75 năm giáo dục Việt Nam - từ chính sách đến thực tiễn

Bài 4: Kỳ vọng thế hệ công dân Việt Nam mới

- Chủ Nhật, 06/09/2020, 09:28 - Chia sẻ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh khắc nghiệt trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, đặt ra yêu cầu giáo dục phải đổi mới căn bản và toàn diện. Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 88/2014/QH13 và gần đây nhất là Luật Giáo dục 2019 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo ra thế hệ trẻ Việt Nam độc lập, có văn hóa và năng lực, hiểu rõ trách nhiệm với đất nước và tự tin hội nhập quốc tế.

Đổi mới căn bản và toàn diện

Theo GS. Hồ Ngọc Đại, thế kỷ XXI đòi hỏi một nền giáo dục lần đầu tiên có 100% dân cư đi học, việc học trở thành tự nhiên, trở thành sự sống bình thường. Nền giáo dục đó phải là tự học, không phải thầy giảng. “Việc học tự nhiên như ăn cơm, uống nước, đi chơi. Vấn đề tự học là quyết định. Người thầy  tổ chức cho học sinh tự học, tự học để học đâu được đấy, học đâu chắc nấy. Học được mới phát triển được”.

Sự phát triển bùng nổ của khoa học - công nghệ và nhiều lĩnh vực khác cũng đòi hỏi mỗi công dân phải có năng lực toàn cầu, năng lực xử lý công việc mau lẹ. Tại Hội thảo Giáo dục 2019 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu thực tế: Thế giới việc làm thời đại 4.0 con người cạnh tranh với robot trong một môi trường làm việc số hóa, tự động hóa. Để cạnh tranh được, người lao động không thể chỉ có các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể, còn phải có các kỹ năng nền tảng tương đối rộng để ứng phó với sự thay đổi và cả những kỹ năng làm người không thể thuật toán hóa, như giao tiếp, hợp tác, tư duy phê phán, sáng tạo, hiếu kỳ, kiên trì, bao dung. Điều đó bắt buộc giáo dục nghề nghiệp, và nhìn rộng ra là cả nền giáo dục của Việt Nam phải đổi mới.

Từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã vài lần đặt ra đổi mới giáo dục, nhưng lần này, Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện”, và Nghị quyết 88/2014/QH13 lựa chọn bắt đầu đổi mới từ chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, đổi mới chương trình, sách giáo khoa bản chất là tác động thay đổi giáo dục phổ thông, để tạo ra những công dân Việt Nam đủ tầm đáp ứng các yêu cầu phát triển, đồng thời tạo nền tảng tốt cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, từ đó tác động vào nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.

“Nghị quyết 88/2014/QH13 mục đích là có một nền giáo dục phổ thông tốt nhất để chuẩn bị đội ngũ người lao động Việt Nam có trình độ tốt. Không đơn giản là sửa chương trình, đổi sách giáo khoa, mà chúng ta đang nghĩ đến giáo dục phổ thông mới, chú trọng phát triển năng lực, phát huy thế mạnh của từng học sinh để trở thành những người công dân Việt Nam độc lập, có văn hóa, đạo đức và hiểu trách nhiệm của mình đối với đất nước, chứ không phải giáo dục phát triển đồng loạt tạo ra những con robot chỉ biết làm theo mệnh lệnh” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Lứa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới - Ảnh: Duy Thông
Lứa học sinh đầu tiên học chương trình, sách giáo khoa mới - Ảnh: Duy Thông

Quan trọng là tổ chức thực hiện

Năm học 2020 - 2021 này bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, với chương trình, sách giáo khoa mới được áp dụng cho lớp 1. Theo dõi quá trình chuẩn bị và những gì đã làm được đến thời điểm này (ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học, chọn sách giáo khoa lớp 1), GS. VS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, người tham gia xây dựng Nghị quyết 88/2014/QH13, nhận xét, quy trình biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình, sách giáo khoa đã được tổ chức bài bản, khoa học, dân chủ, chặt chẽ và hợp lý. Lần đầu tiên chúng ta nhận thức được chương trình phải có trước, sách giáo khoa biên soạn theo chương trình (trước đây là ngược lại).

Nội dung chương trình đã bám sát mục tiêu giáo dục là phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, thay vì thiên về truyền thụ kiến thức như trước. Đây cũng là tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 29-NQ/TW, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân; chú trọng năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…

Phải trao quyền cho nhà giáo và tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình - Nguồn: ITN

Theo PGS. TS. Chu Hồng Thanh, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 là kịp thời và đúng đắn. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết, thậm chí cần luôn đặt ra yêu cầu đổi mới để cập nhật nội dung, bảo đảm chương trình và sách giáo khoa luôn thể hiện tính tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học - công nghệ và sự biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại.

Tuy vậy, “đổi mới chương trình và sách giáo khoa không phải là yếu tố duy nhất và quyết định nhất. Bởi nếu không có đội ngũ giáo viên tốt thì không thể thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa”. Vì thế, PGS. TS. Chu Hồng Thanh kiến nghị, đồng thời với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa thì ngay lập tức và ưu tiên hàng đầu là phải có chính sách hợp lý để có đội ngũ nhà giáo chất lượng. “Không chỉ đặt lên vai nhà giáo trách nhiệm và nghĩa vụ, mà phải trao quyền cho nhà giáo và tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong một môi trường giáo dục tốt”.

Cùng với Nghị quyết 88, Luật Giáo dục 2019 được thông qua tạo thêm căn cứ pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, kỳ vọng của Quốc hội cũng như cử tri. Vấn đề còn lại là khẩu tổ chức thực hiện, để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.

“Quyết tâm thực hiện Nghị quyết 88 sẽ đổi mới giáo dục một cách bài bản”. Nhấn mạnh điều này, GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng, cần có kế hoạch rõ hơn tăng cường giáo viên và cơ sở vật chất cho những nơi khó khăn; tính toán kỹ hơn, có sự chuẩn bị để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhất là khi thực hiện với các khối lớp sau.

Nhóm PV Giáo dục