Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh

Bài 5: Bất cập từ thực hiện Nghị định 48

- Chủ Nhật, 30/08/2020, 06:55 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét ban hành nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, thì việc nghiên cứu thực hiện Nghị định 48 nhằm đánh giá các quy định pháp luật và thực trạng hoạt động của bộ máy giúp việc HĐND cấp tỉnh là yêu cầu cần thiết. Đây cũng chính là yêu cầu tổng kết từ thực tiễn nhằm góp ý xây dựng quy định mới phù hợp hơn, khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả của bộ máy giúp việc cho HĐND.

Chưa xác định rõ địa vị pháp lý

Về bản chất, cơ quan giúp việc cho HĐND là cơ quan (bộ phận) chuyên môn hành chính, nhưng ít khi được thể hiện ở các văn bản thuộc của cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong khi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có sự phối hợp, phân công và kiểm soát theo địa vị pháp lý chặt chẽ trong một chỉnh thể thống nhất, có thứ bậc hành chính, các văn bản pháp lý lại không quy định Văn phòng HĐND cấp tỉnh là cơ quan chuyên môn trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở cấp nào.

Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 Ảnh: Lê Hùng

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của HĐND có hiệu lực đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cơ quan tham mưu, phục vụ của HĐND các cấp. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật về cơ quan giúp việc của HĐND các cấp trên thực tế chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND.

Thiếu sót này dẫn đến mối quan hệ công tác giữa Văn phòng HĐND cấp tỉnh với các cơ quan chuyên môn khác ở địa phương không rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý. Nhiều hội nghị, nhiều ban tổ chức, ban chỉ đạo cấp tỉnh có nội dung liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của HĐND thì cơ quan chủ trì, hoặc cơ quan tham mưu “quên” thành phần Văn phòng HĐND. Điều đó vô hình tạo ra sự tách rời giữa cơ quan văn phòng với các cơ quan chuyên môn khác của cấp tỉnh. Vấn đề mối quan hệ giữa bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh với bộ máy giúp việc của cơ quan dân cử cấp trên (Văn phòng Quốc hội), hay cấp dưới (Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện) cũng không được giải quyết.

Hiện nay, không có văn bản nào quy định cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hoạt động của Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Trong khi đó, hoạt động chuyên môn của Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện, công chức văn phòng - thống kê của UBND cấp xã do Văn phòng UBND cấp tỉnh hướng dẫn.

Tổ chức, hoạt động chưa tương xứng yêu cầu thực tế

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 48, nhiệm vụ của Văn phòng HĐND cấp tỉnh khá bao quát để đáp ứng yêu cầu tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nhiều điểm mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Nhưng bộ máy giúp việc cho HĐND các cấp chưa bảo đảm để giúp việc được hoạt động của HĐND theo các quy định mới. Đơn cử như việc tăng cường đại biểu chuyên trách nhưng số biên chế để tham mưu, phục vụ cho HĐND lại không thay đổi, tăng cường thẩm quyền của Thường trực HĐND. Thực tế trong triển khai hoạt động của HĐND rất khó khăn bởi số chuyên viên thì thiếu, trong khi khối lượng công việc rất nhiều và nặng nề.

Khi thực hiện Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22.4.2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25.6.2013 của Bộ Nội vụ, với số lượng biên chế chuyên môn được giao khi xây dựng Đề án vị trí việc làm, một công chức của Văn phòng HĐND cấp tỉnh phải bao quát quá nhiều lĩnh vực, khung năng lực chuyên môn vị trí việc làm nên khó đảm nhận chuyên sâu theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chính vì sự phân bổ nguồn nhân lực như vậy, Văn phòng HĐND cấp tỉnh khó bảo đảm tính chuyên nghiệp, thông suốt và hiện đại; luôn có những yếu thế về năng lực nghiên cứu, tham mưu tổng hợp, còn nặng về yếu tố phục vụ.

Nếu so sánh với biên chế của Văn phòng UBND tỉnh thì thấy rõ sự bất hợp lý. Để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND, Văn phòng UBND tỉnh được thiết kế theo hướng tăng cường năng lực cho các phòng chuyên môn. Chưa kể, UBND tỉnh có hệ thống các cơ quan chuyên môn cấp sở với cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, thống nhất, mang tính chuyên sâu từng ngành, từng lĩnh vực. Như vậy, có thể thấy Nghị định 48 mới chỉ đáp ứng được tiêu chí tinh gọn tổ chức mà chưa chú trọng đến yêu cầu từ thực tế hoạt động, ảnh hưởng đến tâm lý hoạt động của HĐND trong tương quan với các cơ quan khác.

Không có chế độ, chính sách thu hút nhân tài

Từ thực trạng về cơ cấu tổ chức nên bộ máy giúp việc của HĐND gặp nhiều khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác. Hơn nữa, trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đội ngũ công chức giúp việc HĐND cũng ít được quan tâm hơn so với cơ quan chuyên môn của UBND. Một trong những nguyên tắc của công tác quy hoạch cán bộ là vừa “động” vừa “mở” nên khi làm quy hoạch lại rất ít khi, nếu không muốn nói là không quan tâm đến đội ngũ công chức của cơ quan giúp việc cho HĐND. Vì vậy, những công chức ưu tú của cơ quan tham mưu, phục vụ của HĐND chỉ giới hạn khép kín trong quy hoạch nội bộ cơ quan. Rõ ràng đây là những tác động không nhỏ đến tâm tư, sự giác ngộ và bản lĩnh công tác của đội ngũ công chức tham mưu, phục vụ cho HĐND.

HẢI LAM