Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân (5.10.1988 - 5.10.2018)

Báo Đại biểu Nhân dân - ngày ấy, bây giờ

- Thứ Tư, 10/10/2018, 07:47 - Chia sẻ

Từ những ngày đầu tiên...

Trước tình hình và nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của QH, ngày 5.10.1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ra Quyết định số 96QĐ/HĐNN8 thành lập Tạp chí Người đại biểu nhân dân.

Nhiệm vụ của Tạp chí là nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn và phản ánh những hoạt động của các cơ quan dân cử và cử tri. Tạp chí được phép mở rộng đối tượng phục vụ đến đại biểu HĐND các cấp. (Trước đó, từ đầu năm 1976, VPQH và Hội đồng Nhà nước đã có Tập san Thông tin Quốc hội, mỗi năm xuất bản 5 số, chủ yếu phục vụ ĐBQH và cán bộ, công chức trong cơ quan). Tạp chí ra đời là đơn vị thứ 9 của Văn phòng (sau các Vụ: Pháp luật, Đối ngoại, Hội đồng và các Ủy ban, Tổ chức cán bộ, Dân nguyện, Hoạt động đại biểu, Hành chính - Tổng hợp và Vụ Quản trị - Tài vụ)(1).

Căn cứ vào giấy phép của Bộ Thông tin số 565-BTT ngày 6.9.1988, Tạp chí Người đại biểu nhân dân được phép xuất bản 2 tháng một kỳ. Để tạo điều kiện cho Tạp chí hoạt động thuận lợi, ngày 2.3.1989, Chủ nhiệm VPQH đã ban hành quyết định số 178VP/CN cho phép Tạp chí có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước...

Và đến bây giờ

Vẫn với cái tên Người Đại biểu Nhân dân, nhưng từ năm 2002 Tạp chí được chuyển đổi sang Báo, rồi 7 năm sau lại được nâng cấp lên báo hạng I, với vị thế tương đương Tổng cục và được đổi tên thành Đại biểu Nhân dân theo Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 ngày 27.8.2009.

Từ đó đến bây giờ, Đại biểu Nhân dân đang từng bước thực hiện sinh động, có hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch QH Khóa XII Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam): “Báo Đại biểu nhân dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin kịp thời các hoạt động của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, các đoàn ĐBQH, HĐND; phản ánh thực tiễn sinh động của cuộc sống, tình hình thực thi pháp luật, nghị quyết của QH, UBTVQH; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những ý kiến, kiến nghị của cử tri”. Và, “muốn thế, Báo phải có tổ chức bộ máy phù hợp, có đội ngũ giàu tâm huyết, vững vàng và tài năng; có phương pháp làm việc khoa học, năng động và hiệu quả”(2).

Có thể nói, Đại biểu nhân dân - một tờ báo luôn bám sát tôn chỉ mục đích  và ngày càng thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có tính đường hướng và phương pháp của Chủ tịch QH trong từng thời đoạn và trên từng số báo. Trong khuôn khổ một vài ý kiến ngắn, chỉ xin được chấm phá đôi nét trên bề mặt các số báo trong những năm tháng gần đây:

1. Số lượng bài vở dồi dào, đa dạng, đủ các “chủng loại” là sự sống còn của một tờ báo hàng ngày, thì Báo Đại biểu Nhân dân hiện nay đã đạt được yêu cầu cốt tử đó. Số lượng bài phong phú, chất lượng bài được nâng lên một tầm cao mới là một tiến bộ rõ nét và tổng quát nhất của Báo. Báo không chỉ bám sát và đưa thông tin theo trình tự hoạt động bề nổi của sự kiện mà đã xem xét, tổng hợp, mổ xẻ, phân tích nhiều chiều, đi từ hiện tượng đến bản chất như các bài về các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đúc rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp như các bài về các vấn đề tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp; mổ xẻ từng công đoạn, kiến nghị hoàn thiện quy trình như các bài về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; nâng tầm lý luận, bảo đảm tính khoa học như các bài về lĩnh vực chính trị, ngoại giao... Vì vậy rất nhiều bài thuộc các thể loại khác nhau có tính thuyết phục cao. Sự hấp dẫn của Báo Đại biểu nhân dân chính là những nội dung sống động, bổ ích, thiết thực cho bạn đọc và hình thức trang nhã của Báo, chứ không phải sự “câu nhử”, mồi chài giật gân bởi các phi vụ gay cấn, ly kỳ của những góc khuất ngoài xã hội và trên thế giới.

2. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo, nhiều người đã đạt đến một trình độ chuyên môn tương đối cao. Chất lượng của “người cầm bút” đã được nâng cấp cả về nghiệp vụ, chuyên môn và cả về tinh thần trách nhiệm. Tất cả đều đã và đang phấn đấu nâng tầm bút lực và theo đúng phương châm “chí sáng, tâm trong, bút sắc”.

Hầu như ai cũng biết, nghề viết là một nghề nặng nhọc, mệt mỏi trí não. Nhiều khi tầm chương trích cú, vắt óc, trăn trở trên trang viết cho ra một bài báo gọi là “đọc được” còn gian khổ, vất vả, nhọc nhằn hơn cả các bác thợ thùng đào, thùng đấu thao tác trên những cánh đồng chiêm trũng lầy thụt. Vậy mà, nhiều nhà báo của Đại biểu Nhân dân đã xử lý những chuyên đề khó, phức tạp với tốc độ phi mã và có độ chính xác rất cao. Rất đáng khâm phục những cây bút về chính trị, ngoại giao của báo. Sự kiện thời sự đang diễn ra hoặc vừa mới kết thúc đã có ngay các bài trên mặt báo mà bạn đọc cảm nhận được đường nét xác thực như nghe nhìn tường thuật trực tiếp. Rất đáng biểu dương các phóng viên đi phục vụ các Đoàn công tác trong và ngoài nước của Đảng và Nhà nước. Dù rất cấp tập, phải chạy đuổi theo thời gian, theo không gian, nhưng các phóng viên rất nhạy bén, đã thông tin khá kịp thời đầy đủ, chi tiết, sống động các hoạt động phong phú của các Đoàn ở từng nơi, từng lúc, từng sự kiện... Có được đội ngũ phóng viên, biên tập viên hùng mạnh, đủ về số lượng; khá, giỏi về nghề nghiệp, hiểu biết nhiều về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và có quan điểm tư tưởng chính trị vững vàng, đó là nền tảng vững chắc cho việc giữ vững tôn chỉ mục đích và thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng mọi mặt của Báo Đại biểu Nhân dân.

3. Báo ngày càng thu hút và “giữ chân” được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo về số lượng và có chiều sâu về chất lượng.

Theo dõi liên tục ta sẽ dễ dàng nhận thấy, nhiều năm trước đây đa phần các cộng tác viên là ở các cơ quan trung ương, thì nay cộng tác viên ở các địa phương đã là một lực lượng lớn ở khắp các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường trong cả nước. Nhiều cộng tác viên đương nhiệm hoặc đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực dân cử, nhưng cũng rất đông cộng tác viên thuộc khá nhiều lĩnh vực khác. Cộng tác viên chủ yếu là trong nước, nhưng cũng có cả cộng tác viên ở ngoài nước. Theo dõi dài ngày, chúng ta thấy có nhiều cộng tác viên bền bỉ, có mặt trên báo hàng 10 - 20 năm và lâu hơn nữa. Không ít các vị lãnh đạo ở Trung ương và các cấp ở địa phương viết bài cho báo. Trong vài năm nay, đại biểu HĐND và cán bộ phục vụ HĐND đã tham gia viết bài thường xuyên và tương đối đều khắp trong cả nước. Đó là những thông tin nóng hổi từ mọi miền đất nước hội tụ trên mặt báo... Với đội ngũ hùng hậu và có chất lượng khá cao, các cộng tác viên đã góp phần đáng kể cho tính phong phú, toàn diện và sức hấp dẫn của Báo Đại biểu Nhân dân.

Sau cùng (nhưng thực ra là đầu tiên), lãnh đạo tòa báo đã từng bước được kiện toàn. Do đó đã xử lý công việc có trí tuệ, có hiệu quả thiết thực, làm cho ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN hấp dẫn về nội dung, đẹp về hình thức và có uy tín với bạn đọc.

_________

(1) Xem Lịch sử VPQH, trang 159-162, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, HN. 2007.
(2) Thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi Báo Đại biểu Nhân dân, số báo 293, ra ngày 20.10.2009.

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội