Banking Vietnam 2019: Thúc đẩy tài chính toàn diện

- Thứ Ba, 21/05/2019, 07:57 - Chia sẻ
Hội thảo - triển lãm Banking Vietnam 2019 sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 30.5 tới với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt”. “Có 2 lý do để chúng tôi lựa chọn chủ đề này”, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước nói trong cuộc họp báo giới thiệu sự kiện sáng 20.5.

Banking Vietnam là sự kiện công nghệ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức từ năm 2013 đến nay nhằm triển lãm, giới thiệu những thành tựu mới về công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới. Đây cũng là nơi diễn ra các phiên hội thảo để các lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chuyên gia công nghệ trao đổi về các giải pháp, chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông.


Ảnh: Hồng Loan

Tài chính toàn diện - tiền đề của phát triển bền vững

Theo thông lệ, Banking Vietnam 2019 tập trung vào hai mảng hoạt động chính là hội thảo và triển lãm.
Hoạt động hội thảo có 1 phiên báo cáo chính với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” và 2 phiên chuyên đề chuyên sâu: “Quản trị rủi ro trong cung ứng dịch vụ tài chính nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt”; “Đa dạng hóa tổ chức và kênh cung ứng dịch vụ tài chính nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện”.

Hoạt động triển lãm quy tụ gần 30 gian hàng đến từ các ngân hàng thương mại lớn, các tập đoàn, công ty công nghệ, công ty trung gian thanh toán hàng đầu để trưng bày, giới thiệu và quảng bá những giải pháp công nghệ, sản phẩm dịch vụ mới ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2019, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia. “Tài chính toàn diện không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với phát triển KT - XH mà còn là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng bền vững quốc gia”, bà Hòa nhấn mạnh. Với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính đến người dân và doanh nghiệp, tài chính toàn diện đã được triển khai rộng rãi trên hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các tổ chức quốc tế khẳng định, tài chính toàn diện là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để phát triển bền vững. Ở Việt Nam, nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện đang được triển khai mạnh mẽ như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, phát triển tài chính vi mô…

Bên cạnh đó, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang trở nên ngày càng phổ biến hơn. Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 cũng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.  

“Đây là 2 lý do khiến NHNN quyết định lựa chọn chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt” cho Banking Vietnam 2019”, bà Hòa cho biết.

Quý I.2019 có 65 triệu giao dịch thẻ nội địa

Thông tin thêm về kết quả của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, đến cuối tháng 3.2019, trên toàn quốc có 18.668 cây ATM và 261.705 POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Trong quý I.2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý 37.325 nghìn giao dịch, tương ứng với giá trị 20.691 nghìn tỷ đồng (tăng 22,99% về số lượng và 17,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong quý I.2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền 171.000 tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ.

Thanh toán điện tử qua internet, điện thoại cũng thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong quý I.2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ 2018.

Về thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, đến nay, đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh; đã có khoảng 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh, thành phố.

Trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV sáng 20.5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước QH báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị: “Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn”.

Hà Lan