Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư

Bài cuối: Hướng dẫn rõ ràng, cụ thể

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:19 - Chia sẻ
Để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện đúng Luật Phòng, chống tham nhũng, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể, những việc doanh nghiệp nên làm để quản lý rủi ro tham nhũng và thiết lập cơ chế phòng vệ hợp lý. Đồng thời, thiết lập kênh tiếp nhận hiệu quả phản ánh của doanh nghiệp về bất cập, nhũng nhiễu từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ thực thi công vụ.

Yếu kém trong quản trị

Hoạt động kiểm soát nội bộ và việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp là một trong chuỗi các mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi các mắt xích của quản trị doanh nghiệp và là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu rủi ro, phát hiện gian lận và bảo đảm sự tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm soát nội bộ và tuân thủ quy tắc ứng xử cũng như phòng chống tham nhũng, tăng cường liêm chính trong kinh doanh tại không ít doanh nghiệp ở Việt Nam chưa tốt... Hệ quả là nhiều vụ việc liên quan tới tham nhũng, gian lận nghiêm trọng ở Việt Nam như: Vụ án Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty Minh Ngân và hàng loạt các vụ án liên quan khác... đã được phát hiện.

Chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng tham nhũng tại khu vực tư, chuyên gia UNDP tại Việt Nam Đỗ Thanh Thủy cho rằng: Xuất phát từ sự yếu kém trong quản trị công ty, nói cách khác là hoạt động kiểm soát nội bộ chưa phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý gian lận, sai sót. Tại các công ty có quy mô lớn, vai trò của ban kiểm soát hoạt động còn khá hình thức, chưa thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ yêu cầu cao về tính độc lập mà thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào hội đồng quản trị và ban điều hành. Các báo cáo vi phạm trong quản trị doanh nghiệp vừa qua đã phần nào khẳng định hầu hết vụ việc xảy ra là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ yếu kém, thiếu minh bạch. Tại các công ty nhỏ và vừa, do thiếu nguồn lực tài chính và nhận thức còn hạn chế nên hầu hết doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú trọng thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ hoặc không có điều kiện tuyển dụng, trả lương nhân sự chuyên trách bộ phận tuân thủ pháp lý vào làm việc trong doanh nghiệp.

Do đó, để phòng chống tham nhũng, chặn “vòi bạch tuộc” công - tư thông nhau, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực nhà nước hay các hiệp hội cần nhận thức tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng để từ đó chủ động thực hiện trong cơ quan, đơn vị; đồng thời có các quy định rõ ràng trong điều lệ, quy định của doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về các trách nhiệm ấy. Ngoài ra, chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ. 

Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức  

Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực tư

Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Sitara Syed hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài Nhà nước, tuy nhiên, việc thực thi Luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Chính phủ mà cả của các doanh nghiệp.

Xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, ngày 20.11.2018, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Một trong những nội dung mới của luật và nghị định trên được dư luận rất quan tâm là đã mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội.

Theo nhận định của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng ở khu vực này là yêu cầu tất yếu. Việc phòng chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư và phòng chống tham nhũng trong khu vực tư cũng chính là để phòng chống tham nhũng trong khu vực công.

Từ thực tiễn trong tiếp xúc, khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp dân doanh qua các chương trình, dự án nghiên cứu về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đại diện VCCI cho biết: Trên thực tế, công tác phổ biến các quy định phòng chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, nhất là ở khu vực tỉnh lẻ, vùng xa. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi phản ánh bất cập, nhũng nhiễu từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ thực thi công vụ do thiếu vắng những đường dây nóng ở các địa phương.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện đúng Luật Phòng, chống tham nhũng, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể, những việc doanh nghiệp nên làm để quản lý rủi ro tham nhũng và thiết lập cơ chế phòng vệ hợp lý. Doanh nghiệp phải được trang bị kiến thức, năng lực xử trí tình huống, biết cách vận hành và làm việc sao cho hiệu quả thay vì chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện "lo lót" để có người "đỡ" mình.

Bài và ảnh: Hải Thanh