Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

Bài cuối: Quan trọng phải thay đổi tư duy

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:20 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc vốn có rất nhiều tiềm năng đối với nông sản Việt, để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, quan trọng là phải thay đổi tư duy từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Chỉ khi đó mới có cách làm phù hợp nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho nhóm hàng này.

>> Bài 1: Cơ hội lớn để “chuyển mình”

>> Bài 2: Lách qua “cửa hẹp”

Tiềm năng rất lớn

Mặc dù việc thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đang tạo ra nhiều thách thức đối với nông sản Việt Nam, song đây vẫn là thị trường rất tiềm năng.

Tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) và Bộ Công thương phối hợp tổ chức mới đây, khi nhìn nhận về tiềm năng của thị trường này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trung Quốc không chỉ với 1,4 tỷ dân mà GDP đầu người hiện nay là 11.000 USD - dung lượng thị trường cực lớn về nông sản. Đặc biệt, dự báo đến năm 2030, số triệu phú của Trung Quốc chiếm đa số trên thế giới. Điều này đồng nghĩa nhu cầu về các sản phẩm cao cấp cũng sẽ tăng lên, là cơ hội để Việt Nam tận dụng.

Thêm nữa, Trung Quốc đang tập trung cải cách nông nghiệp song quá trình đô thị hóa của nước này đang đạt 60% diện tích. Tỷ trọng nông nghiệp đang giảm rất nhanh khi phía Bắc và phía Đông chịu tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Việt Nam đã tái cơ cấu, đưa ra những sản phẩm tốt. “Một bên cần và một bên có. Các nhóm nông sản Việt Nam lại mang tính bổ trợ cho nông sản Trung Quốc. Năm 2018, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 22% giá trị nông sản đã chứng minh 2 bên cần nhau, bổ trợ cho nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên xác nhận, hiện thị trường xuất khẩu chính của rau, quả Việt Nam là Trung Quốc. Rau, quả Việt ngon, cùng với khoảng cách địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành sản phẩm rẻ… là điểm cộng rất lớn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. “Đây cũng là thị trường có nhu cầu rất cao trong việc tiêu thụ trái cây nhiệt đới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Chúng tôi có khảo sát doanh nghiệp của nước bạn, họ phản hồi rau, quả Việt rất ngon, chẳng hạn trái thanh long ruột trắng. Vấn đề làm sao để Việt Nam đưa hàng sang thật nhiều và đáp ứng đúng yêu cầu từ phía Trung Quốc”, ông Nguyên nói.

Thử nghiệm phần mềm truy xuất nguồn gốc quả thanh long Nguồn: Khoa học và Phát triển

“Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ cần tiêu chuẩn, quy chuẩn”

Vậy đâu là giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc?

Nhìn từ câu chuyện quả vải thiều - 1 trong 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là do doanh nghiệp không coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, tổ chức sản xuất theo đúng thị hiếu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bài bản, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) Lê Hoàng Oanh cho rằng, quan trọng là doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, giảm dần tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, nâng cao chất lượng, an toàn, mẫu mã sản phẩm; nắm chắc và tuân thủ quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc…

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên bổ sung, về phía Nhà nước cần đẩy nhanh việc đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, công tác này vẫn còn chậm. Đồng thời, Nhà nước cần đàm phán để tiếp tục mở rộng thị trường. Hiện, mới có 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (gồm thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, măng cụt), trong khi Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng xuất khẩu với các loại quả như bưởi, sầu riêng, bơ, dừa… Về phía người nông dân, cần đi theo hướng sản xuất an toàn (theo tiêu chuẩn VietGap, cao hơn là GlobalGap) để được đăng ký mã số vùng trồng. Về phía doanh nghiệp, phải đầu tư xưởng đóng gói sạch sẽ, đầy đủ phương tiện như kho lạnh, phòng lạnh có công nghệ bảo quản tốt; tăng cường tham gia các hội chợ thương mại rau củ quả để kết nối với doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó thúc đẩy xuất khẩu.

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp khuyến nghị, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố là Chính phủ, doanh nghiệp và các hợp tác xã, người nông dân; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Theo đó, Chính phủ đóng vai trò mở đường, có chính sách hỗ trợ chứ không phải bảo hộ, bằng cách đàm phán mở rộng thị trường, có chính sách hỗ trợ về giống cây con, đất, vốn… Doanh nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc công nghệ và chuyển thông tin thị trường tới hợp tác xã hoặc người nông dân để họ làm theo. Đồng thời, phải tổ chức sản xuất theo quy hoạch, mùa nào thức đó. Phải trả lời được các câu hỏi bán cho ai, thời kỳ nào, giá ra sao, vốn ở đâu?

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), cần phải tính đến việc thực hiện các yêu cầu ở mức cao hơn, từ tiêu chuẩn thị trường, tiêu chuẩn xã hội đến tiêu chuẩn quốc gia. Người nông dân phải tham gia vào chuỗi giá trị và liên kết với doanh nghiệp, tức phải liêm kết trong hợp tác xã. “Nông nghiệp nước ta đang trong tình trạng có dịch tả lợn châu Phi, giá gạo, cao su, cà phê, tôm giảm. Đã đến lúc phải tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách cơ bản, phải nâng cao giá trị gia tăng để hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị và vùng chuyên canh nông thủy sản”, ông Sơn đề xuất.

Cho rằng sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nội địa để hướng tới xuất khẩu không chỉ giúp phát triển bền vững trong nước mà còn để đạt chỉ tiêu Chính phủ đã đặt ra, bà Thái Hương - nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH (doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu sữa tươi vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký tháng 4.2019 giữa Bộ NN - PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc) nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không xin tiền mà doanh nghiệp yêu cầu Chính phủ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho các mặt hàng nông sản thực phẩm theo một tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ khi đặt ra những chuẩn mực khắt khe nhất mới giúp chúng ta phát triển bền vững hơn”.

Đan Thanh