Chống tham nhũng và chọn nhân tài

Bài cuối:  “Lửa thử vàng” để chọn hiền tài

- Thứ Năm, 24/09/2020, 07:37 - Chia sẻ
Không ít người đang rắp mưu đánh tráo việc chống tham nhũng với thanh trừng phe phái, nguy hiểm hơn đổ cho thể chế của chúng ta. Phải khẳng định ngay là, từ xưa tới nay, ở nước ta và các quốc gia, dân tộc trên khắp hoàn cầu, không một thể chế chính danh nào dung nạp hay nhân nhượng với tham nhũng. Đổ lỗi cho thể chế của ta, nói và hiểu như thế, rõ ràng nguyên vẹn là cách nhìn của những người thiển cận hoặc bị nhiễm chứng đàn hặc, cừu thù.

TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Cơ chế kiểm soát quyền lực   

Chúng ta phải làm gì, bằng cái gì để trừng trị cho bằng được tham nhũng và cái gốc đẻ ra tham nhũng? 

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, phải sửa đổi tư duy làm đầu. Không thể sửa sai những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Chống tham nhũng càng phải vậy. Trong rất nhiều vấn đề, phải gắn chống tham nhũng với chống thất thoát, lãng phí, nếu không mới chống tham nhũng “một nửa”. Thất thoát, lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và hoành hành. Đó chính là khâu đột phá đổi mới tư duy, tầm nhìn, và cụ thể là hệ thống chính sách phòng, chống tham nhũng. Cấp bách là, tiếp tục đổi mới tư duy về tham nhũng và chống tham nhũng gắn với chống lãng phí. 

Mặt khác, phải định lượng trách nhiệm để từ đó kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội theo đó, tiếp tục lựa chọn cán bộ, sắp xếp tổ chức và cải cách bộ máy, trên phương diện này. Vì tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: Tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị... biến ảo khôn lường... song hành với lãng phí. Còn nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”.

Nói khái lược, người giữ cương vị ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương và có trách nhiệm theo các Quy định: số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Khóa XI (về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp); số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị Khóa XII (về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên); và số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII (về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương), trên phương diện này.

Thứ tới là, chỉnh đốn bộ máy và cơ chế. Tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu... tác họa khôn lường. Nên vấn đề rường cột cốt tử chỗ này là, làm tốt yếu tố cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ với công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, phải tiếp tục đột phá vào chỗ “tung thâm” này, để tiếp tục đổi mới bộ máy nói chung và kiện toàn bộ máy phòng, chống tham nhũng nói riêng.   

Vì vậy, từ thực tiễn vừa qua càng cho thấy, bộ máy phòng, chống tham nhũng cần bao gồm những người tối thiểu mang 6 tư chất sau: một, trong sạch nhất; hai, dũng cảm nhất; ba, tinh thông nghiệp vụ nhất, bốn, mưu lược khôn khéo nhất; năm, kỷ luật nhất; và sáu, dĩ công vi thượng nhất. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực trao cho họ. Đây là yếu tố quyết định việc thành bại. 

Chọn người xứng đáng

Trước mắt, việc cần kíp là, tiếp tục sửa đổi cơ chế xứng đáng là vòng cương tỏa của thể chế tổng hợp một cách hệ thống, phù hợp và hiệu qủa từ Đức trị tới Pháp trị, với phương châm Dân chủ hóa, Minh bạch hóa, gồm 8 mặt chỉnh thể: 1 - Không nên tham nhũng; 2 - Không được tham nhũng; 3 - Không thể tham nhũng; 4 - Không cần tham nhũng; 5 - Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng; 7 - Không thể thoát khi tham nhũng; và  8 - Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng. 

Tám phương diện về thể chế trên phải tiếp tục sửa đổi hoàn bị, giữ nghiêm thực thi, không có ngoại lệ, không có vùng cấm và thi hành đồng bộ, triệt để. Đảng cương thống nhất với Quốc pháp làm riềng mối căn bản của thể chế phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước hết về vấn đề này trên cương vị, chức trách của mình.

Lại càng rõ ràng, đây là “lửa thử vàng” để chọn ra người thật sự hiền tài.

Người đứng đầu các cấp ủy và hệ thống chính trị phải Gương mẫu - Trung thực - Liêm sỉ - Trong sạch và Kỷ luật. Đó không chỉ là liêm sỉ mà là trách nhiệm. Tất cả phải sống trong lòng Nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân! Nhớ thế kỷ XV, vào năm 1407, trước họa giặc Minh xâm lược nước ta, nhà vua Hồ Quý Ly có hỏi con trai cả mình là Hồ Nguyên Trừng về đánh giặc hay không, thì Hồ Nguyên Trừng nói: “Đánh thì thần không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo”. Nay, chống tham nhũng, khi được lòng Dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự dù khó tới mấy cũng tất thành.

Đặc biệt, công cuộc chống tham nhũng đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân tham gia chống tham nhũng. Và, Nhân dân cần được biết đâu là quyền hạn của mình, phải được mở mang toàn diện, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát thời cuộc, trực tiếp ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng. Lưới trời Nhân dân lồng lộng! Trong việc chọn người, ai tham nhũng, ai khẩu Phật tâm xà, ai vì Dân, ai trong sạch, ai chân hiền, ai ngụy quan, xin cứ hỏi Nhân dân, mà theo đó cẩn chọn, mà thỉnh mời, rất khó sai.

Nói gọn lại, hãy qua những thử thách sinh tử như công cuộc phòng, chống tham nhũng mà thẩm xét, lựa lấy nhân tài, chọn người gánh vác trọng trách, xứng đáng với niềm tin Nhân dân gửi gắm.   

TS Nhị Lê