Giấc mơ nào cho Sa Pa?

Bài cuối: Mô hình chính quyền nông thôn không còn phù hợp

- Thứ Hai, 09/09/2019, 08:02 - Chia sẻ
“Không ai muốn thay đổi thương hiệu du lịch thị trấn Sa Pa đã có từ trăm năm nay”, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa LÊ TÂN PHONG nói. Bản thân ông nghe tên gọi “thị trấn Sa Pa” cũng cảm nhận nó thơ mộng và bình yên hơn là “thị xã”. Vậy nhưng mô hình chính quyền nông thôn hiện nay không còn phù hợp trong việc quản lý đô thị và Khu du lịch quốc gia Sa Pa. “Thành lập thị xã Sa Pa là yêu cầu cấp thiết để phát triển và bảo vệ Tổ quốc từ bên trong, chứ không phải để cho oai”, Chủ tịch huyện Lê Tân Phong chia sẻ.

>> Bài 3: Đã có sẵn những nền tảng cần thiết

>> Bài 2: “Vượt tầm kiểm soát”

>> Bài 1: Vẫn có một Sa Pa lặng lẽ


“Biên chế, bộ máy của Sa Pa không phình ra sau khi lên thị xã. Cụ thể, Sa Pa sẽ giảm từ 18 đơn vị hành chính xuống còn 16, đồng thời giữ nguyên số biên chế, chỉ có điều, phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ. Nhân cơ hội này, Sa Pa sẽ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, lựa chọn những công chức đủ năng lực để đáp ứng được đòi hỏi của mô hình chính quyền đô thị”.

 

Chủ tịch UBND huyện Sa Pa 
Lê Tân Phong

Thực trạng đô thị nhưng chính quyền nông thôn

- Ông nói rằng Sa Pa lên thị xã không phải để cho oai, mà đây là yêu cầu hết sức cấp thiết để phát triển. Có thể hình dung như thế nào về tính cấp thiết này?

- Không phải bây giờ, chuyện thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã mới được nhắc đến. Năm 2008, tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa đã xây dựng Đề án này nhưng phải tạm dừng vì lúc đó triển khai thí điểm bỏ HĐND cấp huyện.

Ở thời điểm này, việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc càng trở lên cấp thiết. Một mặt, khu du lịch Sa Pa đã được Thủ tướng công nhận là Khu du lịch quốc gia. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Sa Pa trung bình khoảng 23,4%/năm, năm nay ước đón trên 3 triệu lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch tại Sa Pa luôn chiếm gần một nửa trong tổng lượng khách và doanh thu du lịch của toàn tỉnh. Mặt khác, quá trình phát triển của Sa Pa đang bộc lộ hàng loạt bất cập cần được giải quyết kịp thời để không trở thành lực cản trong tương lai, mà điều đầu tiên cần nói đến là sự quá tải của đô thị Sa Pa và bộ máy chính quyền. Mô hình chính quyền nông thôn của huyện Sa Pa hiện nay không phù hợp trong việc quản lý đô thị và Khu du lịch quốc gia Sa Pa.

- Sự không phù hợp đó biểu hiện ra sao, thưa ông?

- Để dễ hình dung, hãy nhìn thị trấn Sa Pa. Diện tích và dân số thị trấn tương đương 5 - 6 phường, lại đón mấy triệu du khách mỗi năm nhưng bộ máy quản lý vẫn là chính quyền cấp xã với 25 biên chế và 1 đồn công an. Có nghĩa bộ máy của 1 phường đang phải gánh công việc của 5 - 6 phường, thực sự quá tải. Năng lực quản lý không đáp ứng được dẫn đến vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng rất nhiều, tháo dỡ, cưỡng chế làm không xuể, vô cùng phức tạp và gian nan.

Huyện đã thành lập các tổ công tác và biệt phái cán bộ hỗ trợ thị trấn nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu không sớm chuyển đổi chức năng quản lý từ mô hình chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, tạo điều kiện để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn thì không gian kiến trúc và quy hoạch của Sa Pa sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Và tình trạng quá tải của bộ máy kéo dài còn ảnh hưởng đến quyền lợi và tài sản của người dân. Ví dụ người dân xây nhà trái phép, nếu mình có đủ năng lực kiểm soát ngay từ đầu thì sẽ đỡ thiệt hại cho dân, đỡ cả chi phí quản lý và giảm hệ lụy xã hội. Hơn nữa, như tất cả chúng ta đều thấy, hạ tầng đô thị của Sa Pa cũng quá tải như bộ máy chính quyền vậy.

Bảo vệ Tổ quốc từ bên trong

- Sự cấp thiết như ông phân tích là khá rõ. Tuy nhiên, Sa Pa hiện vẫn thiếu một số tiêu chuẩn để thành lập thị xã so với yêu cầu của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính?

- Đúng là hiện nay Sa Pa còn thiếu 2 tiêu chuẩn. Một là, theo Đề án thành lập thị xã Sa Pa, số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã mới đạt 37,5% (6 phường/16 đơn vị hành chính), trong khi Nghị quyết 1211 yêu cầu phải đạt từ 50% trở lên. Việc này tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung nguồn lực xây dựng để xã Mường Hoa và xã Tả Phìn hội tụ đủ điều kiện thành lập phường trong giai đoạn 2021 - 2025. Khi đó, thị xã Sa Pa sẽ có 8 phường và 8 xã, đáp ứng được tỷ lệ 50%.

Hai là, đô thị Sa Pa đã được công nhận đô thị loại IV, tuy nhiên phạm vi đô thị được công nhận là khu vực nội thị thuộc 6 phường (55,25 km2) lại không trùng với địa giới đơn vị hành chính toàn thị xã. Tôi muốn giải thích rõ thế này: Sa Pa có 449km2 rừng, chiếm 66% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý 210km2. Để Sa Pa phát triển bền vững mang tầm quốc tế thì đô thị Sa Pa phải được gắn với đô thị xanh, đô thị sinh thái, bảo tồn nét văn hóa riêng của các dân tộc địa phương. Bên cạnh đó, những vị trí đặc biệt quan trọng, xung yếu, được quy hoạch về quốc phòng, an ninh quốc gia cũng không được xâm hại và giới hạn không gian phát triển các công trình đô thị. Vì vậy, chúng tôi đề nghị không áp dụng việc đánh giá đô thị trên phạm vi toàn thị xã Sa Pa. Việc này Chính phủ đã đồng ý về chủ trương và năm ngoái Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1218/QĐ-BXD công nhận khu vực thị trấn Sa Pa mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ và UBTVQH cho áp dụng điểm a và điểm b khoản 2 Điều 31 của Nghị quyết 1211 để thành lập thị xã Sa Pa. Theo đó, đối với trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia thì việc thành lập đơn vị hành chính có thể được cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi đạt được những tiêu chuẩn tương ứng.

- Đề xuất áp dụng trường hợp đặc biệt cho Sa Pa dựa trên cơ sở nào thưa ông?

- Sa Pa có vị trí đặc biệt quan trọng, xung yếu về quốc phòng, an ninh của tỉnh biên giới Lào Cai và khu vực phòng thủ Quân khu 2. Theo các quyết định của Bộ Quốc phòng, toàn bộ 18 xã của Sa Pa đều là trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Đỉnh Fansipan là điểm cao nhất của Việt Nam được tổ chức lực lượng thường trực quan sát, sẵn sàng chiến đấu khống chế một vùng rộng lớn của tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đã có ý kiến tuy Sa Pa không ở vành đai biên giới nhưng có vị trí địa lý và tầm chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với an ninh, quốc phòng.

Hơn nữa, trong thế giới phẳng ngày nay, ảnh hưởng đến an ninh chính trị không nhất thiết cứ phải ở biên giới. Khách du lịch đến Sa Pa tăng trưởng nhanh, đặc biệt là khách nước ngoài đến từ khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị mà nếu chúng ta mất kiểm soát, họ có thể mang vào đây đủ tư tưởng văn hóa, trái thuần phong, pháp luật. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng các hoạt động thăm quan, du lịch… để khảo sát, thu thập thông tin tình báo, phát tán tài liệu tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật. Trong khi đó, Sa Pa có nhiều thành phần dân tộc, mặt bằng chung dân trí còn thấp, sống rải rác; năng lực của bộ máy chính quyền và lực lượng an ninh huyện hiện tại khó có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Vì thế việc trình thành lập thị xã Sa Pa theo trường hợp đặc biệt là phù hợp. Nếu bộ máy chính quyền không đủ mạnh thì sao đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ bên trong!

Không làm bất ổn đời sống người dân

- Vậy còn người dân, họ được - mất gì khi Sa Pa thành thị xã?

- Qua khảo sát, chúng tôi thấy người dân, doanh nghiệp cũng đồng thuận cao với việc thành lập thị xã Sa Pa. Việc thành lập thị xã trước mắt không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa... sẽ được quan tâm đầu tư đồng bộ để người dân tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ với điều kiện thuận lợi hơn, chất lượng tốt hơn. Các dự án hợp tác về kinh tế tạo nhiều cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa cũng giúp cho khu vực vùng sâu, vùng xa được đầu tư về mọi mặt từ giao thông đi lại đến đời sống vật chất và tinh thần.

Ở chiều ngược lại, các xã vùng sâu xa của Sa Pa vẫn còn nghèo, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách của Chính phủ. Lên thị xã thì một số chính sách an sinh xã hội do Trung ương hỗ trợ sẽ bị cắt giảm, ảnh hưởng đến kinh tế trước mắt của người dân.

- Sa Pa chuẩn bị cho việc này ra sao?

- Từ năm ngoái, chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho người dân bằng cách giảm các chính sách hỗ trợ cho không và chuyển sang cho vay để người dân thay đổi nhận thức, tính toán sử dụng đồng tiền có hiệu quả hơn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của họ, thay vì nhận trợ cấp mãi.

Tỉnh Lào Cai cũng sẽ dành ngân sách của địa phương, khoảng 75 tỷ đồng mỗi năm, để hỗ trợ các xã nghèo, đặc biệt khó khăn bảo đảm không làm bất ổn đời sống người dân. Trong vòng 3 năm sau khi thành lập thị xã sẽ giữ nguyên các thiết chế, chế độ, chính sách đối với trường học, trạm y tế, bệnh viện như hiện nay để ổn định việc học tập, khám chữa bệnh...

­- Định hướng phát triển của Sa Pa sẽ thế nào khi trở thành thị xã, thưa ông?

- Dù lên thị xã hay không thì lộ trình phát triển của Sa Pa vẫn như vậy. Đó là quản lý về không gian đô thị, quy hoạch và kiến trúc hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia. Song song với đó, ở khu vực nông thôn, việc quản lý không gian kiến trúc, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn văn hóa, thiên nhiên, bản sắc. Bên cạnh đó, Sa Pa cũng định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì du lịch là ngành trọng tâm, các ngành khác là vệ tinh. Đây là mục tiêu xuyên suốt, gắn với an sinh xã hội, bảo đảm môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Lan thực hiện