Vietcombank vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ

Bài 2: Khách quan trong đánh giá, sử dụng cán bộ

- Thứ Tư, 30/09/2020, 14:27 - Chia sẻ
Khẳng định việc đánh giá cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định, Vietcombank đã đưa ra tiêu chí rất cụ thể để đánh giá tính hiệu quả của công việc, bảo đảm cho kế hoạch sử dụng nhân sự khoa học, đúng đắn.

Xác định rõ tiêu chí trong đánh giá cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải hiểu cán bộ; đánh giá chính xác cán bộ là việc khó, phức tạp. Người căn dặn, “trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”. Đồng thời, Người chỉ rõ, “xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, tất cả công việc của họ”. Theo đó, để đánh giá đúng cán bộ, phải căn cứ theo các tiêu chí và kết quả thực tiễn công tác của cán bộ.

Hình ảnh Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị
Hình ảnh Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Trên tinh thần phát huy và vận dụng tư tưởng trong đánh giá cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vietcombank đã triển khai xây dựng và vận hành hệ thống chính sách đãi ngộ người lao động và hệ thống đo lường đánh giá hiệu quả công việc (KPIs), thẻ điểm cân bằng. Đây là một trong những thông lệ quản trị tiên tiến nhất trên thế giới, đánh giá đầy đủ cá nhân, đơn vị trên các khía cạnh về chất lượng, khối lượng và hiệu quả công việc, bảo đảm đồng nhất. Hệ thống này có xếp hạng và ghi nhận sự cố gắng cũng như các lỗi xảy ra của cá nhân, đơn vị trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh.

Điều đặc biệt nhất là Vietcombank đã sử dụng KPIs là một yếu tố không thể thiếu của việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng thời gắn liền cơ chế tiền lương với các tỷ lệ hoàn thành kế hoạch. Các chỉ tiêu được Vietcombank đưa ra dựa trên hoạt động thực tế, mang tính khách quan và minh bạch để cán bộ, đảng viên, người lao động có thể hiểu được rõ nhiệm vụ của mình. Từ đó, gắn trách nhiệm của cá nhân với mức độ hoàn thành của đơn vị, song song với việc tự phát triển năng lực và sự nghiệp của cá nhân, tạo ra một vòng tròn khép kín, tạo động lực làm việc và giữ chân những cán bộ có năng lực, trình độ, có tâm với công việc.

Bố trí, sử dụng cán bộ đúng và khéo

Bố trí, sử dụng cán bộ là một khâu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiều luận điểm về bố trí, sử dụng cán bộ rất ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, dễ nhớ, dễ thực hiện. Người chỉ rõ phải bố trí “người nào việc nấy”, “phải bố trí cán bộ một cách cho đúng”, “phải khéo dùng cán bộ”.

Về việc sử dụng con người, với tôn chỉ đúng người, đúng việc, Vietcombank đã sáng tạo, phát huy và kết hợp công tác cán bộ với công tác đào tạo huấn luyện và công tác đánh giá cán bộ để tạo ra một kế hoạch sử dụng nhân sự khoa học, đúng đắn. Việc quy hoạch và bổ nhiệm phải thực hiện đúng theo nguyên tắc “Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xây dựng trên cơ sở quy hoạch cấp ủy đảng các cấp”. Từ đó, hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cấp Trưởng đơn vị tại Trụ sở chính và Giám đốc Chi nhánh/công ty trực thuộc có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, năng động, năng lực trong quản trị điều hành và năng lực thực tiễn.

Để có được đội ngũ lãnh đạo, quản lý kế cận, công tác xây dựng cán bộ nguồn được Vietcombank tập trung triển khai thông qua các chương trình bồi dưỡng, thực tập, thi năng lực, trao đổi kinh nghiệm thành công. Từ đó, một mặt tạo ra sự gắn kết giữa cá nhân và tổ chức, mặt khác tạo ra nguồn cán bộ kế cận tốt, vừa có tâm, vừa có tài, vừa có đức.

Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank không chọn biện pháp áp đặt mà hết sức sáng tạo, sử dụng văn hóa doanh nghiệp, truyền tải thông điệp về sự minh bạch, công bằng đồng thời đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến tất cả các cán bộ đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Với giải pháp này, từng cá nhân trong đại gia đình Vietcombank đều là những hạt giống, đều có tư tưởng chính thống và bản lĩnh chính trị để không mắc phải những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra. Với lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển, giá trị văn hóa của Vietcombank về môi trường minh bạch, công bằng, lấy yếu tố con người là trung tâm, lấy chủ trương của Đảng và Nhà nước là kim chỉ nam dẫn đường, luôn được coi trọng và được thực thi với các cấp độ từ quản lý đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (thứ 2 từ phải sang) vinh dự được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tạp chí Lý luận của Đảng”

Nhận thức được việc tạo ra những tấm lá chắn, những phương án giảm thiểu rủi ro không phải là gốc của vấn đề mà vấn đề ở đây chính là yếu tố con người, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank luôn luôn nhấn mạnh, truyền tải thông điệp, truyền tải về sự tự hào được đứng trong hàng ngũ cùng nhau xây dựng Vietcombank phát triển bền vững. Với cách làm này, đại bộ phận các cán bộ, đảng viên, người lao động Vietcombank luôn có tư tưởng, ý thức bảo vệ ngôi nhà chung và kịch liệt phản đối những trường hợp tiêu cực.

Mặt khác về công tác tổ chức, Vietcombank thành lập Ban kiểm tra nội bộ, tạo ra các kênh đối thoại để có thể nghe đầy đủ những vướng mắc, những sự vụ trên toàn hệ thống, có hộp thư tố giác công khai trên Website, từ đó Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank đưa ra biện pháp xử lý để ổn định hệ thống. Đây là một trong những hành động bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tăng cường công tác tư tưởng, lý luận; giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy lùi suy thoái biến chất “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực cho cán bộ, đảng viên.

Hồng Hải