Bản quyền - rào cản trong hoạt động xuất bản

Bài 2: Phòng, chống trong... vô vọng

- Thứ Tư, 08/07/2020, 06:10 - Chia sẻ
Thực tế cho thấy, đối thủ nguy hiểm nhất của đơn vị làm sách không phải các cơ sở trong ngành, mà là cá nhân, tổ chức đang tiếp tay in, phát hành sách in lậu, phát tán sách không bản quyền trên mạng internet. Càng phòng, chống vi phạm này càng gia tăng, cuộc chiến của những người làm sách chân chính dường như vô vọng, bởi nhiều lý do.

Nỗi lo thường trực

Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam ngày một ngang nhiên lộng hành trên quy mô cả nước theo cả chiều rộng - số lượng sách giả trên không gian thật và ảo, cũng như chiều sâu - gia tăng mức độ tinh vi và hình thức vi phạm. Trước tình trạng này, nhiều đơn vị xuất bản đã có những phản ứng nhằm bảo vệ sách thật và quyền lợi của mình cũng như của tác giả, đơn vị sở hữu bản quyền, như: Tự kiểm tra xem sách của mình có bị vi phạm bản quyền hay không; thu thập thông tin, chứng cứ, nhận diện, lập danh mục sách bị vi phạm, báo cáo cơ quan chức năng...

Ngoài sách giả, vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan trên internet
Ảnh: Thảo Nguyên

Có đơn vị làm sách thậm chí bỏ công theo dõi, báo cho đơn vị chức năng bắt quả tang, lập biên bản cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm quá nhiều, bắt không xuể và rồi cũng... đâu lại vào đó. Thậm chí, đại diện NXB ĐH Oxford tại Việt Nam còn cho biết, có lần nhân viên nhà xuất bản đến làm chứng phân biệt sách giả, sách thật còn bị đe dọa tính mạng, nên sau đó chỉ gửi email chứng minh, không xuất hiện trực tiếp.

Bất đắc dĩ, có đơn vị như First News - Trí Việt, mong muốn cảnh báo thực trạng sản xuất sách giả nên kiên quyết kiện cơ sở in lậu (đã bắt quả tang 10 nghìn quyển sách giả) ra tòa, nhưng lại bị xử thua và phải nộp án phí với lý do “10 nghìn quyển sách đang làm giả đã bị bắt trước khi tung ra thị trường nên không hề gây bất cứ thiệt hại nào...”!

Cuộc chiến đấu chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản diễn ra nhiều năm nay, và đây vẫn là nỗi lo thường trực của các đơn vị làm sách. Chủ tịch HĐQT Công ty sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Từ ngày thành lập, chúng tôi suốt ngày đi chống sách lậu. Theo thống kê, có khoảng 150 cuốn sách bị vi phạm trong 12 năm, trung bình mỗi tháng có 1 cuốn sách lậu”. Ngoài sách in lậu, đơn vị này còn chiến đấu với cả sách được thay tên thành một cuốn khác, được nhà xuất bản cấp phép đàng hoàng (nhưng không có bản quyền), sách bị phát tán trên internet...

Lợi ích càng lớn, vi phạm càng tăng

Sau khi gia nhập Công ước Bern về sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật (26.10.2004), Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả và quyền liên quan đã được quy định và điều chỉnh tại Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong các quy định của các luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... Luật Xuất bản cũng khẳng định Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời có các quy định về bản quyền trong hoạt động xuất bản.

Nhìn chung, các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan được ban hành tương đối đồng bộ, có hệ thống, đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định trên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức về quyền tác giả, ý thức về thực hiện các quy định về quyền tác giả của các đối tượng tham gia quá trình này. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ là vấn đề khó khăn ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và internet.

Thực tế với xuất bản, vi phạm này ngày càng phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức: in lậu, làm nhái, in nối bản tác phẩm không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả; phát hành tác phẩm không có nguồn gốc hợp pháp, sử dụng sách của các nhà xuất bản nước ngoài để sao chép với số lượng lớn khi chưa có hợp đồng bản quyền theo quy định; xuất bản và phát hành những tác phẩm khi chưa có hợp đồng bản quyền theo quy định...

Bên cạnh đó, sự bùng nổ về công nghệ thông tin làm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản ngày càng trở nên nhức nhối. Sự tăng trưởng của ebook và phát triển đặc biệt lớn số lượng thiết bị đọc mà thực trạng vi phạm bản quyền lại gia tăng một cách đáng lo ngại. Hiện tại, hầu như toàn bộ xuất bản phẩm bán chạy đều bị sao chép, phát tán, thu lợi bất chính trên internet mà không đơn vị làm sách có thể ngăn chặn.

Theo ông Lê Thành Anh - Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng: Lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu mang lại quá lớn. Tổ chức, cá nhân tổ chức in lậu, làm giả, tiêu thụ xuất bản phẩm không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế; chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện thấp... nên sách lậu, giả có giá thành rất thấp. Bên cạnh đó, do hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn chưa bao quát hết thực tiễn. Chế tài, mức xử phạt vi phạm bản quyền còn thấp, không đủ sức răn đe, ngăn chặn kịp thời.

Những nguyên nhân trên, cộng với ý thức về bản quyền của nhiều độc giả, người sử dụng internet chưa cao đã làm cho tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản ngày càng trầm trọng. Những hành vi này không những làm hỗn loạn thị trường sách, ảnh hưởng tới đơn vị xuất bản và độc giả, làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn vi phạm Công ước Berne và các cam kết của nước ta khi gia nhập WTO, ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác kinh doanh, phát triển trong lĩnh vực xuất bản. Do đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm làm giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Thảo Nguyên