Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XV

Bàn các giải pháp căn cơ khôi phục và phát triển kinh tế

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:51 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố, nhiều giải pháp căn cơ, thiết thực đã được các đại biểu đề xuất để khôi phục nền kinh tế thời "hậu Covid-19". Theo các đại biểu, đây cũng là cơ hội tốt để Hà Nội nhìn lại mình, có những chính sách, cơ chế tạo tiền đề giúp kinh tế thủ đô ngày càng phát triển, bứt phá.

Thực hiện thắng lợi mục tiêu kép

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân Hoa bày tỏ sự đồng tình kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua của thành phố. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại xóa đi thành quả thành phố đã đạt được, đại biểu đề nghị Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp căn cơ, thiết thực để có thể hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm. Theo đó, thành phố cần duy trì phát huy các lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy nhanh chuyển đổi số, khuyến khích các sở ngành tiếp tục ứng dụng CNTT trong hội họp, giải quyết thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân. Đồng thời, các trường học cần tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT, xây dựng chuẩn hóa bài giảng trực tuyến, đào tạo nâng cao năng lực CNTT cho giáo viên; các bệnh viện, cơ sở y tế cần đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, cập nhật hoàn thiện hệ thống dữ liệu sức khỏe của người dân...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự Kỳ họp thứ 15, Hội đồng Nhân dân
Thành phố Hà Nội Khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021
|Ảnh: Trọng Đức

"Hà Nội cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đưa ra chính sách riêng để phát triển lĩnh vực này nhằm tạo động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19" - đại biểu Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh.

Còn đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng: Tỷ lệ các doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ bởi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay vẫn còn thấp. Vì vậy, để tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào như giảm giá điện, giảm phí cầu đường... "Đặc biệt, thành phố cần xây dựng một cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các doanh nghiệp" - đại biểu Phạm Đình Đoàn đề xuất.

Riêng đại biểu Đỗ Thùy Dương cho rằng đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội tốt để Hà Nội thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề văn hóa - xã hội. Theo đại biểu, tới đây thành phố cần tập trung hơn nữa vào công tác giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại… "Để làm được điều này, thành phố cần tăng cường nội lực, khắc phục sự chênh lệch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở, ngành. Đồng thời, cần khảo sát chất lượng dịch vụ tại từng quận huyện để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, tránh tình trạng "nơi cung cấp nhanh đến ngỡ ngàng, nơi thì chậm trễ cũng đến ngỡ ngàng" - bà Đỗ Thùy Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị thành phố cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm để thu hút khách nội địa... Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Minh Chung cho rằng đại dịch Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thủ đô phát huy nội lực, tạo cơ hội cho du lịch nội địa lên ngôi.

Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển

Theo đề xuất của đại biểu Nguyễn Hoàng, thành phố cần nghiên cứu lại quy hoạch tổng thể các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội thủ đô phù hợp với thời hậu Covid-19. Theo đó, Hà Nội cần tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng giao thông... bởi đây là những dư địa tạo động lực cho thủ đô phát triển có hiệu quả kinh tế - xã hội trong thời gian tới. "Riêng về cơ sở hạ tầng giao thông, chúng ta cần rà soát quy hoạch và đầu tư có hiệu quả, trong đó chú ý hệ thống giao thông kết nối các đô thị vệ tinh với nhau" - đại biểu Nguyễn Hoàng đề xuất giải pháp.

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Đức Tuấn cho rằng Hà Nội cần triển khai Quy hoạch thành phố mới với tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng mới theo Luật Quy hoạch. Đại biểu cũng lưu ý việc đề xuất mở rộng ranh giới phát triển khu vực đô thị cần tính toán sao cho phù hợp, bảo đảm yêu cầu về đô thị hóa cũng như hiệu quả về kinh tế, đề cao tính cân bằng trong sự phát triển, tạo tiền đề thuận lợi cho việc hoàn chỉnh quy hoạch đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số đại biểu, cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cấp thiết trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để bảo đảm chăm lo sức khỏe cho người dân, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Mặt khác, Hà Nội bảo đảm mọi điều kiện để công tác giáo dục đào tạo hoạt động bình thường, trong đó đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho việc nâng cao cơ sở vật chất cho ngành giáo dục; đẩy mạnh CNTT vào các trường phổ thông, qua đó cơ cấu lại công tác đào tạo lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định Hà Nội đặc biệt coi trọng các nhiệm vụ bảo đảm, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiếp tục không cắt giảm các dự án đầu tư cho môi trường. "Thành phố tiếp tục coi trọng cải cách hành chính, tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường nội địa, thị trường mới và các thị trường Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại" - ông Nguyễn Đức Chung cam kết.

Tới đây, Hà Nội sẽ đẩy nhanh vốn đầu tư công, bảo đảm đủ nguồn lực cho các dự án, cơ cấu nguồn lực, ưu tiên cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội, hạ tầng giao thông... "Đặc biệt, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, bảo đảm nghị quyết đi ngay vào đời sống" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

PHI LONG (HUỲNH PHI LONG)