Ngăn ngừa cháy nổ do sự cố điện: Đồng bộ quy định pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy

Bài 2: Người dân chủ quan, chính quyền buông lỏng

- Thứ Hai, 13/07/2020, 05:51 - Chia sẻ
Theo nhận định của cơ quan chức năng: Do chủ quan, bất cẩn, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật của người dân về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; cũng như việc buông lỏng quản lý, chưa chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy của các cấp ủy, chính quyền địa phương nên nhiều vụ cháy nổ điện đã xảy ra.

Sự cố đến từ bất cẩn, thiếu ý thức

Theo tổng hợp của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố cháy nổ điện là do người dân thiếu ý thức, chủ quan lơ là, sử dụng thiết bị không bảo đảm. Một trong những trường hợp điển hình về sự bất cẩn, thiếu ý thức trong việc sử dụng thiết bị điện phải kể đến vụ hỏa hoạn nhà chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh ở thôn Đông Long, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, Bắc Giang vào cuối năm 2019. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do chủ nhà sử dụng dây sạc điện thoại kém chất lượng, đã vậy lại để quên không rút dây sạc khỏi ổ cắm dẫn tới chập điện bắt lửa sang đồ dùng khác và cháy lan ra.

Khi người dân và cấp ủy chính quyền cùng quan tâm phòng cháy, chữa cháy sẽ góp phần hạn chế tối đa các vụ cháy lớn do điện xảy ra

Từ hoạt động kiểm tra, nghiệm thu việc bảo đảm an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn Hà Nội trong thời gian qua, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an TP Hà Nội, Thượng Tá Phạm Trung Hiếu thừa nhận: Có nhiều vụ cháy xuất phát từ việc các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sản xuất bất cẩn, thiếu ý thức. Nhiều trường hợp hộ gia đình sử dụng những thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn như bình nóng lạnh, đèn sưởi, điều hòa... nhưng việc bảo dưỡng thiết bị, đường dây, lắp hệ thống cầu dao tự ngắt không được thực hiện tốt dẫn đến chập, cháy. Nhiều người lơ là, không dập cầu giao, tắt thiết bị điện khi không sử dụng, hoặc khi ra khỏi nhà, ra khỏi phòng làm việc. Treo móc hàng hóa, vật dụng lên đường dây dẫn điện; để các chất dễ cháy như gas, xăng dầu, giấy, vải... gần đường dây và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang; quên rút phích cắm bàn là, quạt, lò điện...

Theo Phó Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải, các vụ phát sinh do chạm, chập điện ở các hộ gia đình, cơ sở kết hợp sản xuất kinh doanh đa phần do nguyên nhân chủ quan trong quá trình thiết kế, thi công, mua sắm vật tư thiết bị, sử dụng, sửa chữa bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp... của chủ cơ sở, nhà ở và là tài sản của khách hàng sử dụng, những vấn đề này nằm ngoài khả năng kiểm soát, phạm vi quản lý của ngành điện.

Nhiều cấp ủy chưa quan tâm 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện công an các địa phương nêu thực tế, các hành vi vi phạm hành chính phổ biến trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy và cháy lớn, nhưng mức xử phạt vi phạm chưa bảo đảm được tính răn đe. Do đó, xảy ra tình trạng cơ sở vi phạm quy định này xảy ra nhiều lần, thường xuyên, và cố ý không khắc phục dứt điểm các tồn tại. Bên cạnh đó, do chưa có các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể quy định áp dụng thực hiện đối với các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; chưa có các tiêu chí cụ thể về an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng như chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy như: kiến trúc, xây dựng, trang bị các thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy cho đối tượng này. Mặt khác, việc kiểm tra hệ thống điện chưa có thiết bị chuyên dụng, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như việc xác định hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong xử lý, vi phạm.

Phó Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), Bộ Công an Thượng tá Hoàng Ngọc Huynh cho rằng, nguy cơ cháy đến từ hệ thống điện trong nhà, công trình (đặc biệt là nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ…) không được thiết kế, lắp đặt, nghiệm thu theo đúng quy định rất cao. Ngay cả việc tự thiết kế, tự thi công hệ thống điện dẫn đến không phù hợp với tiêu chuẩn.

Đáng chú ý, công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền về công tác phòng cháy, chữa cháy có việc mới dừng lại ở ban hành văn bản chỉ đạo; việc kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá còn yếu nên hiệu quả thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, nhất là cấp phường, xã, thị trấn còn hạn chế. Dẫn chứng việc này, đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội cho biết: Trên địa bàn thành phố có 584 phường, xã, thị trấn, tuy nhiên, nhiều cấp ủy, chính quyền cấp này chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề sử dụng điện an toàn, chưa đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn tại các khu dân cư.

Tương tự tại Hải Phòng, các chợ hầu hết được hình thành trước khi có Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và đều do các ban quản lý được UBND các quận, huyện, phường xã, thị trấn thành lập, chỉ đạo để quản lý, khai thác kinh doanh hoạt động chợ nên việc xử lý khó khăn. Mặc dù, để khắc phục vấn đề này, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND về xử lý các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng do nguồn ngân sách thành phố, quận, huyện rất hạn chế và nhận thức của một bộ phận lãnh đạo các cấp, ngành còn chưa quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy nên chưa thực hiện các yêu cầu kiến nghị của cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Hệ quả là nhiều vụ cháy chợ đã xảy ra, đơn cử mới đây nhất vụ cháy liên hoàn 3 ki ốt  tại chợ Hỗ (xã An Hưng, huyện An Dương) của gia đình chị Trần Thị Lý, sau đó cháy lan sang các nhà khác là ví dụ điển hình.

Bài và ảnh: Hải Thanh