QH thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi):

Bảo đảm bình đẳng và minh bạch

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 13:25 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ sáng nay, 15.11, các ĐBQH cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp và sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, khơi thông dòng vốn, tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh

Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ĐBQH tranh luận về việc nên hay không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Hiện, cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh hoạt động ổn định; trong đó, có khoảng 1,33 triệu cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Năm 2018, khu vực kinh tế cá thể, trong đó có hộ kinh doanh đóng góp gần 30% vào GDP. Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định sử dụng khoảng 7,6 triệu lao động; doanh thu đạt 2.375.935 tỷ đồng, bằng khoảng 13,3% doanh thu thuần của doanh nghiệp, nhưng nộp ngân sách nhà nước chỉ bằng 1,35% của khối doanh nghiệp. Do đóng góp của hộ kinh doanh vào GDP và giải quyết việc làm rất lớn nên nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định pháp luật ở tầm luật nhằm điều chỉnh đối với nhóm đối tượng này. 


Họp tổ Hà Nội
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật nhằm khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, khi chế định hộ kinh doanh vào luật còn làm rõ quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh, bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế. 

Tuy nhiên, ĐB Hà Thị Minh Tâm cũng đặt câu hỏi: đưa hộ kinh doanh vào luật sẽ mang lại lợi ích thực chất gì, có tác động trở lại như thế nào đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa? Vì hiện nay, nước ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp nhưng trên thực tế, dù luật đã có hiệu lực thi hành thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước cũng còn nhiều khó khăn. Đại biểu tỉnh Hà Nam đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục tìm hiểu, đánh giá tác động của việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời, cần lấy ý kiến sâu rộng của đối tượng được điều chỉnh.


Họp tổ Lào Cai Nam Định Đồng Nai
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chưa rõ, còn "làng nhàng" giữa luật và nghị định. Theo ĐB Nguyễn Văn Thân, điều quan trọng khi đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là nhằm xử lý vấn đề về thuế, bởi thực tế, nhiều hộ kinh doanh dù có quy mô nhỏ nhưng hiệu quả kinh doanh lại rất cao. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh tỏ ra không mặn mà với việc “được đưa vào Luật Doanh nghiệp”. Lý do là bởi, có khi hộ kinh doanh chỉ có mấy người trong cùng gia đình làm nhưng sẽ phải có kế toán, thực hiện các thủ tục kê khai nộp thuế, tổ chức quản lý... Nhấn mạnh mục đích của việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là nhằm bảo hộ và phát triển, ĐB Nguyễn Văn Thân đề nghị, ngay trong dự thảo Luật cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ dành cho các hộ kinh doanh.  

Theo ĐBQH Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận), việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc đối tượng bị điều chỉnh sẽ khó chịu khi mới bị đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật. "Mục đích của việc luật hóa hộ kinh doanh là nhằm bảo đảm công bằng và minh bạch. Người không thích minh bạch thì ban đầu họ sẽ không thích, nhưng dần dần họ cũng sẽ nhận ra minh bạch giúp họ tử tế lên thì chắc chắc họ cũng sẽ thấy bằng lòng", ĐB Phan Xuân Dũng nói. 


Họp tổ Lạng Sơn - Hải Phòng - Đồng Tháp
Ảnh: Quang Khánh

Cần quy định về các hình thức đầu tư mới do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Đối với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ý kiến khẳng định, việc sửa đổi là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của Luật, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế. 

Nêu thực tế nhiều luật được ban hành nhưng vướng trong thi hành do vướng các luật hiện hành khác, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ, nhằm bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. 


Họp tổ Quảng Ninh - Đắc Lắc - Cà Mau
Ảnh: Quang Khánh

Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, ĐB Bùi Văn Xuyền cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định ngay trong Luật về những mô hình, loại hình và hình thức đầu tư mới xuất hiện dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ, hiện nay chưa có khung pháp lý điều chỉnh nhiều loại hình đầu tư, kinh doanh mới phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như Grab, Uber, kinh doanh trên mạng... Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng có nêu, đối với những vấn đề pháp lý mới phát sinh, chưa có tiền lệ và chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn thì chưa nên quy định ngay trong Luật mà nên ban hành Nghị quyết thí điểm của QH hoặc Nghị định của Chính phủ. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, sau quá trình thực thi, tổ chức đánh giá, nếu đủ điều kiện mới luật hóa để bảo đảm tính khả thi, tính ổn định của pháp luật.

Về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ĐB Bùi Văn Xuyền đồng tình với việc dự thảo Luật bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đại biểu cũng đề nghị, khi dự thảo Luật được ban hành thì cũng cần đi kèm với danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Thanh Chi