Giáo dục nghề nghiệp - chìa khóa phát triển nguồn nhân lực

Bài cuối: Tâm thế và tầm nhìn

- Thứ Sáu, 30/08/2019, 07:38 - Chia sẻ
Ngày càng được quan tâm, hành lang pháp lý thuận lợi, nhiều chính sách là động lực thúc đẩy các trường nghề mạnh lên… mặc dù vậy, còn rất nhiều vấn đề gây khó cho các cơ sở đào tạo. Nhìn lại những năm qua, giáo dục nghề nghiệp dường như chưa có chiến lược xuyên suốt để phát triển.

>> Bài 4: Không “gọt chân cho vừa giày”

>> Bài 3: Quan hệ “con gà - quả trứng”

>> Bài 2: Có bột phải gột nên hồ

>> Bài 1: Lọt sàng nhưng chẳng xuống nia

Thiếu tâm thế nhập cuộc 

Từ khi chuyển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý (năm 2017), Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 49 văn bản; trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 80 văn bản. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tổ chức hoạt động đào tạo. Về nhu cầu nhân lực, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân phân tích: Mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu nhân lực tham gia thị trường lao động, 300 - 400 nghìn người nghỉ hưu, lao động tăng thêm khoảng 800 - 900 nghìn, năm nhiều thì 1 triệu và sẽ giảm dần theo tỷ lệ sinh. Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay cũng như xu hướng xuất khẩu lao động, với bài toán này, tương lai chúng ta có thể thiếu nhiều lao động.

“Có em từ tận Ninh Bình vào học ở trường nghề ở TP Hồ Chí Minh. Chuyện em khác đỗ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhưng không theo mà quyết định học trường nghề”. Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Tạ Văn Hạ nêu hai trường hợp trên để thấy nhận thức của người học về GDNN đang chuyển biến tích cực. Nói như vậy nhưng công tác giáo dục học để làm thầy vẫn là tâm lý khá phổ biến, gây khó khăn cho GDNN. Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ với UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái ví von: “Tôi nhớ có người so sánh, một bộ phận thanh niên giống như chàng lực điền ngủ quên trên đống tiềm năng. Có nghĩa là chúng ta có nền tảng mà thiếu đi sự năng động, nhạy bén, thiếu tâm thế nhập cuộc”.

Tâm thế nhập cuộc ở đây còn với chính công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, tình trạng thiếu và yếu nguồn nhân lực chắc chắn còn kéo dài nếu không có quyết tâm của hệ thống. Đơn cử, cơ chế phân luồng đặt ra chỉ tiêu, định hướng không thiếu, nhưng khi thực hiện lại rất kém. “Riêng công tác tuyên truyền, vận động học sinh học nghề, dự án đưa xuống giao cho ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai, nhưng kinh phí tuyên truyền ít, thành ra làm không đến nơi đến chốn. Rồi đặt vấn đề đào tạo gắn với thị trường lao động nhưng thực tế, phụ huynh chỉ quan tâm con em họ học xong ra trường có việc làm ngay không, lương tối thiểu bảo đảm không… Để thấy rằng, phải xác định vấn đề cốt lõi và tập trung cho nó, tránh tình trạng dàn trải nguồn lực, gây lãng phí”.


Thành công của giáo dục nghề nghiệp ở chỗ người vào học có thể chưa biết gì nhưng ra có nghề
Ảnh: Thái Minh

Thoát khỏi quán tính cũ

Báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về thực hiện chính sách về GDNN, UBND TP Hà Nội thẳng thắn thừa nhận: Trình độ học sinh đầu vào của các trường còn yếu và nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. PGS. TS Chu Hồng Thanh, chuyên gia, thành viên Đoàn giám sát phản biện: Thành công của GDNN ở chỗ người vào chưa biết gì mà học ra có nghề. Đáng lo là nhiều trường nghề cũng chạy theo bằng cấp, thậm chí quá đặt nặng tiêu chí trang bị chương trình để cấp cả bằng tốt nghiệp phổ thông mà bỏ quên mảng rất quan trọng là kỹ năng nghề nghiệp. “Một số cơ sở báo cáo rằng, chuyển sang GDNN, họ không đào tạo người thợ biết xây nữa mà dạy học viên biết quản lý, tổ chức xây dựng, trong khi chính dạy nghề là dạy cho người ta đi xây, làm cơ khí, chế tạo máy… Nếu chuyển từ dạy nghề sang GDNN mà chạy theo bằng cao đẳng, trung cấp, sơ cấp để nâng cao dân trí thì không ổn”.

Từ thực tiễn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Trần Hưng Đạo (Hà Nội) Nguyễn Duy Hưng nhận định, cái chưa được hiện nay không phải ở văn bản pháp luật về GDNN mà là sự thấu hiểu. “Qua quá trình tuyển sinh, đào tạo, tôi thấy xã hội chưa hiểu nhiều về Luật GDNN. Hơn 4 năm qua, GDNN vẫn còn quán tính cũ”. Nhưng xu thế mới không thể chấp nhận lối tư duy cũ, nhất là liên quan trực tiếp đến chất lượng nhân lực quốc gia. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Tạ Văn Hạ cho biết, khi góp ý Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông đưa ra một loạt giải pháp và nhấn mạnh phải chỉ ra chìa khóa cho GDNN phát triển. “Giống như tháo gỡ cho lúa gạo của nước ta những năm trước, chỉ cần một cơ chế thay đổi, kết quả là đất nước từ không có gạo ăn thành đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu lúa gạo. GDNN bây giờ phải làm được như vậy”.

Trong quá trình giám sát, nhiều đại biểu trăn trở về hướng đi của GDNN trong điều kiện không ít địa phương còn khó khăn về kinh tế - xã hội, về chuẩn bị nhân lực bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Triệu Thế Hùng cho rằng, bên cạnh tầm nhìn chung, ở phạm vi hẹp, các địa phương phải chuẩn bị tâm thế, xây dựng chiến lược, từ đó định lượng, dự báo nguồn nhân lực trong từng giai đoạn. “Chìa khóa phát triển chính là con người. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, trong 10 - 20 năm tới, có tới 75% việc làm hiện nay sẽ mất đi hoặc biến đổi thành các ngành nghề mới. Chúng ta cần đi tắt đón đầu, để đào tạo đúng và đủ, tránh kiểu “nhắm mắt đi đêm” như một số cơ sở nói rằng có gì đào tạo nấy”. 

Lê Thư