Lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam

Bài cuối: Lấp đầy khoảng trống

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:40 - Chia sẻ
Sự thiếu tiếng nói từ những nhà lý luận, phê bình xuất sắc đang đặt ra không ít thách thức cho chiều hướng phát triển, hội nhập với thế giới của mỹ thuật Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào tạo nên nguồn lực, lấp đầy “lỗ hổng” của ngành lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay.

Sứ mệnh san vai

Xu thế của mỹ thuật đương đại Việt Nam người trẻ ngày càng nhiều, và sứ mệnh đã sang vai thế hệ 7X, 8X, 9X rồi. Đáng tiếc trong lớp ấy cũng chưa có tiếng nói phê bình của chính thế hệ mình. Đó là thiệt thòi lớn, vì đôi khi người đi trước cũng có hạn chế khi nhìn về khuynh hướng sáng tác của người đến sau”. Chỉ ra như vậy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng, nghệ thuật nói chung, và trong lĩnh vực lý luận, phê bình mỹ thuật nói riêng, câu chuyện “nhịp đôi” giữa lý luận, phê bình và sáng tạo luôn khó cũ, có điều, để lấp đi khoảng trống của lý luận, phê bình trong ngành mỹ thuật hiện giờ thực sự khó khăn.

Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình đang đặt lên vai người trẻ. Bằng sức trẻ, họ có điều kiện hòa mình vào trào lưu đổi mới, tiếp cận tác giả, tác phẩm, được sống trong không khí học thuật hiện đại. Trong bối cảnh lý luận, phê bình mỹ thuật tỏ ra lúng túng, lạc hậu so với thực tiễn sáng tạo, áp lực đặt ra trong đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình trẻ càng lớn. Thách thức trước hết ở công tác đào tạo tại các trường đại học. Tuy nhiên, đi ngược với những đòi hỏi cấp thiết, vài năm trở lại đây, thực trạng tuyển sinh của các khoa lý luận, phê bình mỹ thuật đặc biệt khó khăn. Tính ra hằng năm, mỗi cơ sở đào tạo mỹ thuật chỉ có một vài hồ sơ đăng ký dự thi, thậm chí không thể tuyển được sinh viên ngành này. Đơn cử Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2019, chỉ có 3 thí sinh đăng ký thi tuyển ngành Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật (đợt 1 không có thí sinh nào). Năm nay, theo danh sách đăng ký dự thi tuyển sinh đại học cập nhật đến thời điểm này, cũng chỉ vỏn vẹn 5 thí sinh đăng ký vào ngành Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật của trường. Do đó, các cơ sở đào tạo mỹ thuật ngoài cố gắng duy trì mã ngành, còn cần tính toán giải pháp lâu dài hơn.

TS. Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Hiện tại, đối tượng tuyển sinh của các trường vẫn là học sinh tốt nghiệp THPT. Nên mở rộng và hướng tới đối tượng sinh viên đã tốt nghiệp một số chuyên ngành gần như báo chí, văn học, lịch sử hoặc sáng tác mỹ thuật theo ngành này”. Một nhà phê bình chuyên nghiệp phải là người có tầm nhìn rộng, có tính bao quát mọi khía cạnh nghệ thuật, không chỉ hiểu sâu về nghệ thuật Việt Nam mà còn phải có kiến thức tổng quan về nghệ thuật thế giới... Do đó, câu chuyện số lượng chỉ là một phần, quan trọng hơn, đào tạo lý luận, phê bình không chỉ là truyền đạt kiến thức căn bản.

Nói cách khác, “lỗ hổng” đầu tiên cần được lấp đầy trong đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật là liên tục cập nhật, bổ sung những kỹ năng đa phương tiện, cũng như đặt ra vấn đề về mỹ thuật đường phố, mỹ thuật cộng đồng, quản lý nghệ thuật... Theo TS. Đặng Thị Phong Lan, đó chính là bước đi quan trọng để củng cố và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay, giúp họ thực hiện tốt sứ mệnh đồng hành với sáng tác, bắt kịp những chuyển dịch nhanh, mạnh của đời sống mỹ thuật.

Lý luận, phê bình mỹ thuật là cầu nối giữa tác phẩm và công chúng  

Không chỉ là đào tạo

Vấn đề của lý luận, phê bình mỹ thuật không chỉ nằm ở đào tạo, mà còn phụ thuộc vào điều kiện, môi trường hoạt động. Thực tế, phê bình báo chí đang lấn át phê bình học thuật, diễn đàn cho lý luận, phê bình học thuật không nhiều... Xuất bản phẩm về lĩnh vực này ở tình trạng khiêm tốn, còn các cơ quan truyền thông, báo chí Việt Nam lượng thông tin về mỹ thuật chủ yếu nằm rải rác trên các chuyên trang văn hóa. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, “đứng trên khía cạnh nghề nghiệp, mưu sinh, ngành lý luận, phê bình chưa thể tạo nên động lực cho các nhà lý luận, phê bình chuyên tâm theo nghề đến cùng”.

Giải pháp được nhiều người đưa ra hiện nay là mở rộng môi trường hoạt động lý luận, phê bình. Vấn đề này bắt đầu từ chính các cơ sở đào tạo mỹ thuật, để nơi đây không những cung cấp nhân lực chuyên môn, mà đồng thời là trung tâm hoạt động nghề nghiệp, giữ vai trò cho sự sống còn của ngành. Ngoài ra, theo PGS. TS. Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: “Cần có thêm những diễn đàn lý luận phê bình mỹ thuật chính thống đặt dưới sự bảo trợ của Nhà nước hoặc các tổ chức của mỹ thuật như Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội văn học - nghệ thuật các vùng miền... Mặt khác, do nội lực của đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình còn yếu, nên cần tăng cường hoạt động triển lãm, diễn đàn giao lưu, học hỏi giữa mỹ thuật trong nước và quốc tế, từ đó tạo đà cho lý luận, phê bình Việt Nam năng động, phát triển”.

Khuyết thiếu của công tác lý luận, phê bình mỹ thuật cũng đặt ra nhu cầu về một hệ thống tài liệu nghiên cứu mang tính công cụ căn bản. Trong khi hệ thống tài liệu ở trong nước chưa thực sự đầy đặn thì có thể đầu tư cho dịch thuật, xuất bản các ấn phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, theo giới mỹ thuật, quan trọng là người làm công tác lý luận, phê bình cũng phải tự trang bị những nền tảng nhất định, luôn cập nhật kiến thức, thoát khỏi quan niệm thô giản phê bình là khen - chê... Đồng thời, họ phải chấp nhận lý luận, phê bình mỹ thuật là một ngành không dễ dàng, chưa nói là đầy thách thức và áp lực từ xã hội. Như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng nhận định: “Đối với mỹ thuật, loại hình nghệ thuật không gian và thị giác thì dùng lời thế nào cũng sai. Tâm lý thường tình của các tác giả là các bài phê bình đều dở, trừ bài khen là 'tạm được'”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng, câu chuyện của lý luận, phê bình mỹ thuật cần được nhìn xa hơn, rộng hơn ở việc thúc đẩy song song cả số lượng và chất lượng. Vai trò thúc đẩy đó đặt lên vai các nhà quản lý văn hóa, cơ sở đào tạo mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam... nhưng cũng cần nhấn mạnh đến chính người hoạt động lý luận, phê bình. “Nhìn vào hình ảnh của nhà phê bình, chưa bàn đến tài năng vội, mà đầu tiên tôi quan tâm đến phẩm cách. Điều này không chỉ nằm ở đào tạo mà còn phụ thuộc vào khả năng, tài năng bẩm sinh, cần được tích lũy qua thời gian, nhưng nó sẽ có tính quyết định tiếng nói của họ ảnh hưởng đến đâu, có giúp thúc đẩy nền mỹ thuật phát triển và nâng cao niềm tin của công chúng vào lý luận, phê bình hay không...”.

Hải Đường