Bản sắc đô thị Hà Nội, nhìn từ hồ Tây

- Thứ Ba, 13/08/2019, 08:04 - Chia sẻ
Hà Nội là đô thị ngập tràn bản sắc và cảm nhận về các đặc trưng của thành phố này cũng rất khác nhau. Để nhận dạng một cách khách quan, tôn trọng và phát huy giá trị của chúng trong các bản thiết kế kiến trúc, quy hoạch hay đề xuất bảo tồn, do vậy, không hề đơn giản.

Biến đổi không gian hồ Tây

Ngay cái tên “Hà Nội” đã diễn tả đây là thành phố bên trong dòng sông, là thành phố không thể tách rời yếu tố mặt nước, trải qua quá trình bồi đắp vật chất và phù sa văn hóa gắn liền với câu chuyện, truyền thuyết lịch sử, với quy hoạch và tầm nhìn trong quá khứ và hiện tại. Trong buổi nói chuyện cuối tuần qua, TS. KTS. Lê Phước Anh và PGS. TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục cùng nhìn về bản sắc ấy qua một không gian đặc biệt. Đó là hồ Tây, vùng đất của thiên nhiên và lịch sử, vốn vẫn là khu vực ngoại ô cách đây chưa lâu nhưng đang chứng kiến quá trình đô thị hóa ồ ạt để trở thành trung tâm mới của Thủ đô.


Hồ Tây làm nên một phần của Hà Nội, để nhận diện Hà Nội với các thành phố khác

Dưới đôi mắt của nhà kiến trúc, hồ Tây hiện ra như thực thể nối kết quá khứ và hiện tại. Ở đó, còn những tranh cãi chưa đi đến hồi kết, rằng hồ Tây là một phần của sông Hồng, không chỉ là hồ mà còn kết nối với sông Tô Lịch, đua ra vùng ngoài đê… tạo nên hệ sinh thái mặt nước phong phú, đáng tiếc là từ năm 1992 đến nay đã bị thu hẹp nhiều. Ngày xưa, hồ Tây có tên là Dâm Đàm nghĩa là hồ mù sương, khí hậu bao giờ cũng thấp hơn xung quanh. Hồ Tây của kinh thành Thăng Long muốn vào chùa Trấn Quốc phải đi bằng thuyền, chứ không có đường như bây giờ, chùa nằm giữa hồ, có bậc thang nối thẳng xuống nước để đón thuyền rồng của nhà vua…

Một đặc trưng của khu vực xung quanh hồ Tây và mang tính đại diện cho đô thị Hà Nội chính là sự đan xen làng trong phố. Các làng xung quanh hồ Tây trước kia mang đầy đủ bản sắc của làng quê Việt, có luỹ tre, công trình công cộng như đình, chùa… KTS Lê Phước Anh cho biết, quanh hồ Tây hiện có 16 làng nhưng ranh giới và cấu trúc các làng không như xưa, nhiều ngõ nhỏ ra đời, nhà truyền thống khác hẳn… làm mất đi tính riêng tư và bầu không khí yên tĩnh thú vị trước kia.

Tuy thế, cuộc sống đương đại ở hồ Tây vẫn còn những điểm thú vị riêng, thể hiện qua lối sống của cư dân. Nhiều công trình công cộng mới được xây dựng điển hình cho lối văn hóa của người Việt từ xưa. Chẳng hạn, trên không gian công cộng, làng Hồ Khẩu dựng nên các gian nhà dùng cho nhiều chức năng như nơi để xe, làm quán nước, nơi họp chợ… Cảm nhận về một Hà Nội kẻ chợ, một Hà Nội đầy tính truyền thống cũng thấy rõ ở đây với những chợ cóc dọc nhiều con ngõ, các hội làng cứ đến hẹn lại lên…

Hiện diện đa dạng bản sắc

Thực ra bất cứ nơi nào cũng có bản sắc, vấn đề là cảm nhận về các đặc trưng ấy ra sao và đó có là bản sắc ta muốn hay không. Những gì hồ Tây đã trải qua chính là làm nên một phần của Hà Nội hiện tại, một phần để nhận diện Hà Nội với các thành phố khác. Trong duy tâm của người Việt, hồ Tây thiên về tính âm, vì vậy, đa số nguyện vọng muốn hình dung bản sắc hồ Tây theo kiểu mặt nước mờ sương, là bằng chứng cho lịch sử, truyền thuyết, là chốn trú ngụ của chim sâm cầm, được bao bọc xung quanh bởi các làng, công trình kiến trúc tôn giáo… Có điều, những yếu tố ấy đang bị chi phối bởi các định dạng khác, của một đô thị mới với hàng trăm dự án, công trình hiện đại.

Đối với một đô thị tiền thân là hệ sinh thái nhiều trầm tích, là Thủ đô, vừa là kinh đô cũ, như Hà Nội, mỗi biến đổi về hình dạng đều là thách thức lớn. Rất nhiều ví dụ về mâu thuẫn như đô thị mới đặt bên làng cũ, cho hình dung về sự đứt gãy tỷ lệ, kiến trúc và cả xã hội, khiến Hà Nội trở thành đô thị nửa phương Đông, nửa phương Tây. “Khá đau đớn khi nhìn một thành phố tạo ra bản sắc không dễ có mà vì nhiều lý do không kiểm soát, khiến nó từ đô thị rất nhiều bản sắc trở thành đô thị nửa phương Đông, nửa phương Tây” - KTS Lê Phước Anh nói.

Bản sắc của Hà Nội không phải được nhận diện trong một thời điểm nào của lịch sử nghìn năm qua mà được xây đắp xuyên suốt quá trình lịch sử, từ sự khai phá doi đất bên sông Hồng lần hồi hình thành Thăng Long - Kẻ Chợ. Nhận định như vậy, KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng, mọi bản sắc của Hà Nội trong từng thời kỳ đều có quyền được nhận diện, song đó phải là những gì tạo nên từ hồn cốt xa xưa. Cái hồn cốt đáng tự hào, như nhà văn Thạch Lam từng nói: Người Pháp tự hào Paris, người Anh tự hào London và người Việt Nam tự hào Hà Nội. “May mắn thay cuộc xung đột giữa Đông và Tây, truyền thống và hiện đại trong “cơ thể” Hà Nội vẫn luôn được hóa giải một cách nhân văn. Đó chính là nguồn cội để Hà Nội nảy sinh văn hóa mới từ những dòng chảy mạnh mẽ của quá khứ. Minh chứng từ quá trình phát triển lâu dài, giằng co và những bước ngoặt lịch sử để chúng ta có một Hà Nội bao dung, luôn nuôi dưỡng và dung hòa các cư dân bận rộn”, KTS Nguyễn Hồng Thục nhận định.

Thái Minh