Phân cấp, phân quyền với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Bài 3: Mô hình nào, quyền lực ấy

- Thứ Tư, 07/08/2019, 08:57 - Chia sẻ
Một trong những bước tiến của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đó là đã phân biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị, phù hợp với từng loại đơn vị hành chính cũng như quy định rõ cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, sự phân biệt này mới ở mức độ nhất định và chưa đủ để tạo ra sự khác biệt cơ bản.

Mô hình tổ chức - điều kiện căn bản để phân cấp, phân quyền

Về nguyên lý, không thể có một mô hình thống nhất cho tất cả các địa phương. Tương tự như vậy, không phải địa phương nào, tỉnh nào cũng được phân cấp, phân quyền giống nhau, vì điều này còn phụ thuộc vào điều kiện, khả năng thực hiện ở từng địa phương. Nhưng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp, các địa phương gần giống nhau, trong khi lại áp dụng cho các đơn vị hành chính - lãnh thổ rất khác nhau (miền núi, hải đảo…). Như cách nói của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), bản chất là cơ cấu tổ chức bộ máy phải phù hợp với từng loại mô hình địa phương (nông thôn, đô thị, hải đảo). Nhưng hiện nay, chúng ta “tổ chức chính quyền 4 cấp như nhau”, cả về bộ máy, nhiệm vụ… Hiến pháp quy định, việc phân cấp, phân quyền được quy định bằng luật, nhưng thực tế trong các luật chuyên ngành liên quan đến chính quyền địa phương hiện nay đều chưa rõ.

Nhu cầu quản trị khác nhau, nhưng mô hình tổ chức lại giống nhau, cho nên đã dẫn tới không ít bất cập trong thực tiễn. Một trong số đó là vừa qua hàng loạt địa phương, nhất là các thành phố lớn, kiến nghị xin “cơ chế đặc thù”. Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia về bộ máy nhà nước thì kể cả các địa phương này có được cơ chế đặc thù nhưng tiếp tục thực hiện trong mô hình tổ chức chung như hiện nay, thì cũng sẽ không phát huy được. Bởi lẽ, trong trường hợp “tôi” giao thêm quyền, cơ chế cho “anh”, thì “anh” phải có mô hình thích hợp, đủ năng lực, tập trung nguồn lực để thực hiện việc phân cấp, phân quyền.

Một thực tế có lẽ ai cũng nhìn ra, đó là mô hình tổ chức ở đô thị khác với nông thôn. Mô hình đô thị tập trung nguồn lực ở cấp thành phố, vì tính chất liên thông của đô thị khác với nông thôn. Nhu cầu quản trị tập trung là rất lớn đối với đô thị, còn ở nông thôn lại không có nhu cầu quản trị tập trung mà chủ yếu là tự quản. Ví dụ, ở đô thị, một con đường chạy rất nhiều quận, huyện, hay một hệ thống đường điện, cấp nước là hạ tầng kỹ thuật chung toàn thành phố thì không thể quản lý theo kiểu chia cắt mỗi quận, huyện một đoạn được, mà đòi hỏi phải được quản trị tập trung. Tương tự như vậy, do tính chất dịch chuyển không xác định về dân cư, sinh sống ở quận này, nhưng làm việc, buôn bán ở quận khác, thì rõ ràng sự gắn kết của dân cư với chính quyền sở tại không như ở nông thôn, cho nên cần một hệ thống quản lý dân cư tập trung. Tất cả những ví dụ như thế để thấy rằng, ở đô thị đòi hỏi một mô hình quản trị tập trung, trước hết thể hiện ở việc tập trung nguồn lực. Có như vậy, mới thực hiện được liên thông, không bị phân tán về nguồn lực tài chính, nhân sự, tổ chức, phương tiện trang thiết bị…

Rõ ràng, tuy đã có bước tiến, nhưng Luật hiện hành mới là ở bước đầu. Yêu cầu thực tế đặt ra trong lần sửa đổi này, đó là cần đi sâu hơn nữa vào mô hình tổ chức, vì đây chính là một điều kiện để thực hiện căn bản việc phân cấp, phân quyền.

Cần cơ sở pháp lý để tiếp tục đa dạng hóa mô hình

Ngày 19.4.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 46-KL/TƯ về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Trong đó nêu rõ: Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của đề án do Thành ủy Hà Nội xây dựng. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây; UBND phường do UBND quận và thị xã thành lập; cán bộ, công chức cấp phường do quận ủy, thị ủy và UBND quận, thị xã tuyển dụng và bổ nhiệm. Mặt khác, cũng sẽ đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Theo nhận định lạc quan của các chuyên gia về tổ chức bộ máy nhà nước, thì đây là một bước để tiến tới xây dựng chính quyền đô thị (có thể một cấp hoặc hai cấp), như nhiều nước trên thế giới. Còn với “những người trong cuộc”, họ thấy rằng, thời gian qua, Hà Nội thực hiện công tác quản lý địa bàn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương áp dụng trên toàn quốc, mà không có sự quản lý đặc thù phù hợp... nên nhiều bất cập rất khó được tháo gỡ sớm. Và, như “chiếc áo đã chật”, thực tiễn đang đòi hỏi những mô hình quản lý mới để thật sự phù hợp hơn với sự phát triển lớn mạnh của Thủ đô.

Đương nhiên, đây mới chỉ là bước thí điểm, để hiện thực hóa được điều này ở phạm vi rộng hơn, cần có sự tổng kết, rút kinh nghiệm và đặc biệt cần tiếp tục có sự tháo gỡ vướng mắc về mô hình tổ chức. Đây là điều chưa được thể hiện trong nội dung sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này. Nói cách khác, mới “chỉ sửa một số điều mang tính chất kỹ thuật để bảo đảm tính tương thích với Nghị quyết của Đảng, còn sửa để điều chỉnh quy định bất hợp lý của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa đề cập tới”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định.

Mô hình tổ chức nói chung và mô hình chính quyền địa phương nói riêng là vấn đề chưa bao giờ dễ, nếu không muốn nói là rất phức tạp. Yêu cầu đặt ra là cần được tiếp tục nghiên cứu thật nghiêm túc, để có thể thực hiện một cách tốt nhất Nghị quyết của Đảng là phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, trên cơ sở đó hình thành mô hình thích hợp. Muốn vậy, trước hết phải làm rõ các nhu cầu về quản lý, quyền hạn, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, chứ nếu ấn định ngay một mô hình tổ chức, rồi “xào xáo” chức năng, nhiệm vụ sẽ không ổn, và hệ quả là chúng ta cứ bị “luẩn quẩn”, không thoát ra được. 

Vậy nên, mong muốn trong sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này là cần cố gắng đặt cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đa dạng hóa mô hình tổ chức, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cấp, vì hiện nay vẫn chưa rõ và còn tình trạng đùn đẩy. Cùng với đó, cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương hơn nữa, theo năng lực, đồng thời yêu cầu phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng năng lực chưa đáp ứng lại giao việc phức tạp.

Thanh Hải - Anh Thảo