Sổ tay

Bài học khi vay nặng lãi

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:35 - Chia sẻ
Vụ án ông Nguyễn Đức Nguyên ở quận Đống Đa, Hà Nội khởi kiện đòi sổ đỏ từ năm 2009 đem thế chấp cho Công ty Linh Anh để vay số tiền ban đầu 630 triệu đồng với lãi suất 5 nghìn đồng/triệu/ngày. Đến nay, số tiền cả gốc và lãi phải trả lên tới 14,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối cùng 2 bên thỏa thuận được số tiền ông Nguyên phải trả là 4,5 tỷ đồng và rút đơn kiện và kết thúc vụ án. Đây cũng là bài học đắt giá cho nhiều người vì tiềm ẩn rủi ro, để rồi cùng “ đáo tụng đình”.

TAND quận Cầu Giấy vừa mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai. Tại tòa, ông Nguyễn Đức Nguyên và bà Hoàng Thanh Bình, giám đốc Công ty Linh Anh đã trình Hội đồng xét xử biên bản thỏa thuận của hai bên với nội dung: Ông Nguyễn Đức Nguyên đã thanh toán cho Công ty Linh Anh 4,5 tỷ đồng tiền nợ gốc và lãi, Công ty Linh Anh nhất trí trả lại cho ông Nguyên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ). Những người có quyền lợi liên quan có đơn rút toàn bộ các yêu cầu về quyền lợi của mình, Tòa quyết định đình chỉ vụ án.

Sự việc bắt nguồn từ đầu năm 2009, ông Nguyễn Đức Nguyên sinh năm 1975, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội có ký hợp đồng vay tiền của của Công ty Linh Anh, do bà Hoàng Thanh Bình làm giám đốc với tổng số tiền 630 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 5.000 đồng/ triệu/ngày. Ông Nguyên có đem thế chấp cho Công ty Linh Anh 1 sổ đỏ mang tên Nguyễn Văn Tấn là bố đẻ ông Nguyên nhưng không có sự xác nhận đồng ý của ông Tấn. Tuy nhiên, do không có khả năng trả nợ, lại được tư vấn rằng phía Công ty Linh Anh cho vay nặng lãi và cầm cố sổ đỏ là trái pháp luật nên ngày 21.5.2015 ông Nguyên đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản.

Tại tòa, Công ty Linh Anh  trình bày toàn bộ số tiền có được để cho ông Nguyên vay là do Công ty  đã phải đi vay của bà Nguyễn Thị Kim Thanh và cũng phải chịu lãi suất theo thỏa thuận, đồng thời đã đem sổ đỏ của ông Nguyên thế chấp cho bà Thanh. Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty Linh Anh đã nộp đơn phản tố yêu cầu ông Nguyên phải trả cho Công ty 14,2 tỷ đồng. Sau đó Công ty Linh Anh lại có đơn xin rút yêu cầu phản tố và đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyên.

Đến ngày 31.5.2017, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm số 09/20117/DS-ST: Chấp nhận một phần khởi kiện của ông Nguyên, xác định phần thế chấp tài sản và phần lãi quá cao là vô hiệu, số tiền ông Nguyên vay là 630 triệu đồng và phải chịu lãi suất từng thời điểm theo quy định, thỏa thuận thế chấp sổ đỏ là vô hiệu, buộc bà Thanh phải trả lại sổ đỏ của gia đình ông Nguyên cho Công ty Linh Anh, buộc Công ty Linh Anh phải trả lại sổ đỏ cho ông Nguyên, đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của Công ty Linh Anh.

Không đồng ý phán quyết của Tòa, Công ty Linh Anh cho rằng bản án buộc Công ty phải trả lại sổ đỏ cho ông Nguyên mà không buộc ông Nguyên thực hiện trả nợ là làm thiệt hại đến quyền lợi và Công ty có đơn kháng cáo, đề nghị hủy toàn bộ án bản sơ thẩm. VKSND quận Cầu Giấy cũng cho rằng bản án sơ thẩm không xử lý triệt để, vì vậy đã kháng nghị phúc thẩm đề nghị sửa bản án sơ thẩm. Ngày 14.12.2017, TAND TP Hà Nội ra bản án số 220/2017/DS-PT tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND quận Cầu Giấy tiếp tục giải quyêt.

Trong quá trình xét xử sơ thẩm lần thứ hai vào tháng 1.2019, các đương sự lại bất ngờ xin rút đơn kiện, đã tự hòa giải thành công, Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ vụ án. Qua vụ án này đã để lại bài học cho người đi vay và người cho vay khi cơ sở pháp lý không bảo đảm  đã tiềm ẩn nhiều rủi ro, để rồi cùng nhau “đáo tụng đình”.

Từ Thức