Bàn biện pháp xây dựng phát triển giao thông đường thủy nội địa

- Thứ Ba, 18/04/2017, 20:56 - Chia sẻ
Ngày 18.4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có buổi làm việc bàn về biện pháp thúc đẩy xây dựng phát triển giao thông đường thủy nội địa.

Đầu tư giao thông đường thủy sẽ tạo động lực phát triển kinh tế

Giới thiệu về tiềm năng lợi thế của hệ thống giao thông đường thủy nội địa Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhấn mạnh, giao thông vận tải thủy nội địa là loại hình vận tải có nhiều ưu việt như vận tải khối lượng lớn, chi phí vận tải thấp, hạn chế ô nhiễm môi trường, qua đó giảm gánh nặng cho hệ thống đường bộ đang bị quá tải. Thời gian qua, vận tải thủy chiếm 18% thị phần vận tải hàng hóa, mức tăng trưởng 5-6% mỗi năm. Nhiều mặt hàng vốn trước đây chủ yếu đi bằng đường bộ như quặng, xi măng, sắt thép, nông sản… nay đã chuyển sang đường thủy để giảm chi phí vận tải. Hiện đã hình thành tuyến vận tải container trên một số tuyến và xuất hiện phương tiện du lịch đường thủy, chở khách trên đường sông…

Đánh giá vận tải đường thủy trong thời gian qua có sự tăng trưởng vượt bậc, tuy nhiên Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cũng đã thẳng thắn chỉ ra giao thông vận tải đường thủy hiện vẫn chưa phản ánh đúng lợi thế của loại hình vận tải giá rẻ, vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, an toàn và thân thiện với môi trường.


Cục trưởng Hoàng Hồng Giang chủ trì buổi làm việc - Ảnh: Bảo Ngân

Sở dĩ có thực trạng trên là do chưa giải quyết kịp thời các vấn đề của thực tiễn hoạt động vận tải thủy nội địa. Cụ thể, công tác rà soát, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu; phương tiện khai thác vận tải thủy nội địa phần lớn là cũ và lạc hậu, chậm đổi mới về công nghệ; công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn kết để phát huy lợi thế; sự kết nối với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường biển chưa được tạo lập một cách phù hợp, chưa có quy hoạch hợp lý để tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn...

Cho rằng, phát triển vận tải thủy nội địa sẽ góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, phát huy lợi thế địa phương, tạo ra thị trường vận tải mới, có giá cước hợp lý, cạnh tranh... Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định, để vận tải thủy nội địa phát triển xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi, tạo đột phá trong phát triển kinh tế thì cần có những chính sách đầu tư hợp lý cũng như sự quan tâm phối hợp của các ngành, các cấp cũng như sự quyết liệt đổi mới của tự thân ngành đường thủy. Đồng thời, cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để phát triển vận tải thủy nội địa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng có kết hợp đầu tư mới việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa... Theo đó, trong thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đưa ngành đường thủy nội địa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nó.

Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các đề án. Đồng thời, tiếp tục triển khai tái cơ cấu vận tải thủy nội địa đến năm 2020 theo Đề án đã được phê duyệt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã nêu những vấn đề cần tăng cường đẩy mạnh thực hiện, theo đó mong muốn nhận được sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới như đầu tư xây dựng giao thông đường thủy từ luồng tuyến, cảng bến, thiết bị bốc xếp, phương tiện vận tải và năng lực quản lý… cần được phát triển đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao. Cùng với đó việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cần gắn kết với mạng lưới giao thông khác tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Đồng thời kết hợp giữa phát triển giao thông đường thủy nội địa với các ngành khác như thủy lợi, thủy điện. Nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng địa phương; xây dựng một số cảng khách, bến khách…


Cục trưởng Hoàng Hồng Giang với đại diện WB tại buổi làm việc- Ảnh: Bảo Ngân

Nhà nước cần đầu tư cơ bản bau đầu

Đồng tình với quan điểm đánh giá về tiềm năng và lợi thế của giao thông đường thủy nội địa Việt Nam là rất lớn, tại buổi làm việc đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ và Tâu Âu rất chú trọng giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, ở Việt Nam lợi thế tiềm năng của loại hình giao thông này chưa được phát huy. Trong đó biểu hiện rõ nhất là hiệu suất đầu tư cho lĩnh vực này chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu đầu tư của ngành giao thông vận tải. Vì vậy, ngành giao thông đường thủy nội địa cần phải làm rõ những vấn đề lợi ích đầu tư, hiệu quả kinh tế mang lại thì mới huy động được các nguồn vốn. Trong đó, cần có báo cáo  phân tích chỉ ra những chi phí cần bỏ ra để đầu tư, theo đó lợi ích đưa lại là gì ? Đồng thời cũng cần chỉ ra những yếu tố tác động đến môi trường, cũng như tác động đến xã hội. Cụ thể tác động đến xóa đói giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội… từ đó mới có sức thuyết phục các nhà đầu tư.

Khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định kinh tế tư nhân không phải lúc nào cũng phù hợp và thích ứng với mọi lĩnh vực để đầu tư, nhất là đối với giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với lĩnh vực này. Vì vậy, cần phải có sự đầu tư cơ bản ban đầu của phía Nhà nước. Sau đó mới xác định vai trò của kinh tế tư nhân khi tham gia vào lĩnh vực này ở khâu nào ? giai đoạn nào ?

Tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng khẳng định, với hệ thống giao thông đường thủy nội địa dày đặc, Việt Nam cần tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi này để thúc đẩy thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, việc đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường duy tu, bảo dưỡng các tuyến vận tải đường thủy nội địa, ven biển của Việt Nam cần được nghiên cứu đưa ra các đề xuất, đánh giá định lượng về các cơ hội đầu tư cụ thể theo phương thức hợp tác nhà nước-tư nhân vào lĩnh vực vận tải đường thủy nhằm nâng cao hiệu quả lĩnh vực giao thông vận tải chi phí thấp nhưng cho hiệu quả kinh tế cao này. 

Bảo Ngân