Hệ thống tiểu ban thuộc ủy ban nghị viện trên thế giới

Những tế bào nhỏ nhưng hiệu quả

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:37 - Chia sẻ
Mặc dù là đơn vị nhỏ nhất trong cơ cấu của Nghị viện, nhưng các tiểu ban đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình trong hoạt động chuyên môn của cơ quan lập pháp.

Thứ nhất, TB giúp hoạt động của UB ổn định hơn, khoa học hơn và giải quyết được nhiều công việc hơn. Với việc chia nhỏ công việc của UB thành nhiều mảng và giao cho các TB tương ứng, tất yếu nhiều công việc của UB có thể được giải quyết cùng một lúc mà không bị chồng chéo, trùng lắp. Hơn thế nữa, nếu duy trì được các TB thường trực trong cơ cấu UB qua các nhiệm kỳ thì công việc của UB sẽ được chuyển giao nên không bị gián đoạn khi bắt đầu khóa mới. Ngoài ra, một số UB ở Nghị viện các nước còn thành lập TB chuyên trách về Chương trình và Thủ tục. Đây cũng là một mô hình hay để giúp UB sắp xếp lịch công tác của lãnh đạo UB và của toàn bộ UB một cách khoa học.

Thứ hai, TB giúp hoạt động của UB được chuyên sâu, chất lượng hơn. Các thành viên của TB là những người cùng chuyên ngành, lại có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều năm nên việc trao đổi, thảo luận vấn đề sẽ thấu đáo, triệt để, toàn diện hơn; hơn nữa, lại có điều kiện làm việc tập trung, thường xuyên trong cả quá trình giải quyết công việc, nên chắc chắn chất lượng mang lại sẽ cao hơn.

Thứ ba, giúp thành viên UB vừa phát huy tối đa năng lực cá nhân vừa có điều kiện trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng; đồng thời, là cơ sở để xác định trách nhiệm cá nhân. Với cơ cấu TB gọn nhẹ, phạm vi nghiên cứu nhỏ, phù hợp với chuyên môn và cơ chế tham gia mở nên các thành viên có thời gian, điều kiện cống hiến, thể hiện hết quan điểm cá nhân của mình cũng như trao đổi, thảo luận kỹ về những vấn đề đang quan tâm. 

Tiểu ban An ninh Nội địa của Hạ viện điều trần về vấn đề biên giới  

Thứ tư, phát huy tính đại diện, dân chủ và huy động tối đa trí tuệ tập thể. Điều này được thể hiện qua nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số và công khai của TB. Đặc biệt, cơ chế mở cho phép sự tham gia của những người không phải là thành viên của TB hoặc của UB vào hoạt động của TB đã phát huy được tính dân chủ và huy động được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động của dự luật hoặc vấn đề lập pháp đang được xem xét.

Thứ năm, tạo sự đồng thuận và giải quyết tốt những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Vai trò này khá rõ nét ở các nước có sự tham gia của nhiều đảng phái và khi giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Rõ ràng là khi cần giải quyết những vấn đề hóc búa, nhạy cảm như về nhân sự, tài chính hay đời tư cá nhân liên quan đến tư cách đại biểu… thì ở TB sẽ có ưu thế, vì trong phạm vi ít người lại cùng chuyên môn nên có điều kiện nghiên cứu thấu đáo hơn, dễ chia sẻ hơn để mang lại sự đồng thuận.

Thứ sáu, tinh gọn bộ máy Nghị viện mà vẫn đảm bảo phạm vi, chất lượng hoạt động. Một thực tế là, nhu cầu, khối lượng công việc của Nghị viện ngày càng nhiều, nhất là khi nhu cầu kiểm soát đối với hoạt động của Chính phủ được đề cao. Nếu tổ chức Nghị viện thành các UB tương ứng với tổ chức Chính phủ thì bộ máy Nghị viện sẽ “phình to”. Việc tổ chức Nghị viện theo hướng giao cho một UB phụ trách một số ngành lĩnh vực tương đồng với phía Chính phủ, sau đó các UB sẽ tổ chức thành các TB (đặc biệt các TB thường trực) là cách thức giải quyết tốt nhất vấn đề này, đặc biệt đối với những Nghị viện hoạt động không thường xuyên.

Ths. Đỗ Tiến Dũng - Viện Nghiên cứu lập pháp