Dịch Covid-19 và gợi mở hành động của Chính phủ

Bài cuối: Bài toán quan trọng nhất là “tiền đâu mua vaccine?”

- Thứ Năm, 13/08/2020, 09:05 - Chia sẻ
Nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRẦN BẠT cho rằng bài toán quan trọng nhất của Chính phủ lúc này là: Tiền đâu để mua vaccine? "Đây là vấn đề sống còn trong mấy tháng tới, buộc Chính phủ phải sắp xếp từ bây giờ. Chỉ khi trả lời được câu hỏi đó, chúng ta mới tính đến việc chống dịch một cách tuyệt đối và nghĩ đến những vấn đề như tăng trưởng”.

Dịch quay lại, Việt Nam có còn hấp dẫn?

- Trong giai đoạn 1, với thành công khống chế dịch sớm hơn nhiều nước, Việt Nam được thế giới đánh giá cao, được kỳ vọng là điểm đến an toàn để thu hút đầu tư. Bây giờ dịch quay lại, liệu Việt Nam có còn sức hút với thế giới?

Nhìn lại một chút vào năm 1985 khi chúng ta đổi tiền, do không in kịp nên đổi 10:1 thay vì 1:1, đến nay chúng ta đã có một hệ thống tiền tệ mà nhiều người lúc đầu nghi hoặc giờ đã bắt đầu gửi tiết kiệm để lấy lãi.

Thêm nữa, chúng ta sống trong một thế giới mà không một nền kinh tế nào tồn tại được nếu những nền kinh tế khác đã “chết”. Các giải pháp tài chính tiền tệ, kể cả thị trường chứng khoán là công cụ hỗ trợ của nhân loại đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là tín hiệu để chúng ta có thể lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt

- Dịch bệnh càng có nhiều chu kỳ thì độ hấp dẫn của Việt Nam sẽ càng giảm so với trước. Tuy vậy, so sánh tương đối giữa các quốc gia hiện nay, vẫn có những tiên đoán tích cực về Việt Nam bởi cho đến hiện tại chúng ta vẫn là quốc gia chống dịch có hiệu quả hàng đầu thế giới. Do đó, có thể nói chúng ta vẫn an toàn so với nhiều nước.

Tuy vậy, cũng đừng lạm dụng quá việc đánh giá độ tích cực của Việt Nam để đưa ra các dự báo. Bởi lẽ, thành tựu cơ bản của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào các yếu tố "đến", nó tích cực bởi vì có nhà đầu tư đến. Còn nếu thế giới đổ vỡ hết, chẳng có ai đầu tư nữa thì dù chúng ta có thành tích gì cũng vô ích. Cho nên việc đánh giá triển vọng của Việt Nam buộc phải tỉnh táo, không đánh giá theo kiểu Việt Nam chống dịch tốt hơn thì hấp dẫn hơn.

- Hiện, Chính phủ rất quyết liệt với mục tiêu không để đứt gãy nền kinh tế, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ đặt ra mục tiêu khắc phục thì chính xác hơn. Không thể ngăn chặn hoàn toàn suy thoái kinh tế được! Chúng ta chỉ có thể hạn chế các suy thoái phù hợp với thực tế đời sống. Nói cách khác, chúng ta phải tìm cách để thoát khỏi tình trạng cùng kiệt do dịch bệnh gây ra.

- Quan sát những hành động của Chính phủ đến thời điểm này, theo ông, chừng đó có đủ để giúp chúng ta tìm được cách thoát khỏi tình trạng cùng kiệt do dịch bệnh tạo ra?

- Tôi cho rằng Chính phủ thông minh về mặt y tế và cũng khá thông minh về mặt hạn chế những tác hại kinh tế của dịch bệnh, còn hạn chế được đến mức nào thì phụ thuộc vào tiềm lực.

Tôi không có điều kiện để có thông tin về các dự trữ của Chính phủ cho nên rất khó để nói đến độ chắc thắng của các chính sách. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng việc dò dẫm tìm một lối thoát hẹp giữa hai kẻ thù đói kém và dịch bệnh là cách duy nhất không chỉ với Chính phủ chúng ta mà với cả các chính phủ trên toàn thế giới.

Covid-19 đã đẩy thế giới tới một cuộc vật lộn để lựa chọn đóng cửa nền kinh tế nhằm dập dịch hay tiếp tục mở cửa và phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh gia tăng. Thế giới đang học tập kinh nghiệm để chống cả kẻ thù dịch bệnh lẫn kẻ thù đói kém cùng với sự nỗ lực của giới y tế để tìm kiếm lối thoát cho việc chữa bệnh và phòng bệnh. Thế giới đang rất tích cực trong phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng rất lúng túng (bất cứ dịch bệnh nào cũng gây ra sự lúng túng cho nhân loại, mức độ lúng túng lệ thuộc vào quy mô dịch bệnh). Do vậy, nếu chúng ta có nhìn thấy sự lúng túng trong một số biểu hiện của Chính phủ hay lãnh đạo các địa phương thì chớ trách họ, bởi vì sự lúng túng này “mang tính toàn cầu”.

Chính sách hỗ trợ cần dựa trên nghiên cứu

- Ông từng chỉ ra rằng thói quen tiết kiệm của người dân sẽ giúp phục hồi kinh tế. Nhưng nếu người dân buộc phải tiêu đến những đồng tiết kiệm của mình do dịch bệnh thì phải chăng kinh tế khi đó sẽ khó phục hồi hơn?

- Càng những lúc khó khăn người ta càng tằn tiện, không dám tiêu hết tiền và cũng chưa có cơ hội để tiêu hết tiền cho một đợt dịch.

Thực tế, người Việt vẫn đang tằn tiện bằng cách về nước chữa bệnh bởi vì chi phí để chữa Covid-19 trong nước rẻ hơn hoặc được Nhà nước tài trợ. Sự tằn tiện ấy là nguồn gốc của sự để dành và thậm chí còn là nguồn gốc của kiều hối. Khi nào kiều hối vẫn còn gửi về thì tức là người ta vẫn tiếp tục tằn tiện. Tằn tiện chính là cách để người ta bảo đảm đời sống hằng ngày trong mỗi gia đình.

- Thói quen tằn tiện của người dân sẽ góp phần phục hồi kinh tế nhưng Chính phủ cũng phải tính đến những chính sách hỗ trợ để nền kinh tế không bị đứt gãy chứ, thưa ông?

- Trong đợt dịch trước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chính phủ có nghĩa vụ phải làm những việc như vậy. Tuy nhiên, hoàn cảnh cấp bách lúc đó khiến các chính sách hỗ trợ khá vội, giống như mấy thùng nước cứu hỏa được tưới một cách vội vã vào những đám cháy để dập lửa.

Còn bây giờ, cuộc sống đang cháy âm ỉ mà nước thì hiếm cho nên phải tính toán xem tưới như thế nào để hiệu quả. Muốn vậy, Chính phủ phải dựa trên kết quả phân tích và nghiên cứu kỹ lưỡng của các cơ sở nghiên cứu để làm chính sách. Để có sự nhạy cảm chính trị trong những lúc như thế này, cần tính toán rất cụ thể chứ không chung chung được, cũng không thể dựa trên sự thúc giục của các cơ quan xúc tiến.

Chúng ta đừng sợ chính sách sẽ ra trễ, bởi lẽ các cơ sở toán học hoàn toàn giúp xây dựng sớm các mô hình chống khủng hoảng. Đấy chính là nội dung của phát triển khoa học trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Có thể phát hành trái phiếu để mua vaccine

- Ở thời điểm này, dưới góc nhìn kinh tế, Chính phủ phải giải quyết vấn đề gì mang tính cốt lõi, thưa ông?

- Một Chính phủ muốn có ích lâu dài thì buộc phải nghĩ đến việc chăm lo tăng trưởng xã hội, tăng trưởng nhận thức của xã hội, làm cho xã hội ngày càng ổn định hơn, an toàn hơn chứ không phải chỉ lo tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chỉ là một phần việc của Chính phủ. Chính phủ cần phải kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với ổn định nhiều mặt khác của xã hội, kể cả ổn định chính trị. Tuy nhiên, đến nay, phải thừa nhận là khi thực thi các vấn đề đã được nhận thức thì Chính phủ đều gặp bài toán kinh phí nên đôi khi chúng ta cảm thấy Chính phủ nói nhiều hơn hành động.

Lúc này, bài toán quan trọng nhất của Chính phủ là: Tiền đâu để mua vaccine cho gần 100 triệu dân? Đây là vấn đề sống còn trong mấy tháng tới, buộc Chính phủ phải sắp xếp từ bây giờ. Chỉ khi trả lời được câu hỏi đó, chúng ta mới tính đến việc chống dịch một cách tuyệt đối và nghĩ đến những vấn đề như tăng trưởng.

- Ông có thể gợi mở cách để Chính phủ có tiền mua vaccine?

- Chúng ta có thể làm theo cách mà một số nước đã làm, đó là phát hành trái phiếu Chính phủ ở thị trường quốc tế hoặc trong nước. Bởi kinh tế trì trệ như thế này sẽ dẫn tới hiện tượng ế tiền trên thế giới, trong khi đó Việt Nam đang có uy tín, đang có những thành tích ở mức khả quan trước dịch bệnh nên sẽ có nhiều cơ hội để huy động nguồn tiền này. Về mặt nghiệp vụ cụ thể tôi tin rằng trong xã hội có những chuyên gia giỏi có thể giúp Chính phủ đưa ra sáng kiến xử lý bài toán này.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Vũ Thủy thực hiện