Nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri

Bài 2: Mời cử tri cùng xem xét trực tiếp việc giải quyết

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:18 - Chia sẻ
Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu gửi báo cáo sớm để các Ban HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ, lựa chọn được nhiều kiến nghị cần thiết để đi xem xét trực tiếp. Quá trình xem xét trực tiếp một số kiến nghị, bên cạnh mời các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện được phân công giải quyết, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp xã, các Ban HĐND tỉnh còn mời cả Trưởng thôn hay cử tri cùng xem xét trực tiếp việc giải quyết kiến nghị của cử tri… Qua nhiều kỳ giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc hơn và có nhiều đổi mới.

Thực hiện nghiêm túc, nhiều đổi mới

Trong kế hoạch giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND tỉnh gửi báo cáo sớm, giúp cho các Ban HĐND tỉnh có thời gian nghiên cứu kỹ, lựa chọn được nhiều kiến nghị cần thiết để đi xem xét trực tiếp. Nội dung kế hoạch giao cho Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các Ban HĐND lựa chọn nội dung, địa điểm, bố trí thời gian xem xét kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và thẩm tra báo cáo của UBND về giải quyết kiến nghị cử tri; các Tổ đại biểu HĐND xem xét trực tiếp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trên thực tế tại địa phương mình...

Các Ban HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch thẩm tra báo cáo của UBND về giải quyết kiến nghị cử tri và tổ chức đi xem xét trực tiếp một số kiến nghị, thành phần mời gồm: Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện được UBND tỉnh phân công giải quyết kiến nghị cử tri, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp xã, mời cả trưởng thôn hay cử tri cùng tham gia đi xem xét trực tiếp việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh xem xét trực tiếp từng nội dung kiến nghị; yêu cầu Tổ trưởng các Tổ đại biểu phát biểu và báo cáo giải trình của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Qua nhiều kỳ giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc hơn và có nhiều đổi mới. Kết quả giải quyết, trả lời sau mỗi kỳ họp được nâng lên, chất lượng hiệu quả hơn. Công tác tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau mỗi kỳ họp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc rút kinh nghiệm, chỉ đạo thực hiện bảo đảm kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, ngắn gọn hơn. UBND đã tổng hợp nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo từng lĩnh vực cụ thể; đã có sự đánh giá, phân loại sắp xếp đưa vào các biểu theo tiêu chí “đã được giải quyết” “đang tiếp tục giải quyết”. Số kiến nghị của cử tri được giải quyết kỳ sau cao hơn kỳ trước. Một số nội dung kiến nghị đang giải quyết (chưa xong) được UBND tỉnh đưa ra kế hoạch, lộ trình thời gian giải quyết cụ thể.

Thường trực HĐND tỉnhVĩnh Phúc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 14

Ảnh: Bích Phượng 

Tăng cường trách nhiệm của UBND

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri của một số Tổ đại biểu còn chưa rõ ràng, chính xác. Tỷ lệ kiến nghị được giải quyết xong dứt điểm vẫn còn thấp (các kỳ đều dưới 50%). Một số nội dung trả lời còn chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, không đúng trọng tâm cử tri yêu cầu, chưa bảo đảm tính thuyết phục; một số nội dung trả lời chưa xác định thời hạn, lộ trình giải quyết theo thẩm quyền. Một số kiến nghị còn kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa cao, chưa quyết liệt. Trong khi đó, công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát, nhất là giám sát chuyên đề việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND chưa được thường xuyên, tích cực.

Thực tế trên cho thấy, yêu cầu trước tiên đặt ra là cần nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân loại kiến nghị của cử tri. Tiếp đó, báo cáo kết quả giám sát phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng, chỉ rõ mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, xác định được nguyên nhân của từng kiến nghị cử tri, từ đó yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết. Trường hợp còn nhiều kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. Nội dung Nghị quyết về kết quả giải quyết việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải nêu rõ các kiến nghị, đề nghị giải quyết, quy định cụ thể thời hạn giải quyết.

Bên cạnh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri để người dân tham gia giám sát, hàng năm, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND xem xét tổ chức giám sát việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND về giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là những kiến nghị chưa được giải quyết của các kỳ họp trước. Các Ban, các Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhất là những kiến nghị ở đơn vị đã bầu ra mình.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của UBND tỉnh trong phân công, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan chuyên môn; đề cao tính trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc giúp UBND giải quyết kiến nghị của cử tri. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu không thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri được phân công. UBND tỉnh cần ban hành văn bản quy định về tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri do HĐND chuyển đến. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ban, ngành, địa phương, thời gian giải quyết, trách nhiệm người đứng đầu.

TRANG NGUYỄN