Ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2018

- Thứ Ba, 05/12/2017, 18:24 - Chia sẻ
Ngày 4.12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã ký quyết định Ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2018.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tập trung lựa chọn 228 cuộc kiểm toán, cụ thể: 67 cuộc kiểm toán lĩnh vực NSNN (báo cáo quyết toán NSNN năm 2016; 16 Bộ, cơ quan trung ương; 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); 21 cuộc kiểm toán hoạt động; 28 cuộc kiểm toán chuyên đề (trong đó có một số chuyên đề phạm vi rộng: Đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; Việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2015-2017; hoàn thuế GTGT...); 53 cuộc kiểm toán dự án đầu tư; 33 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng; 26 cuộc thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cơ quan Đảng.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công. Trong đó, ưu tiên lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải như: Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh - Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh; các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư... Kiểm toán hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Kiểm toán việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, khu vực công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18.11.2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8.11.2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ giám sát của Quốc hội.

Tập trung kiểm toán việc bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên lựa chọn kiểm toán các dự án môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt, ngập úng tại các thành phố lớn: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1; Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương - giai đoạn 2.

Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động: để từng bước phát triển loại hình kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2020, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục mở rộng quy mô và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động.

Lâm Hiển