “nợ" văn bản… gây khó khăn cho việc thực thi hiệp định. Đây là vấn đề từng được các đại biểu Quốc hội nêu ra trên nghị trường khi xem xét phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVFTA). Trong khi đó, việc ban hành kịp thời các văn bản nhằm thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc thực thi có hiệu quả các cam kết trong FTA cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được hưởng lợi từ các hiệp định này.

Phần lớn văn bản hướng dẫn thực thi CPTPP đều chậm 

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, để kịp thời triển khai các FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, Chính phủ luôn kịp thời ban hành các văn bản pháp luật về các quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, biểu thuế các loại hàng hóa để hướng dẫn chi tiết thực thi cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp là văn bản chưa theo kịp yêu cầu hội nhập. Giám đốc Trung tâm Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, “nhiều đối tác nước ngoài phàn nàn với chúng tôi về công tác xây dựng, ban hành văn bản để thực hiện các FTA. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến CPTPP, bởi... 100% số văn bản ban hành chậm. Theo đó, Biểu thuế xuất nhập khẩu thực hiện CPTPP phải sau 7 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực mới được ban hành. Hay như Thông tư về C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cũng phải mất đến 11 tháng sau khi hiệp định có hiệu lực mới được ban hành”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Phó Trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với VCCI

Cũng liên quan đến CPTPP, Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, văn bản hướng dẫn thực thi chưa kịp thời so với thời điểm FTA có hiệu lực. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn thực thi mới chỉ dừng lại ở khâu "dịch hiệp định", chưa có hướng dẫn chi tiết cách hiểu và áp dụng của từng quy định vào tình huống thực tế trong xuất khẩu của doanh nghiệp, gây khó khăn trong thực thi cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, dẫn đến tỷ lệ tận dụng FTA thấp. Minh chứng cụ thể là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ CPTPP của ngành dệt may Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 0,03% sau 7 tháng hiệp định có hiệu lực.

Báo cáo của VCCI về Kết quả thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên phân tích, đối với nhóm các FTA truyền thống hoặc FTA thế hệ mới giai đoạn đầu, phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành đều là những văn bản ban hành mới để thực thi các cam kết thuế quan hoặc cam kết về quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi. Nhìn chung, các văn bản này được ban hành kịp thời, phù hợp với các cam kết, rõ ràng và chi tiết, bảo đảm việc thực hiện FTA trên thực tế. Các văn bản điều hành, quản lý nhằm thực thi các FTA nhóm này, nếu có, phần lớn chỉ là các vấn đề hợp tác cấp Nhà nước, không liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Do đó, không có vướng mắc phát sinh từ thực tiễn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, việc ban hành các văn bản để thực thi FTA nhóm này lại là câu chuyện khác. Cho tới nay, mới có CPTPP là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao có hiệu lực và tới đây sẽ có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8 tới. 

Đánh giá kết quả ban hành các văn bản để triển khai thi hành CPTPP một năm qua, báo cáo của VCCI nhận định, ngoại trừ các vấn đề về lao động, so với yêu cầu của các cam kết liên quan thì tất cả văn bản quy phạm pháp luật mà Việt Nam đã ban hành trong năm 2019 đều chậm hơn so với kế hoạch. Cụ thể, tính tới tháng 2.2020, ngoại trừ Nghị quyết 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP ngày 12.11.2018, mới chỉ có 7 văn bản hướng dẫn thực thi CPTPP được ban hành. Thậm chí, một số văn bản tới nay vẫn chưa được ban hành, ví dụ Nghị định đấu thầu thực thi CPTPP.

Cần chỉ rõ trách nhiệm

Trong Nghị quyết 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, các cam kết mở cửa thị trường, đầu tư trong CPTPP được liệt kê trong nhóm cam kết được áp dụng trực tiếp. Về lý thuyết không cần văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, các cam kết này rất phức tạp và hầu như không thể có cách hiểu thống nhất và có thể áp dụng ngay nếu không có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có trách nhiệm. Doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện nhiều băn khoăn liên quan tới việc thực thi các cam kết này do các cơ quan đăng ký kinh doanh ở địa phương không hiểu được các cam kết hoặc có cách hiểu khác với doanh nghiệp. “Xuất phát từ thực tế này cũng như các nguy cơ gắn với thực tế này, đặc biệt là nguy cơ phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, VCCI đã có kiến nghị với Chính phủ cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn về các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư CPTPP". Tuy nhiên, theo báo cáo của VCCI, "kiến nghị này chưa được tiếp thu”.

Về các văn bản điều hành, quản lý, CPTPP là FTA đầu tiên mà Chính phủ có Kế hoạch hành động thực thi CPTPP ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định. Theo Kế hoạch này, tất cả các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh) phải có kế hoạch thực hiện trong tháng 3.2019. Tuy nhiên, phải tới tháng 8.2019 yêu cầu này mới được hoàn tất, chậm 5 tháng so với kế hoạch.

Do các văn bản được ban hành chậm, có hiệu lực chưa lâu nên chưa có  nhiều phản ánh của doanh nghiệp đánh giá về thực tiễn thực thi hay về tính hợp lý, khả thi của quy định. Một số quy định nội luật hóa cam kết là quy định mới. Vì vậy, theo VCCI, sẽ cần các hướng dẫn cụ thể thì doanh nghiệp mới có thể thực hiện được, ví dụ các quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Mặt khác, công tác lập kế hoạch, chỉ đạo, điều hành của phần lớn các bộ, ngành, địa phương bị chậm nên việc triển khai các kế hoạch thực thi cũng chậm theo.

Đồng tình với các nhận định nêu trên, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ban hành các văn bản nhằm thực thi các FTA chưa bảo đảm kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, “một số văn bản chậm 1 - 2 tháng, một số chậm 5 - 6 tháng, thậm chí có văn bản chậm đến 11 tháng. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản là rất quan trọng vì đây là hành lang pháp lý để triển khai thực hiện các FTA”. Việc thiếu các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tận dụng thời cơ từ các FTA và làm ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện các FTA. Thành viên Đoàn giám sát cảnh báo, “nếu không sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi các cam kết trong FTA sẽ phải đối mặt với việc bị đối tác kiện do không thực hiện các cam kết trong FTA. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần làm rõ việc chậm ban hành văn bản nhằm thực thi các FTA để xem ảnh hưởng của nó đến đâu?”

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi không ban hành kịp thời văn bản. Cần mạnh dạn chỉ ra văn bản quy phạm pháp luật nào chậm và chỉ rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương nào, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh thẳng thắn.

Nhật An